Trường hợp được đặc cách tốt nghiệp

Trường hợp được đặc cách tốt nghiệp
Hôm nay, hơn 940.000 thí sinh bước vào ngày đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT với nhiều đổi mới nhằm siết chặt kỷ cương, chống gian lận.

>Lo thời tiết thất thường ảnh hưởng thi tốt nghiệp THPT
Hỗ trợ cơm trưa cho thí sinh thi tốt nghiệp
> Chuyển đề thi tới các hội đồng thi an toàn

Lưu ý máy ghi âm, ghi hình

Hà Nội là một trong số địa phương có số lượng thí sinh đăng ký dự thi cao nhất nước (76.232 người). Sở GD-ĐT đã tổ chức tập huấn cho 100% chủ tịch hội đồng coi thi về quy chế thi và hướng dẫn thi của Bộ GD-ĐT, trong đó có việc nhận diện thiết bị thí sinh (TS) mang vào phòng thi.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: “Trong quá trình tập huấn, có giám thị hỏi: cán bộ làm nhiệm vụ coi thi có được phép mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi hay không? Về điều này, chúng tôi đã quán triệt: quy định mang ghi âm, ghi hình vào phòng thi chỉ áp dụng với TS, không áp dụng với giám thị”.

Ông Thống giải thích thêm: “Nếu giám thị thấy tiêu cực thì phải có trách nhiệm lập biên bản, báo cáo lên lãnh đạo hội đồng coi thi. Nếu giám thị dùng máy quay chạy sang phòng thi khác là vi phạm quy định đối với cán bộ coi thi”.

Theo ông Thống, thiết bị được phép mang vào phòng thi được gọi là “3 không” (không màn hình, không tai nghe, không wifi…). Ông Thống thông tin thêm: Sở cũng yêu cầu các hội đồng coi thi giám sát chặt chẽ các trường hợp TS ra sớm, nếu phát hiện có sử dụng các thiết bị ghi âm, thu hình thì yêu cầu nộp lại để niêm phong, sau khi kết thúc môn thi sẽ trả lại cho TS. Việc làm này nhằm mục đích tránh đề thi lọt ra ngoài khi chưa hết giờ làm bài, tuân thủ đúng theo quy chế thi tốt nghiệp THPT.

Chính sách với thí sinh gặp tai nạn, ốm đau

Nếu có những tình huống không may xảy ra như ốm đau, tai nạn ngoài ý muốn, TS có được đặc cách tốt nghiệp hay thi lại?

Theo quy chế của Bộ, có 2 trường hợp đặc biệt được xét đặc cách tốt nghiệp vì những lý do khách quan:

Thứ nhất: TS bị ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt, không quá 10 ngày trước ngày thi hoặc ngay trong buổi thi đầu tiên, không thể dự thi. Điều kiện để xét tốt nghiệp trong trường hợp này phải là những học sinh có học lực và hạnh kiểm cả năm lớp 12 từ khá trở lên.

Hồ sơ bao gồm: hồ sơ nhập viện, ra viện do bệnh viện từ cấp huyện trở lên cấp (nếu bị ốm) hoặc xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú (nếu có việc đột xuất đặc biệt); biên bản đề nghị xét đặc cách tốt nghiệp của trường phổ thông nơi đăng ký dự thi.

Thứ hai: Những TS bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt sau khi đã thi ít nhất một môn, không thể tiếp tục dự thi; hoặc TS sau khi bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt tự nguyện dự thi một số môn thi còn lại. Điều kiện để xét đặc cách đối với trường hợp này là phải có điểm bài thi của những môn đã thi đều đạt từ 5 trở lên.

Kết quả xếp loại học lực ở lớp 12 từ trung bình trở lên, hạnh kiểm từ khá trở lên. Hồ sơ xét tốt nghiệp gồm: biên bản xác nhận của hội đồng thi; hồ sơ nhập viện, ra viện của bệnh viện từ cấp huyện trở lên (nếu bị ốm) hoặc xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú (nếu có việc đột xuất đặc biệt).

Bộ cũng nêu rõ: TS tốt nghiệp đặc cách đều xếp loại trung bình.

Cụ thể hóa quy chế của Bộ, hướng dẫn của các sở quy định: Trường hợp TS bị ốm trong khi đang thi, giám thị trong phòng thi yêu cầu giám thị 3 đưa đến y tế của hội đồng coi thi và lập biên bản xác nhận. Giám thị thu đề thi, bài thi, giấy nháp của TS, bảo quản và nộp cho chủ tịch hội đồng coi thi sau buổi thi. Nếu TS tự nguyện không nộp bài thi thì coi như vắng thi, giám thị không thu bài thi môn đó và không cho ký vào phiếu thu bài thi và bảng ghi tên dự thi.

Không rời phòng thi khi làm bài trắc nghiệm

Ông Hồ Phú Bạc, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Sở GD- ĐT TP.HCM, lưu ý: Khi nhận đề thi, TS phải kiểm soát kỹ số trang và chất lượng các trang in. Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ phải báo cáo ngay với giám thị phòng thi, chậm nhất 15 phút sau khi phát đề.

Khi làm bài, tuyệt đối không được trao đổi bàn bạc, quay cóp hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận, làm mất trật tự phòng thi, không rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm và có thể được ra khỏi phòng thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của môn thi tự luận với điều kiện phải nộp kèm đề thi, giấy nháp.

Bài thi phải viết rõ ràng, không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì (trừ vẽ đường tròn bằng com pa và tô các ô trên phiếu trả lời trắc nghiệm); chỉ được viết bằng một thứ mực (không được dùng mực đỏ); phần viết hỏng phải dùng thước gạch chéo; không được tẩy, xóa bằng bất kỳ cách gì. Đối với đề thi có phần tự chọn, TS chỉ được làm một trong hai phần tự chọn; nếu làm bài cả hai thì không được chấm điểm.

Số lượng đăng ký dự thi giảm

Năm nay, toàn quốc có 946.064 TS đăng ký dự thi, so với năm 2012 giảm 17.507, trong đó hệ THPT có 854.355; hệ GDTX có 91.709. Do số TS giảm nên số lượng phòng thi và hội đồng coi thi, chấm thi đều giảm. Cụ thể, toàn quốc sẽ có 40.361 phòng thi, 2.296 hội đồng coi thi và sẽ huy động 142.361 cán bộ tham gia công tác coi thi, 23.691 cán bộ chấm thi.

Cẩn trọng với thông tin “lộ đề”

Những năm gần đây, trước một số môn thi thường rộ lên tin đồn “lộ đề thi”. Bộ GD-ĐT khuyến cáo: TS không nên để những thông tin này làm ảnh hưởng đến tinh thần và tâm lý làm bài thi. Việc ra đề và in sao đề thi được tiến hành theo nguyên tắc cách ly, bảo mật tuyệt đối, nên hầu như không thể xảy ra việc đề thi bị rò rỉ ra ngoài.

Theo Tuệ Nguyễn - Bích Thanh
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG