Thầy cô quản lý học sinh trên Facebook, teen Đà Nẵng nói gì?

Thầy cô quản lý học sinh trên Facebook, teen Đà Nẵng nói gì?
Bên cạnh nhiều ý kiến tỏ ra háo hức, một số bạn lo ngại, việc bị giám sát qua Facebook có thể khiến teen cảm thấy ức chế.

Trước việc Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm các trường THCS TP Đà Nẵng được tập huấn về phương pháp quản lý học sinh trên Facebook bắt đầu từ học kỳ 2, một số teen bộc bạch rằng ngoài những tiện lợi trong việc thông báo, trao đổi bài vở, việc thầy cô “kết bạn” trên Facebook sẽ khiến học trò cảm thấy không thoải mái.

Quản lý Facebook khiến teen bị ngột ngạt?

Nguyễn Hứa Diễm Tường, lớp 11/25, THPT Phan Châu Trinh chia sẻ tâm sự về Facebook khi mạng xã hội này hiện là nơi Diễm Tường nắm bắt cảm xúc, suy nghĩ của bạn bè. Ngoài ra, Facebook còn là nơi bạn ấy được biết những thông tin về làm đẹp, những địa điểm giải trí, nơi có thức ăn ngon, shopping online.

 Diễm Tường chia sẻ: “Mình thấy Facebook cũng như nhật kí của mình thôi! Chẳng ai muốn bị “quản lý” nơi chia sẻ ảnh, cảm xúc của mình cả“. Ảnh: NVCC
Diễm Tường chia sẻ: “Mình thấy Facebook cũng như nhật kí của mình thôi! Chẳng ai muốn bị “quản lý” nơi chia sẻ ảnh, cảm xúc của mình cả“. Ảnh: NVCC.

Theo Diễm Tường, nếu có người lớn tuổi hoặc bố mẹ “kết bạn” Facebook thì rất mất thoải mái. “Thầy cô add Facebook, chắc mình''accept'' một vài thầy cô trẻ thôi. Mình thấy một số thầy cô không tâm lý lắm! Khi thầy cô ''add'' Facebook, chắc mình sẽ sốc một chút, có thể không cập nhập cái gì về mình nữa. Rồi những hình ảnh, status riêng tư mình đã chia sẻ chắc phải xoá.”, Tường chia sẻ.

Hồ Đoan Hân, lớp 10/14, THPT Phan Châu Trinh cho rằng việc thầy cô thành “bạn” trên Facebook sẽ khiến bạn ấy mất đi sự thoải mái khi online giống như trước. Cô bạn cho biết có thể mình chỉ inbox nói chuyện với bạn bè thôi, nếu có thầy cô sẽ mất đi thoải mái. Việc chia sẻ một status cũng khiến Hân phải suy nghĩ nhiều. "Có thể tụi mình sẽ bị kiểm soát, mất đi sự thoải mái khi chia sẻ status, hình ảnh, chuyện trò với bạn bè", Hân nói.

“Mình mới vào trường nên không rõ lắm về các thầy cô đang giảng dạy ở trường. Thay vì kết bạn Facebook, mình mong thầy cô tâm lý hơn với độ tuổi của chúng mình, hiểu tụi mình nghĩ gì, muốn gì. Đừng áp đặt bọn mình làm những việc bọn mình không thích", Đoan Hân bộc bạch. Cô bạn cũng cho rằng, một số thầy cô không hiểu tâm lí học trò lắm. Nhiều chuyện teen thể hiện trên Facebook sẽ khiến thầy cô không thích, dẫn đến đánh giá teen.

 Hân chia sẻ mong muốn được thầy cô hiểu tâm lý tuổi teen ở lớp học hơn là qua Facebook. Ảnh: NVCC
Hân chia sẻ mong muốn được thầy cô hiểu tâm lý tuổi teen ở lớp học hơn là qua Facebook. Ảnh: NVCC.

Đặng Thiện, 20 tuổi chia sẻ rằng: “Mình thấy không phải bạn nào cũng tham gia Facebook hoặc online thường xuyên, khi triển khai việc “quản lý”sẽ khiến nhiều bạn chưa sử dụng Facebook bắt đầu tạo tài khoản mới. Việc này có thể làm mất thời gian của các bạn khi bắt đầu sử dụng Facebook.”.

“Khi bọn mình nói gì, đăng gì cũng bị thầy cô thấy, lên lớp có khi sẽ ngại gặp thầy cô”, Phan Văn Kha, 19 tuổi chia sẻ, lý giải rằng Facebook phần đông chỉ gồm những người trẻ kết bạn với nhau.

Phan Thị Mỹ Huyền, lớp 11/5, THPT Nguyễn Hiền cho rằng việc thầy cô “kết bạn” Facebook sẽ khiến học trò tụi mình cảm thấy bị gò bó trong khuôn khổ khi online, dẫn đến có ác cảm với thầy cô khi học sinh không có được sự riêng tư bên ngoài lớp học.

Thầy cô tâm lý sẽ là người bạn tin cậy trên Facebook

Ngược lại, nhiều teen cũng cho rằng, việc thầy cô tiếp xúc với các teen qua Facebook có thể khiến khoảng cách thầy - trò được thu hẹp. Trên lớp, sau những giờ học căng thẳng, thầy cô và teen thường không có nhiều thời gian để tâm sự cùng nhau. Nay qua Facebook, teen có thể dễ dàng bộc lộ tâm tư của mình với giáo viên chủ nhiệm, đặc biệt là với những thầy cô tâm lý và thực sự muốn hiểu suy nghĩ các teen.

Đặng Thiện chia sẻ: “Mình thấy hiện nay, nhiều bạn trẻ và giáo viên đã biết đến và tham gia mạng xã hội Facebook. Nhiều lớp đã tạo groups riêng trên mạng xã hội này. Từ đó, thông tin trong việc học tập, các hoạt động ngoại khoá được cập nhập trên mạng. Các bạn trẻ, thầy cô có thêm một kênh liên lạc nhanh chóng.”.

 “Việc thầy cô dùng Facebook là một cách tốt để “quản lý” học trò, khi mạng xã hội đang thịnh hành như hiện nay.”, Đặng Thiện chia sẻ. Ảnh: NVCC
“Việc thầy cô dùng Facebook là một cách tốt để “quản lý” học trò, khi mạng xã hội đang thịnh hành như hiện nay.”, Đặng Thiện chia sẻ. Ảnh: NVCC.

Văn Kha cũng bày tỏ quan điểm Facebook đã trở thành một kênh liên lạc hữu hiệu giữa thầy và trò khi “người người, nhà nhà” dùng Internet. “Việc trao đổi bài vở, tin tức ở trường sẽ nhanh chóng và thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, thầy cô có thể quản lý, nắm bắt tâm tư tình cảm của học trò”, theo Văn Kha.

Đặng Thiện cũng chia sẻ về những mặt tích cực của việc thầy cô “kết bạn” với học trò qua Facebook bởi Internet đôi khi tạo môi trường trò chuyện tốt hơn ở lớp học. “Nhiều thầy cô có tài khoản Facebook được các bạn, các em của mình hâm mộ bởi sự tâm lý, hóm hỉnh”, Thiện nói thêm.

Cô giáo Phạm Ngọc Minh Thư chia sẻ, cô nhận được nhiều ủng hộ của học trò khi có đến hàng ngàn lượt “kết bạn” trên Facebook.

“Đây là mô hình mà trường mình công tác đang áp dụng và nhân rộng. Điều quan trọng nhất không phải là giám sát học sinh, sinh viên một cách cứng nhắc mà là trở thành một người bạn của các em. Qua Facebook, sinh viên hỏi những vấn đề chưa rõ, những vấn đề liên quan đến quyền lợi, vấn đề tâm lý, cách giải quyết các tình huống trong quan hệ bạn bè - thầy cô...”, cô Minh Thư chia sẻ.

 Việc kết bạn với thầy cô trên Facebook sẽ trở nên dễ dàng hơn, nếu thầy cô chủ động nắm bắt và trò chuyện tâm lý với các teen. Ảnh minh họa: FB
Việc kết bạn với thầy cô trên Facebook sẽ trở nên dễ dàng hơn, nếu thầy cô chủ động nắm bắt và trò chuyện tâm lý với các teen. Ảnh minh họa: FB.

Trước đó, Phòng giáo dục quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng mở lớp tập huấn cho Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm các trường THCS trên địa bàn phương pháp quản lý học sinh trên mạng xã hội Facebook. Theo thầy Trần Văn Hồng, phó Phòng giáo dục quận Ngũ Hành Sơn, ý tưởng giám sát học sinh qua mạng Facebook bắt nguồn từ sự bùng nổ của Internet.

Năm vừa qua, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã xảy ra nhiều vụ việc của giới trẻ liên quan đến Facebook gây xáo trộn đời sống học đường. Tháng 8/2013, một nhóm học sinh, sinh viên Đà Nẵng đã bị bắt và xử phạt do hành vi “xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của người khác” trên trang fanpage có tên Bộ mặt thật của các hot teen Đà Thành.

Nhiều tin đồn thất thiệt cũng từng bị tung ra từ trò đùa của một số người trẻ trên Facebook, trong đó đáng chú ý là vụ việc một học sinh bị tung ảnh nude lên mạng sau đó tự tử ở cầu Trần Thị Lý vào tháng 10.

Theo Ione

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG