Tâm sự của thiếu nữ bị mẹ bán sang TQ làm nô lệ tình dục

Tâm sự của thiếu nữ bị mẹ bán sang TQ làm nô lệ tình dục
Bố đẻ đánh, bố dượng gạ gẫm, mẹ tiếp tay bán sang Trung Quốc, bị “chồng” ép quan hệ tình dục… Cuộc đời của cô bé Vàng Thị Seo (người H'Mông, Điện Biên) tưởng chừng như không có ngày được yêu thương.

> Vào nhà nghỉ, chui gầm giường trộm tiền đôi tình nhân

Tâm sự của thiếu nữ bị mẹ bán sang TQ làm nô lệ tình dục ảnh 1

Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa

Vàng Thị Seo (tên đã được thay đổi - PV) sinh năm 1999. Em cho biết, nhà có 5 chị em, rất nghèo, không đủ ăn. Vì thế, bố mẹ em không cho Seo và các em đi học. Hàng ngày, em phải trông 4 em, nấu cơm, nuôi lợn, dọn dẹp nhà cửa để bố mẹ đi nương. Nhiều khi, em cũng phải gùi đất lên nương đổ vào các hốc đá để tra hạt ngô, đến mùa lại đi bẻ ngô cõng về nhà. Cho dù vất vả nhưng Seo vẫn có thể chịu đựng được.

Điều khiến em sợ hãi nhất chính là bố em cứ uống rượu vào lại đánh chửi mẹ, say cũng đánh, không say cũng đánh. “Tay bố đấm, chân bố đạp mẹ, có ngày đánh 3-4 bận, nhiều lần lưng mẹ tím bầm, đổ máu mồm, máu mũi, đau không đứng dậy được” - Seo cho biết. Khi mẹ sợ quá, chạy sang hàng xóm thì bố tìm đến, chửi người ta: “Đứa nào giấu vợ tao, tao đánh chết. Ai can tao cũng đánh, vợ tao tao đánh”. Từ đấy hàng xóm không ai đến can nữa. Seo và các em cũng bị bố đánh như cơm bữa, chỉ làm gì không vừa ý là đòn roi của bố lại trút xuống.

Bố Seo đánh mẹ Seo vì mẹ có một người đàn ông khác trong bản thích mẹ. Người đó cũng có vợ và 2 đứa con. Mẹ cũng thích người đấy, có lần mẹ còn bỏ nhà đi gặp người ấy vào buổi tối. Còn bố cũng thích một người con gái chưa chồng, bố thường đến với cô ta vào buổi tối, đến nửa đêm mới về nhà. Nên lúc nào, bố mẹ Seo cũng cãi cọ, chửi bới nhau. Nhiều lúc Seo cũng đứng ra can: “Thôi hai người đừng cãi nhau nữa. Bố đừng đánh mẹ nữa”, nhưng chẳng ai nghe Seo.

Rồi một ngày, có người quen cho mẹ số điện thoại của một người Mông khác ở Hà Giang. Mẹ và ông này điện thoại cho nhau, chẳng bao lâu thì thích nhau. Ba tháng sang, mẹ mang Seo bỏ trốn theo ông ở Hà Giang, bỏ lại bố và 4 đứa em thơ dại.

Mẹ cưới chồng mới, Seo phải gọi ông ta là bố dượng. Nhưng ở chung với bố dượng Seo rất sợ. Mỗi lần mẹ không có nhà, bố dượng đều gạ gẫm Seo đẻ cho ông ta một đứa con trai, một đứa con gái. Seo sợ quá, phải lẩn tránh ông ta, lúc nào cũng cảnh giác, đêm cũng không dám ngủ. Nhưng Seo không dám nói với mẹ vì mẹ rất yêu ông ta.

Một ngày, em gái của bố dượng lấy chồng ở Trung Quốc về thăm nhà. Bà ta tỉ tê nói với mẹ Seo là sang Trung Quốc lấy chồng rất sung sướng. Mẹ Seo liền thuyết phục con gái đi lấy chồng Trung Quốc. Lúc đầu, Seo không đồng ý, nhưng vì ở lại sợ bố dượng sàm sỡ nên em lại nuốt nước mắt đi theo.

Nô lệ tình dục

Sang Trung Quốc, Seo bị bà cô đưa vào gia đình có 3 anh em trai và gán Seo cho cậu em út, hơn Seo 10 tuổi. Lúc đó, Seo đã nhìn thấy người Trung Quốc đưa tiền cho bà cô, nhưng Seo không biết họ có đưa tiền cho bố mẹ Seo hay không.

Ngày ngày làm “vợ”, cô bé 14 tuổi lạc ở nơi đất khách, không biết tiếng, không quen lề thói, còn bỡ ngỡ, sợ hãi, đã bị vầy vò suốt cả đêm. “Chồng hờ” của Seo không cho vợ đi ra khỏi cửa phòng. Anh ta cũng chẳng đi đâu, chỉ loanh quanh trong nhà, đợi “đến giờ” lại đòi hỏi, cưỡng bức em. Mỗi ngày, Seo bị ép quan hệ tình dục 3-4 lần. Thân hình nhỏ bé của em đau đớn đến cùng cực.

Được hai tuần thì bỗng nhiên, công an ập vào nhà và giao trả Seo về Việt Nam. Seo được nghe kể lại là người ở quê đã nhìn thấy bố mẹ và bà cô đưa Seo sang Trung Quốc nên báo công an, nên em được giải thoát.

Dù mới hai tuần làm “vợ hờ”, nhưng Seo vẫn thực sự ám ảnh, sợ hãi và đau đớn. Về nhà với mẹ và bố dượng, Seo lại nơm nớp nỗi sợ khác.

Khi các cô phụ nữ ở huyện đến nhà vận động bố mẹ cho Seo xuống Ngôi nhà bình yên dưới Hà Nội để học chữ và được giúp đỡ, lúc đầu, mẹ Seo không cho đi, nhưng khi em xin mãi, mẹ mới đồng ý.

Ở Ngôi nhà bình yên, em được cho ăn, học, được dạy nữ công, được tư vấn để quên đi những nỗi ám ảnh ngày trước. Em cũng được học chữ. Từ lúc Seo không biết đọc, biết viết, không biết nói tiếng Kinh, giờ em đã thuộc bảng chữ cái, đọc được một số chữ như con bò, con bê, bó cỏ… Em cũng đã nghe nói bập bõm tiếng phổ thông. Các cô còn cho biết, tháng 7 em sẽ được vào lớp 1.

Em vừa nhận được tin mẹ em đã bỏ chồng ở Hà Giang, sang Trung Quốc lấy chồng. Em không thể về Hà Giang để sống với bố dượng vì sợ ông ta quấy rối. Nhưng em cũng không thể về Điện Biên vì sợ bố đẻ đánh chết. Mẹ em lại tiếp tục cho số điện thoại của em cho một người đàn ông bên Trung Quốc. Ông ta gọi em bảo muốn em về Hà Giang, ông ấy đưa sang Trung Quốc cưới làm vợ. Nhưng em sợ lắm rồi.

“Em mong muốn được học chữ để biết đọc, biết viết, kiếm việc làm. Em không thể quay về quê nữa” – Seo cho biết. Tuy nhiên, hiện nay em không có giấy khai sinh để nộp cho nhà trường, cũng không có chứng minh thư nhân dân. Tại nhà ở Hà Giang, em không có hộ khẩu. Còn tại Điện Biên, em cũng không dám về, không nhớ tên xã… Em đang phải nhờ các cô, các chú ở Ngôi nhà bình yên giúp đỡ để được đến trường, quên đi cuộc sống tủi nhục của mình.

Bà Đoàn Thị Minh – nhân viên quản lý Nhà hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán cho biết, em Seo là 1 trong 241 nạn nhân bị buôn bán được giải cứu mà Ngôi nhà bình yên đã hỗ trợ trong 7 năm qua. 37% nạn nhân là người dân tộc (Tày, Thái, Khơ me, Hmông, Dao…). Hầu hết các em đều đến từ những gia đình “vô sản”: đói nghèo, không có trình độ, kiến thức, mù chữ. Các em cũng đều bị người quen lừa bán sang Trung Quốc “lấy chồng cho sướng” mà không hề biết mình là món hàng để người ta lợi dụng. Cũng có em bị bắt cóc trên đường đi nương rẫy. Các em bị bán cho các gia đình làm vợ, thậm chí làm “vợ chung” cho cả anh em trong gia đình. Các trường hợp bị bán làm gái mại dâm thì chịu cảnh hành hạ về thể xác và tinh thần. Các em bị ép bán dâm từ 10-15lần/ngày. 100% phụ nữ bị buôn bán mắc bệnh phụ khoa, một tỷ lệ lớn mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (điển hình là bệnh sùi mào gà), một số ít trường hợp bị mắc HIV. Tất cả các em đều có các dấu hiệu rối loạn tâm lý, hoảng loạn, sợ hãi. Nhiều em còn mất trí nhớ, không rõ mình là ai, quê quán ở đâu. Sau một thời gian điều trị, các em mới dần dần bị hồi phục.

Theo Diệu Linh
Dân Việt

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG