Toàn cảnh sinh viên quốc tế

Toàn cảnh sinh viên quốc tế
Nhiều quốc gia đang có chính sách giữ chân sinh viên quốc tế giỏi sau tốt nghiệp để đáp ứng nguồn nhân lực cao đang thiếu hụt.

> Hai học sinh Việt Nam được vinh danh tại Australia
> ĐH FPT tổ chức hội nghị tuyển sinh quốc tế

Ông Hans de Wit - Giám đốc Trung tâm quốc tế hóa giáo dục đại học thuộc ĐH Catholic (Ý), và bà Nannette Ripmeester - Giám đốc Công ty về lao động quốc tế Hà Lan Expertise in Labour Mobility, vừa có bài phân tích Tỷ lệ ở lại làm việc của sinh viên quốc tế ngày càng tăng đăng trên trang tin Univeristy World News.

Theo đó, những nền kinh tế trí thức thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đang cần những lao động có kỹ năng cao. Họ thiếu lực lượng lao động này do dân số đang già và khuynh hướng quan tâm về khoa học và kỹ thuật ở giới trẻ lại giảm. Do đó, dân nhập cư có kỹ năng cao có thể giúp lắp khoảng trống này ở những nước OECD.

Tuy nhiên, nhiều nước nhận thấy việc cho nhập cư những lao động có kỹ năng không phải lúc nào cũng đạt hiệu quả. Vì lý do đó, sinh viên quốc tế hiện trở thành nhóm dân nhập cư chất lượng cao tiềm năng đang hấp dẫn đối với nhiều nước OECD.

Ưu tiên cho sinh viên giỏi, người có trình độ cao

Theo chuyên gia Wit và Ripmeester, các nước OECD từng cởi mở trong việc nhận sinh viên quốc tế nói chung và thậm chí còn tài trợ giáo dục cho đối tượng này.

Tuy nhiên, hiện nay có sự thay đổi, nhiều nước châu Âu đang có chính sách kiểm soát chặt việc nhập cư của sinh viên quốc tế nhưng lại ưu tiên cho những người tài và có những biện pháp làm tăng tỷ lệ sinh viên quốc tế giỏi ở lại sau khi tốt nghiệp.

Cụ thể, Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển vừa đưa ra mức học phí đầy đủ đối sinh viên từ các nước ngoài Liên minh Châu Âu nhưng đồng thời phát triển các chương trình học bổng để nhắm đến sinh viên giỏi và tạo cơ hội cho họ ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp. Quốc hội Phần Lan cũng đang xem xét mô hình này.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May hồi cuối năm ngoái đã công bố những thay đổi đối với hệ thống nhập cư để đảm bảo thị thực sinh viên không bị lạm dụng để sinh viên tìm cách ở lại làm việc.

Theo đó, hơn 100.000 người nộp đơn xin thị thực sinh viên sẽ bị phỏng vấn. Trong khi đó, bà May thông báo việc nới lỏng điều kiện ở lại tìm việc cho những người học tiến sĩ và thạc sĩ quản trị kinh doanh, theo trang tin thepienews.com.

Cụ thể, nghiên cứu sinh sau khi tốt nghiệp có thể ở lại Anh 12 tháng để tìm việc hoặc lập doanh nghiệp. Ngoài ra, 1.000 thị thực sẽ được cấp cho những sinh viên tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh để họ ở lại Anh làm việc.

Những trở ngại

Dù nhiều quốc gia có chính sách nhằm thu hút sinh viên quốc tế giỏi, nhưng ông Wit và bà Ripmeester cho rằng vẫn còn nhiều trở ngại. Chẳng hạn nạn kỳ thị, việc thiếu hòa nhập, thiếu hỗ trợ cũng như hiểu biết về cách tiếp cận thị trường lao động của nước sở tại là những yếu tố quan trọng khiến sinh viên quốc tế quay lưng sau khi tốt nghiệp.

Theo một cuộc khảo sát mới đây trong số sinh viên quốc tế ở Anh, Đức, Hà Lan, Pháp và Thụy Điển, nhiều sinh viên quốc tế bày tỏ ý định ở lại sau khi tốt nghiệp để tìm việc nhưng thực tế không nhiều người làm được điều đó.

Kết quả khảo sát nhấn mạnh: “Dù sinh viên quốc tế có một số điều kiện để trở thành nhóm nhập cư có kỹ năng hấp dẫn nhưng họ vẫn cần dịch vụ và sự hỗ trợ để đảm bảo được hòa nhập. Một số kết quả nghiên cứu cho thấy nếu chỉ học tập một thời gian ở một quốc gia nào đó thì không đủ để vượt qua những khó khăn mà người nhập cư đối mặt như: khoảng cách về ngôn ngữ, sự tiếp biến về văn hóa, bất an về thị thực, những lo lắng về sự di cư của gia đình và nạn kỳ thị”.

Theo Minh Trung
Thanh Niên

5 quốc gia thu hút người tài tốt nhất thế giới

Theo báo cáo Chỉ số tài năng toàn cầu: Triển vọng đến năm 2015 của Công ty Economist Intelligence Unit (Anh), 5 quốc gia có khả năng tốt nhất về việc đào tạo, thu hút và giữ chân người tài lần lượt là Mỹ, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Singapore. Cổng thông tin dành cho sinh viên quốc tế của chính phủ Đan Mạch studyindenmark.dk chỉ ra rằng thành quả trên xuất phát từ chi tiêu công cho giáo dục cao và mọi giai đoạn giáo dục ở nước này đều đạt chất lượng cao.

Văn Khoa

 
Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG