Trắng đêm cùng sĩ tử

Trắng đêm cùng sĩ tử
TP - Những ngày này, tại các nhà ga, bến xe, các cổng trường rợp màu áo xanh tình nguyện, sẵn sàng đón thí sinh và người nhà. Họ đã trắng đêm tiếp sức cho sĩ tử.

> Bộ GD&ĐT lo... bóc nhầm đề thi đại học đợt 2
> Bắt đầu kì thi Đại học: Băn khoăn với thiết bị thông minh

Trắng đêm

Tại bến xe, nhà ga các đội tình nguyện tiếp sức có mặt phát bản đồ, hướng dẫn đi lại địa điểm thi. Trần Minh Thông, Điểm trưởng tư vấn tại Nhà ga Đà Nẵng, chia sẻ: “Tụi mình chia làm ba ca. Ca sáng từ 7 đến 11h, ca chiều từ 11 đến 3h, tối trực từ 11 giờ đến 9h sáng hôm sau”. Thông cho biết, buổi tối, thí sinh đến thành phố ít hơn. Song vẫn có một đội túc trực tại ga để đón và giải quyết khó khăn cho sĩ tử lúc đêm hôm.

Ngọc Thúy (SV năm 1 Sư phạm Anh, ĐH Ngoại ngữ), lần đầu tham gia Tiếp sức mùa thi ấn tượng bởi những thí sinh “đơn độc” đi thi. Hầu hết là những thí sinh nghèo, gia đình không có điều kiện đưa đi nên một mình xách ba lô đến xứ người.

Ngọc Hân (SV năm 3, Sư phạm Anh, ĐH Ngoại ngữ) nhấp nhổm chờ tàu đến. Lần đầu tiên tham gia tình nguyện tiếp sức mùa thi khiến Hân có nhiều cảm xúc: “Thấy các em lại nhớ mình của những ngày trước”.

“Thấy hình ảnh mình của ngày xưa”

Anh Nguyễn Duy Minh, Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng, Trưởng Ban Tiếp sức mùa thi, cho biết: Hiện Thành Đoàn liên hệ được 1.600 chỗ trọ miễn phí, 3.500 chỗ trọ giá rẻ cho các thí sinh cư trú trong suốt kỳ thi; 2.800 suất ăn miễn phí; 5 nghìn cốc nước chanh trà đá miễn phí. 30 nghìn bản đồ thành phố Đà Nẵng sẽ được phát cho các thí sinh và người nhà. Ngoài ra, đường dây nóng 05113.881.888 tư vấn online cũng bắt đầu hoạt động, giải quyết những rắc rối, trở ngại cho thí sinh trong suốt kỳ thi.

Quê ở Ba Tơ (Quảng Ngãi), Phạm Thị Hà, dân tộc H’Re một mình bắt xe ra Đà Nẵng đi thi. Vừa xuống xe, Hà được các anh chị tình nguyện hỏi han tận tình, đưa lại điểm tư vấn, bố trí xe đưa đến địa điểm thi khiến Hà vừa vui vừa xúc động. Sinh ra trong gia đình nghèo, đông anh em, Hà được vào học tại trường THPT dân tộc Nội trú TP Quảng Ngãi. Những ngày đi học xa nhà nhưng có thầy cô, bạn bè bên cạnh, giờ một mình đến thành phố lạ dự thi nên không khỏi lo lắng. “Lúc đầu em cũng sợ lắm, lần đầu tiên xa nhà, lại đi một mình nên mọi người dặn là phải cẩn trọng. Nhưng xuống tới bến xe được các anh chị nhiệt tình hướng dẫn giờ em đã thấy tự tin hơn nhiều” - Hà nói.

Thân gái… dặm trường!

Tiếp sức, tư vấn tại điểm Ga Đà Nẵng. Ảnh H. Văn
Tiếp sức, tư vấn tại điểm Ga Đà Nẵng. Ảnh H. Văn.
 

Khi tham gia chiến dịch Tiếp sức mùa thi 2013, Trịnh Thị Phương (sinh viên Đại học Công Đoàn, Hà Nội) thường thức dậy lúc nửa đêm. Phương được giao nhiệm vụ đón và hướng dẫn các sĩ tử ở bến xe Nước Ngầm. Nhận nhiệm vụ, Phương hơi lo lắng. Bến xe Nước Ngầm chủ yếu đón các xe từ miền Trung, miền Nam, và thường trả khách vào sáng sớm. “Lúc đầu, mình sợ lắm. Phương tiện không có, lại phải đi vào lúc đường vắng nữa”, Phương kể. Phương đến ở nhờ nhà bạn trên phố Khương Trung để đi cùng. Mỗi sáng, khoảng 2h30 là cả nhóm gọi nhau dậy. Không có xe máy, Phương và các bạn chở nhau bằng xe đạp ra bến xe.

Càng gần ngày thi, lượng sĩ tử đổ về bến ngày càng đông, trong khi nhóm Phương chưa đến chục người. “Có mấy hôm trời mưa, chúng mình chủ quan không mang theo áo ấm. Mưa ướt hết, gió thổi lạnh run người”, Phương kể. Nhiều thành viên trong nhóm bị ốm, nhưng không bỏ nhiệm vụ, vẫn đến bến xe để hướng dẫn các thí sinh và người nhà đi thi.

Mới là sinh viên năm thứ nhất, nhưng được làm nhiệm vụ tại Bến xe Nước Ngầm, Vũ Tuấn Anh, sinh viên trường Đại học Giao thông Vận tải (Hà Nội) rất hào hứng. Trong cả hai đợt thi, đêm nào Tuấn Anh cũng cùng với các bạn ứng trực tại bến xe. “Mình là thành viên của Hội đồng hương Thanh Hóa. Ở bến xe này, các sĩ tử đến từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh rất đông, nên hy vọng phần nào giúp đỡ được các em đồng hương”, Tuấn Anh nói.

Do neo người, nên nhóm của Phương phải ứng trực cả ngày lẫn đêm. Sau khi đón tiếp, hướng dẫn các sĩ tử từ 3h sáng đến khoảng 9h trưa, nhóm Phương về nghỉ. Đến khoảng 14h chiều lại có mặt ở bến để tư vấn. Chiều, cả nhóm về nhà ăn uống, ngủ nghỉ và đến nửa đêm lại lọ mọ đạp xe đi làm nhiệm vụ. “Mỗi ngày, trung bình bốn lượt đi về với quãng đường 28km”, Phương nói.

Theo đại diện của T.Ư Hội SVVN, năm nay, chương trình Tiếp sức mùa thi được mở rộng trên toàn quốc. Các đội sinh viên tình nguyện TPHCM đã tiếp sức cho hơn 75.000 lượt thí sinh, giới thiệu được hơn 19.000 chỗ trọ giá rẻ, phát miễn phí hơn 21.000 vé xe buýt… Các chương trình hỗ trợ chuyên sâu phát triển mạnh mẽ. Đơn cử, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển SVVN tổ chức chương trình “Thắp sáng những ước mơ” hỗ trợ phương tiện di chuyển, chỗ trọ miễn phí, kinh phí ăn ở cho 300 học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn tại 15 tỉnh khu vực phía Nam về thành phố Hồ Chí Minh dự thi.

Nhằm động viên, khích lệ các sinh viên tình nguyện, sáng 7/7, đại diện T.Ư Đoàn, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam (SVVN), Tập đoàn Văn phòng phẩm Thiên Long, Báo Thanh Niên và Thành Đoàn Hà Nội đã đến tặng quà, thăm hỏi, động viên sinh viên tình nguyện đang tiếp sức mùa thi tại bốn bến xe lớn trên địa bàn Hà Nội (Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát, Gia Lâm). Theo đó, trên địa bàn Hà Nội có hơn 100 đội sinh viên tình nguyện với hơn 3 nghìn sinh viên làm nhiệm vụ trong đợt thi đại học, cao đẳng năm 2013. Trong đợt một, riêng sinh viên tình nguyện Thủ đô đã hướng dẫn hơn 46 nghìn lượt thí sinh đi thi, đồng thời, hướng dẫn đường đi, tìm nhà trọ miễn phí cho sĩ tử và người nhà, tổ chức các đội xe ôm tình nguyện miễn phí.

Trong kỳ thi đại học, cao đẳng năm nay, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả như “Đưa em tôi đi thi”, “Hội đồng hương tiếp sức mùa thi”… tiếp tục được triển khai tại nhiều tỉnh thành. Theo dự kiến, kết thúc hai đợt thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, trên cả nước, sẽ có khoảng hơn 500.000 lượt thí sinh và người nhà được các sinh viên tình nguyện hỗ trợ, tư vấn, tiếp sức mùa thi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG