Thi tốt nghiệp THPT: Quyết liệt cuối 'đường đua'

Thi tốt nghiệp THPT: Quyết liệt cuối 'đường đua'
Tại Hà Nội và TP.HCM, lịch học chính khóa đã kết thúc nhưng cả thầy lẫn trò vẫn miệt mài “ngoại khóa”, dồn sức “tổng lực” cho kỳ thi quan trọng nhất sau 12 năm đèn sách.

Thi tốt nghiệp THPT: Quyết liệt cuối 'đường đua'

> Ngày 28/3: công bố môn thi tốt nghiệp THPT
> Thầy cô nấu cơm phục vụ học trò ôn thi tốt nghiệp
> Đề thi tốt nghiệp THPT sẽ không dài, không khó

Tại Hà Nội và TP.HCM, lịch học chính khóa đã kết thúc nhưng cả thầy lẫn trò vẫn miệt mài “ngoại khóa”, dồn sức “tổng lực” cho kỳ thi quan trọng nhất sau 12 năm đèn sách.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Du, Q.10 (TP.HCM) tự ôn tập tại trường sáng 28-5 - Ảnh: Hữu Thanh
Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Du, Q.10 (TP.HCM) tự ôn tập tại trường sáng 28/5. Ảnh: Hữu Thanh.

Dù lịch học chính khóa đã kết thúc từ ngày 25/5, nhiều phụ huynh có con học lớp 12 Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM vẫn đưa con đến trường những ngày sau đó. Sáng 28/5, hàng trăm học sinh khối 12 vẫn đến trường tự ôn tập hoặc học phụ đạo với một số ít giáo viên vẫn còn “bám lớp” đến phút cuối.

Buổi chiều số học sinh đến trường vơi bớt, chỉ còn một số nhóm mượn ghế đá sân trường làm nơi học nhóm, dò bài, giải đề cùng nhau.

TP.HCM: không học ở nhà vì sợ “cám dỗ”

Hiện ở Trường THPT Nguyễn Du vẫn duy trì hai lớp phụ đạo hai môn toán và văn dành cho những học sinh có nhu cầu cho đến sát ngày thi. Lớp phụ đạo toán với khoảng 20 học sinh từ các lớp khác nhau ngồi thành một hàng dài trong căn phòng rộng vốn là phòng giáo viên. Cô giáo đi lần lượt từng em để giúp các em giải đề. Ai cũng cặm cụi với máy tính, gạch gạch xóa xóa. Ở lầu 1, lớp phụ đạo môn văn do thầy Nguyễn Hữu Thanh phụ trách vẫn sáng đèn dù chỉ có sáu học sinh. Không còn đồng phục, không có trống trường, thầy và trò ngồi gần nhau để giải đáp những khúc mắc bài vở suốt 1-2 giờ. Học trò nào cũng ôm trong tay tập đề cương từng môn với đủ các nét mực xanh đỏ đánh dấu trọng tâm. Thời gian không còn nhiều nên thầy chỉ tranh thủ điểm lại những phần kiến thức cơ bản của từng bài học và hướng dẫn học sinh kỹ năng phân tích.

Một học sinh lớp 12A7 cho biết: “Ở nhà có quá nhiều “cám dỗ” nên không tập trung ôn tập được, vì vậy các bạn cùng lớp hoặc gần nhà, hay chơi chung rủ nhau lên trường tự ôn tập, bạn nào giỏi thì chỉ cho các bạn còn lại. Chủ yếu tụi em ôn tập phần làm bài sử dụng atlat của môn địa lý, phần lý thuyết của môn sinh học, bạn này giúp bạn kia dò bài cho mau thuộc. Tụi em dự định sẽ lên trường mỗi ngày hai buổi cho đến ngày 30 mới nghỉ”.

Tại Q.2, nhiều học sinh cho biết đây là thời gian nước rút nên việc học kèm với gia sư, học nhóm, đến nhà giáo viên... đều là những hình thức ôn tập được chọn lựa, nhằm bổ sung những phần kiến thức còn hạn chế. H.T., lớp 12 Trường THPT Giồng Ông Tố, cho biết: “Mấy ngày cuối ở nhà áp lực không phải đến từ bản thân mà là từ gia đình. Ba mẹ suốt ngày chỉ nhắc học, học, học. Trước đây em học với gia sư dạy kèm môn toán một tuần ba buổi, bây giờ phải học tất cả các ngày trong tuần cho đến khi đi thi, theo ý kiến của mẹ. Thời gian còn lại em và các bạn chia nhau giải các đề mà cô giáo cho, đề thi các năm trước và một số đề trên mạng cũng được tải về để giải với hi vọng quen các dạng đề, kể cả các dạng đề hiếm gặp, thì đi thi sẽ đỡ lúng túng”.

Trong khi đó, giáo viên các bộ môn thi tốt nghiệp cùng với giáo viên chủ nhiệm khối 12 Trường THPT Lê Quý Đôn những ngày này luôn túc trực ở trường để phụ đạo cho các học sinh yếu. Lịch phụ đạo kéo dài đến ngày 30-5, trong đó giáo viên sẽ kèm từng học sinh để giải quyết những lỗ hổng kiến thức, giúp học sinh truy bài... Đại diện nhà trường cho biết: “Nhiều phụ huynh đề nghị nhà trường tổ chức phụ đạo thêm để các em đến lớp và giữ nề nếp học tập, vì ở nhà phụ huynh không quản nổi và khả năng tự học ở nhà của các em cũng rất hạn chế”.

Trong khi đó, các trường tư tại TP.HCM vẫn chia ba ca ôn tập/ ngày. Tuy nhiên một số trường tư như Thái Bình, Hồng Đức, Việt Thanh... đã giảm bớt thời lượng ôn tập và áp lực bài vở, tạo nhiều hoạt động vui chơi, thư giãn cho học sinh trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp, dành thời gian ngủ trưa, không để học sinh thức khuya quá 22g. Trong hai ngày 30 và 31-5, một số trường tư thục như Nguyễn Khuyến, Thành Nhân... cũng tổ chức lễ ra quân với nội dung động viên, khuyến khích học sinh cố gắng đạt thành tích tốt nhất trong hai kỳ “vượt vũ môn” sắp tới.

Hà Nội: ôn đến phút chót

Không chỉ thầy, trò mà cả nhà trường và gia đình cũng chung sức cho cuộc đua chặng cuối này. Lớp ôn thi đặc biệt của Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) là lớp ôn thi kết thúc muộn hơn các lớp khác. Cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp - hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú cũng là giáo viên chủ nhiệm lớp này - cho biết những buổi học cuối cùng là những buổi được thầy cô giáo dành để hướng dẫn kỹ năng làm bài thi, chốt lại kiến thức của từng môn học và phổ biến những quy định về trách nhiệm của thí sinh trong khi thi. “Tôi thường xuyên phải nhắn tin động viên các con tự hệ thống lại kiến thức, giúp các con có hướng giải quyết những phần kiến thức còn chưa chắc chắn, chuẩn bị sức khỏe, tâm lý tốt nhất để bước vào kỳ thi” - cô Nhiếp cho biết.

Một số trường khác như THPT Trần Nhân Tông, THPT Mỹ Đức A, phương châm tổ chức ôn tập cho học sinh ở giai đoạn nước rút là “yếu môn nào, học môn đó”. Thầy Nguyễn Hà Thiện, hiệu trưởng Trường Mỹ Đức A, cho biết những ngày cuối trước kỳ thi, nhà trường chỉ lo tìm phương án ôn tập hiệu quả đối với môn tiếng Anh cho học sinh vì đây là môn học có nhiều học sinh yếu nhất. Trường THPT Đinh Tiên Hoàng dành 30 phút trước tiết 1 để hướng dẫn 100% học sinh củng cố kiến thức của sáu môn thi. Còn tiết cuối cùng (tiết 5, 6), những học sinh còn “đuối” được giáo viên ôn tập thêm. Mặc dù lớp học đại trà vào thời điểm này đã kết thúc nhưng theo nhà trường, giáo viên các bộ môn vẫn sẵn sàng trong việc tư vấn, hướng dẫn học sinh tháo gỡ những vướng mắc.

Còn chị Nguyễn Thị Huế, một phụ huynh có con học Trường THPT Hai Bà Trưng, kể: “Vợ chồng tôi thay nhau xin nghỉ phép tuần này để cùng con truy bài. Bố mẹ và con cứ bám vào các câu hỏi trong sách giáo khoa mỗi môn học để kiểm tra lại, với các môn xã hội. Môn toán, tiếng Anh chúng tôi hướng dẫn cháu xem lại các dạng toán, dạng câu hỏi thường có trong cấu trúc đề thi. Nhưng chúng tôi cũng chỉ cho cháu ôn tập 3-4 tiếng/ngày thôi. Buổi tối để cháu nghỉ hoàn toàn”.

Trường THPT Trí Đức là trường THPT duy nhất ở Hà Nội hiện nay có học sinh nội trú nên việc tổ chức ôn thi cho học sinh sẽ liền mạch tới trước ngày thi. Chủ yếu học sinh sẽ tự ôn thi nhưng các em sẽ học dưới sự kiểm soát của giáo viên cả ban ngày và buổi tối. Các em học sinh không được ra khỏi khu vực trường nếu không được sự cho phép của thầy cô giáo.

Chăm chút từ bữa ăn

Trước ngày thi, khâu tổ chức bữa ăn và chăm sóc sức khỏe ở các trường THPT nội trú được chú trọng hơn để đủ dinh dưỡng và đảm bảo sức khỏe cho học sinh ôn tập những ngày cuối. Những học sinh có vấn đề về sức khỏe đều có chế độ chăm sóc đặc biệt. Cô Lê Thúy Hòa, hiệu trưởng Trường tư thục Thái Bình, cho biết: “Ba tuần trước ngày thi học sinh được tự chọn thực đơn bữa ăn của mình, muốn ăn món gì nhà bếp sẽ nấu, tạo không khí chăm lo cho các em như đang ở nhà. Lịch học không còn quá căng thẳng và sẽ kết thúc một ngày trước ngày thi. Giữa giờ các em được tập thể dục, buổi trưa có thêm nước chanh, cam... để bồi dưỡng. Buổi tối các em cũng đi ngủ sớm hơn để dồn sức cho những ngày thi sắp tới”.

Theo Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG