Tội ác đến từ đâu: Đường về bến thiện thênh thang

Tội ác đến từ đâu: Đường về bến thiện thênh thang
TP - “Giờ mình thấy tội phạm như thấy kẻ thù, đuổi bắt đến cùng, bởi chúng làm hại những con người lương thiện, cướp đi tuổi trẻ của mình..., đội viên dân phòng Nguyễn Văn Lợi, người từng ngồi tù 4 năm vì tội gây rối, cố ý gây thương tích, tâm sự.

> Thiếu hình tượng mẫu mực, giới trẻ dễ đánh mất mình
> Diễn đàn Tội ác đến từ đâu: Dưỡng thiện, diệt ác

Nơi vợ chồng anh Lợi cùng hai đứa con và mẹ vợ sống chưa đầy 15m2, nép trong con hẻm nhỏ đường Đoàn Thị Điểm (phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).

Căn phòng nhỏ ngổn ngang những chai bao, gỗ tạp, chiếc ti vi cũ và cây đàn ghi-ta, là tất cả tài sản của ba thế hệ. Bà mẹ đang ngồi chia mớ chai bao phế liệu vào những bao tải, góc kia con rể cặm cụi làm những chiếc lồng chim.

“Mình đang làm gấp mấy chiếc lồng này cho khách quen. Bận lắm, lát nữa còn chạy ra phụ vợ bán cơm”, anh Lợi cười hiền.

Đượm buồn, tiếc nuối khi anh nghĩ lại quãng đời đã qua. Đứa trẻ mồ côi cha sớm lăn lộn mưu sinh rồi kết thân với đám bạn lêu lổng, la cà, đập phá, như anh ví von “ngày nào không gặp công an phường là ngày đó… không bình thường”.

“Vợ chồng nó tội lắm, công việc bận rộn thế nhưng chẳng bao giờ to tiếng với nhau. Nhìn thằng Lợi bây giờ, đôi lúc tôi không dám tin vào mắt mình”.

Năm 2007, Lợi bị đưa đi cải tạo 5 năm ở trại giam Bình Điền (Huế) vì tội danh gây rối trật tự, cố ý gây thương tích. Sau song sắt, anh ngẫm nghĩ, thấm thía về cuộc đời. Những bữa cơm tù đong đầy nước mắt vì nhớ gia đình và cuộc sống bên ngoài.

Anh chua chát nghĩ lại những gì đã qua, lãng phí thời gian, tuổi trẻ. Nhờ lao động chăm chỉ, giúp đỡ các bạn tù, cộng với thành tích xuất sắc trong việc giữ gìn tài sản công trong trận lũ lớn nên Lợi được ra tù trước 1 năm.

Ra tù, anh trở thành “thợ đụng”, đụng gì làm nấy. Chạy xe ôm, làm thuê làm mướn, đánh giầy, sửa mũ bảo hiểm... Cô gái Võ Thị Phương Thủy đến với anh vì mê mẩn tiếng đàn, cảm phục nghị lực. Hằng ngày, 3 giờ sáng, hai vợ chồng đã dậy.

Vợ đi chợ, chuẩn bị bữa sáng cho con, chồng làm lồng chim bán cho khách rồi tất tả chạy phụ vợ bán cơm. “Vợ chồng nó tội lắm, công việc bận rộn thế nhưng chẳng bao giờ to tiếng với nhau. Nhìn thằng Lợi bây giờ, đôi lúc tôi không dám tin vào mắt mình”, bà Lê Thị Thanh nghẹn lời.

Kéo đàn em về đường thiện

Giúp mẹ soạn phế liệu mưu sinh. Ảnh: Hoài Văn
Giúp mẹ soạn phế liệu mưu sinh. Ảnh: Hoài Văn.
 

Có chút hoa tay, lại mê chim cảnh nên anh Lợi mày mò học làm lồng chim. Anh nói làm cái nghề này mất nhiều thời gian và rất công phu, nhưng cũng thú vị, và rèn cho mình tính kiên nhẫn. Nhiều thanh niên lêu lổng, từ sự thay đổi của anh Lợi đã xin theo học nghề, được anh chỉ bảo, truyền nghề.

Nhìn những đứa em từng lầm lạc, nay tu chí làm ăn, có đứa thành “ông chủ”, anh thấy lòng nhẹ nhõm. Kinh tế gia đình còn chật vật, nhưng mỗi lần thấy mấy đứa trẻ lem luốc bán vé số dạo, anh lại đuổi theo để đưa cho dăm mười nghìn để mua ổ mì lót dạ.

Tất bật mưu sinh, nhưng anh Lợi vẫn tình nguyện xin tham gia đội dân phòng, nhiều lần cùng anh em Đội dân phòng Hải Châu 2 bắt cướp, truy đuổi đến cùng. Mong muốn kéo họ về với cái thiện, không muốn đám thanh niên đó lao vào vết xe đổ của mình.

Thấy sai mà không ngăn thì là cái tội nặng gấp trăm lần. Một lần đi ngang trên đường thấy kẻ trộm xe, anh lao theo, truy đuổi đến cùng. Tinh thần nhiệt tình, dũng cảm của anh Nguyễn Văn Lợi được công an phường, công an thành phố tặng giấy khen, tuyên dương.

Thật đáng ngạc nhiên và cảm phục nghị lực của Lợi, anh đã hoàn toàn là con người khác so với 5 năm trước: Năng nổ, nhiệt tình công việc, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Hình ảnh của Lợi chắc chắn tạo những hiệu ứng tốt với cộng đồng, xã hội - anh Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Công an phường Hải Châu 2, nhận xét.

Mong quý bạn đọc tham gia bằng bài viết, ý kiến, quan điểm, câu chuyện, sáng kiến để cùng làm rõ chủ đề Tội ác đến từ đâu? Bài viết, ý kiến tham gia Diễn đàn gửi về thư điện tử: Thegioitre@tienphong.vn hoặc Ban Thanh niên Báo Tiền Phong 15 Hồ Xuân Hương, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG