Trường ni lông bên hông cột điện

Trường ni lông bên hông cột điện
Dù đã đọc đi, đọc lại bảng tên ngay phía trên cổng ra vào, nhưng tôi vẫn chưa dám tin cái “kiến trúc” bên cầu Xẻo Cạn là điểm trường mẫu giáo xã Tân Dương (điểm ở ấp Hậu Thành) của huyện Lai Vung, nếu không được ông Trần Văn Lợi (Chín Lợi), trưởng ấp, xác nhận.

Phía trước là mái thiếc thấp lè tè, còn phía sau thì cây lá tả tơi đến mức nhìn từ xa cũng thấy rõ vật dụng bừa bộn bên trong.

Điểm trường chỉ duy nhất một phòng 20m2, nhưng có đến 52 học sinh, nên giáo viên phải “mở lớp” bên ngoài phòng. Cô Võ Thị Bích Thảo, giáo viên lớp Lá 7 cho biết: “Mỗi tuần duy trì ba ngày dạy hai buổi; lớp trái buổi thì học ở ngoài sân”. Để che nắng và sâu bọ, các cô phải dùng tấm ni lông nhưng cũng chỉ che được một bên vách và một phần “nóc”.

Hôm nay, đúng ngày cô Bích Thảo dạy “lớp ni lông” nên cô trò phải bưng ghế, khiêng bàn tổ chức lớp học. Ở điểm trường này, khi gặp mưa thì không chỉ lớp ngoài trời mà ngay cả lớp trong nhà cũng không dạy được vì mái thủng lỗ chỗ, cô giáo và học sinh phải thay nhau hứng dột. Đã vậy, giữa sân trường 32m2 này còn có một trụ điện cao thế, quanh cột lại không có rào bảo vệ.

“Chạy đình, gặp chùa” là tình cảnh của trường mẫu giáo Tân Bình, xã Tân Bình, huyện Châu Thành. Sau nhiều năm tọa lạc trong khuôn viên đình Bình Tiên, năm học 2013-2014 này trường được di dời để trả mặt bằng cho địa phương chuyển đổi công năng. Do không kịp chuẩn bị điểm mới nên trên 100 học sinh phải vào… chùa để tiếp tục học.

ThS Huỳnh Kim Vui, Phó phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT Đồng Tháp) cho biết, chỉ riêng hệ mầm non, toàn tỉnh còn 705 phòng học nhờ, mượn tạm dưới nhiều hình thức: đình, chùa, nhà dân, trạm y tế cũ… Thậm chí nhiều nơi còn tận dụng cơ sở giết mổ gia súc để tổ chức lớp học.

Đến bao giờ mới xóa được vấn nạn này? Mấu chốt nằm ở hai chữ: kinh phí! Điển hình như trường hợp Trường mẫu giáo Tân Bình. Theo kế hoạch, khi xây dựng trụ sở chính, sẽ gom toàn bộ học sinh về học trong một cơ ngơi đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, đã hai năm qua, công trình này vẫn chưa thể khởi công vì thiếu tiền.

Ông Nguyễn Minh Thanh, cán bộ xây dựng cơ bản Phòng GD-ĐT huyện Lai Vung cho biết thêm: Theo tính toán, trong ba năm, huyện Lai Vung cần 1.500 tỷ đồng để xóa nạn học gửi ở hệ mầm non, nhưng mỗi năm chỉ được duyệt vài chục tỷ đồng.

Theo các chuyên gia GD-ĐT, thiếu tiền chỉ là nguyên nhân bên ngoài, cội nguồn của chuyện “học gửi” xuất phát từ việc thiếu khoa học trong xây dựng chiến lược phát triển GD-ĐT. “Trong thời gian dài chúng ta dồn sức đầu tư nhiều cho phần ngọn: hệ phổ thông và đại học mà bỏ quên hệ mầm non”, một lãnh đạo Ban quản lý dự án xây dựng - Sở GD-ĐT Đồng Tháp chia sẻ.

Theo ông, trước đây, chủ trương của trung ương là phát triển hệ thống trường lớp hệ mầm non theo hướng xã hội hóa, do vậy khi có quyết định chuyển hướng đầu tư nhưng thiếu kênh hỗ trợ, nhiều địa phương không kịp trở tay. Nếu đầu tư đủ, cấp học này có đến năm khối, tức tương đương với cấp tiểu học, trong khi đó, suất đầu tư xây dựng cơ bản lại cao gấp 1,5 lần so với tiểu học (600/400 triệu đồng/phòng).

Theo Phụ nữ Online
MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.