Tuổi thơ ngủ gầm cầu thang của nữ sinh Việt xuất sắc nhất tại Úc

Tuổi thơ ngủ gầm cầu thang của nữ sinh Việt xuất sắc nhất tại Úc
Xuất thân là trẻ đường phố nhưng Đặng Thị Hương khiến nhiều người ngưỡng mộ vì nghị lực vượt khó và sự kiên trì, hiếu học.

Tuổi thơ ngủ gầm cầu thang của nữ sinh Việt xuất sắc nhất tại Úc

> Nữ sinh nghèo và huy chương Olympic quốc tế
> Nữ sinh xuất sắc ĐH Ngoại thương thích lo chuyện của người dưng

Xuất thân là trẻ đường phố nhưng Đặng Thị Hương khiến nhiều người ngưỡng mộ vì nghị lực vượt khó và sự kiên trì, hiếu học.

Đặng Thị Hương - cô gái trẻ khiến nhiều người ngưỡng mộ vì nghị lực và tinh thần hiếu học
Đặng Thị Hương - cô gái trẻ khiến nhiều người ngưỡng mộ vì nghị lực và tinh thần hiếu học.

Ngày 14/11 vừa qua, một sinh viên Việt Nam xuất thân từ trẻ đường phố, chưa học hết trung học phổ thông đã nhận giải thưởng danh giá Sinh viên Quốc tế của năm bang Victoria và Sinh viên quốc tế của năm bậc đại học bang Victoria do Thủ hiến bang Victoria, Australia trao tặng. Ít ai biết rằng, cuộc đời của Hương là chuỗi dài những đắng cay, khắc nghiệt, vất vả nhưng trên hết là một nghị lực phi thường không phải ai cũng có được.

Đó chính là Đặng Thị Hương, sinh viên học Viện Box Hill.

Một mình bươn chải kiếm sống từ năm 13 tuổi

Họ và tên: Đặng Thị Hương
D.O.B: 10/9/1986
Thành tích:
- Đại sứ Sinh viên Quốc tế của Học Viện Box Hill năm 2013
- Sinh viên Quốc tế xuất sắc của năm 2013 bang Victoria
- Sinh viên Quốc tế Xuất sắc của năm 2013 do thống đốc bang Victoria - Denis Namthine trao tặng

Sinh ra từ vùng quê Lập Thạch, Vĩnh Phúc, khi còn nhỏ, mẹ một mình nuôi 3 anh em Hương bằng nghề nông. Hương học xong lớp 7, thì mẹ bị bệnh sỏi thận. Mọi tiền bạc trong nhà đều dồn vào chữa trị cho mẹ, cuộc sống đã túng thiếu càng trở nên khó khăn hơn gấp bội phần. Thương mẹ, Hương quyết định nghỉ học và nhường giấc mơ học hành cho anh trai và em gái.

Mặc dù không đến lớp nhưng thâm tâm Hương không bao giờ nghỉ đến chuyện thôi học, Hương quyết tâm tự học lớp 8 bằng sách giáo khoa cũ của anh trai ở nhà. Nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, neo người nên Hương đành phải gác lại chuyện học của mình để phụ giúp mẹ mọi công việc lớn nhỏ.

Năm 13 tuổi, Hương lên Hà Nội kiếm sống với mong muốn kiếm được nhiều tiền và có thể tiếp tục hành trình đi tìm con chữ của mình. Hương nhận làm giúp việc trông em bé 4 tháng tuổi cho một gia đình giàu có. Hàng ngày, Hương phải làm việc vất vả từ sáng tới khuya với mức lương 150.000/tháng. Số tiền đó cô đều gửi về để mẹ lo tiền học phí cho anh trai và em gái cũng như trang trải cuộc sống ở nhà.

“Tôi làm nhiều công việc khác nhau, đi bán hàng thuê và đôi khi gặp nhiều gia đình không tốt, tuy vậy tôi vẫn phải cố làm vì lúc đó đồng tiền với gia đình tôi rất quý. Nếu không có tiền chắc anh và em tôi sẽ lại phải nghỉ học còn mẹ thì không có tiền mua thuốc” - Hương nghẹn ngào nhớ lại.

 Đặng Thị Hương trong ngày tốt nghiệp ở học viện Box Hill
Đặng Thị Hương trong ngày tốt nghiệp ở học viện Box Hill.

Sau 5 năm làm giúp việc, chịu sự đối xử không tốt từ nhiều gia đình khiến Hương dường như rơi vào trầm cảm. Nhưng cô gái nhỏ ấy vẫn quyết định xin đi học bổ túc tại Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Cầu Giấy với chương trình học lớp 8. Những tưởng vừa chăm chỉ làm việc nhà vừa học lấy cái bằng nhưng Hương đã ngay lập tức bị gia đình nhà chủ cho thôi việc.

Không người quen, không nơi nương tựa, giữa đất khách quê người, nhưng Hương vẫn cố gắng bám trụ vì chỉ khi còn ở Hà Nội cô mới có thể tiếp tục đi học. Hương phải thuê chỗ ngủ dưới gầm cầu thang gỗ của một nhà trọ nơi chỉ kê vừa chiếc giường đơn đã bị gãy hết chân.

Hương bùi ngùi kể: “Thời gian đó tôi không có việc làm, mọi chi phí trong gia đình cũng như chi phí tiền học đều phải tự lo. Nên tôi không thể từ bỏ mà vẫn phải tiếp tục bám trụ. Khi ấy tôi chỉ có thể thuê một chỗ để ngủ ở gầm cầu thang. Mỗi lần hai người trên gác đi lên xuống cầu thang thì bụi sẽ rơi đầy vào mặt”.

Mỗi ngày chỉ được ngủ 2 giờ đồng hồ

Vì thường xuyên bị các "cò" việc lừa tiền nên Hương đọc báo và tự đi xin việc khắp nơi. Cuối cùng, Hương quyết định thức dậy vào mỗi sớm nấu xôi và bán trên phố Trung Yên, gần các cổng trường học.

“Sáng nào tôi cũng phải dậy từ 2h sáng để thổi xôi. Tôi còn thường xuyên bị cô chủ nhà nhờ đi chở rau lúc 3h sáng ở chợ đầu mối về chợ nhỏ cho cô bán, thân con gái một mình ra đường giờ ấy thật sự nguy hiểm và vất vả". - cô kể lại quãng thời gian khổ cực của mình.

Việc bán hàng trên đường phố ngày nắng không sao còn ngày mưa thì cả người và đồ đều ướt hết, hàng bán cũng chẳng là bao. Thêm vào đó thấy hàng xôi của Hương đắt khách nên không ít lần những người bán hàng gần đó đã dọa nát, ức hiếp cô.

Buổi chiều, Hương lại tiếp tục với gánh bán bánh khoai, bánh ngô, bánh chuối. Sau đó đi học đến 9h tối và lại tiếp tục bán bánh cho tới 12h đêm, dù trời mùa đông lạnh cóng..

Hương (áo xanh) đã phải trải qua tuổi thơ nhiều vất vả
Hương (áo xanh) đã phải trải qua tuổi thơ nhiều vất vả.

Cuối tuần, khi không có học sinh đi học mua xôi, Hương lại xin đi lau dọn vệ sinh nhà cửa cho các gia đình gần đó để có thêm thu nhập. Mùa đông, Hương bán thêm tất đeo chân, găng tay, mùa hè bán trà đá ở vỉa hè, làm thêm ở sở thú. Mỗi ngày, cô gần như chỉ được ngủ 2 tiếng đồng hồ.

Cho tới tận bây giờ, khi nhớ lại Hương cũng không hiểu tại sao bản thân có thể chống chọi với khoảng thời gian đó. Cuộc sống cứ như thế trôi đi, đầy khó khăn, vất vả nhưng vẫn không đánh gục được cô gái nhỏ, gầy trơ xương nhưng đầy nghị lực ấy.

Những thành quả đáng nể cho sự nỗ lực và cố gắng

Đầu năm 2006, theo sự giới thiệu của một người bạn, Hương làm hồ sơ vào tổ chức KOTO, một doanh nghiệp xã hội chuyên đào tạo trẻ đường phố về nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn. Khi vào KOTO, về nguyên tắc Hương không được phép học phổ thông vì chương trình tại KOTO đã khá nặng. Tuy nhiên, trước sự thuyết phục, nài nỉ của Hương, các anh chị cũng xúc động và đồng ý cho cô học một lúc hai trường. Năm 2007, Hương tốt nghiệp KOTO cùng thời điểm tốt nghiệp phổ thông.

Năm 2011, Hương nhận được học bổng du học tại học viện Box Hill (Úc), chuyên về quản trị nhà hàng - khách sạn. Đầu năm 2012 sau khi hoàn thành khóa học IELTS tại Việt Nam, Hương lên đường sang Úc nhập học. Chỉ sau 1 năm học tập và phấn đấu, Hương liên tiếp giành được nhiều giải thưởng cũng như bằng khen.

Năm 2013 Hương khi được chọn là Đại sứ Sinh viên Quốc tế của Học Viện Box Hill. Mới đây nhất là nhận được 2 giải thưởng danh giá là Sinh viên Quốc tế xuất sắc của năm bang Victoria và Sinh viên Quốc tế Xuất sắc của năm do thống đốc bang Victoria - Denis Namthine trao tặng.

Hương (áo dài) nhận bằng khen cùng với đại diện tổ chức KOTO Việt Nam và KOTO quốc tế hôm 14/11
Hương (áo dài) nhận bằng khen cùng với đại diện tổ chức KOTO Việt Nam và KOTO quốc tế hôm 14/11.

Hiện nay cuộc sống của Hương đã khá hơn trước rất nhiều, không còn cảnh ngủ ở gầm cầu thang, không còn dậy từ 2h sáng nấu xôi nữa... nhưng Hương vẫn không ngừng cố gắng làm việc. Hiện tại, cô gái này vừa học vừa làm việc bán thời gian cho Khách Sạn Sofitel Melbourne on Collins để trang trải chi phí sinh hoạt.

Hương chia sẻ: “Nhìn lại quãng đường đã đi, tôi thấy mình trưởng thành, tôi học hỏi được nhiều, cũng có vấp ngã và phải tự đứng lên. Tôi nghiệm ra rằng cuộc đời giống như một con tàu, và mỗi người chúng ta đều là người lái tàu, bạn là người sẽ quyết định lái chuyến tàu của mình như thế nào. Tôi không đổ tại hoàn cảnh hay tự ti về hoàn cảnh, mà ngược lại tôi tự hào vì mình được sinh ra từ đói nghèo, vì mẹ tôi là nông dân, và vì những khó khăn trong 14 năm qua sống 1 mình khiến tôi vững vàng hơn và biết quý trọng hơn những gì tôi có. Nếu tôi được sống trong sự đủ đầy từ bé, có lẽ tôi của ngày hôm nay đã khác”.

Cùng ngắm một số hình ảnh của Đặng Thị Hương:

Tuổi thơ ngủ gầm cầu thang của nữ sinh Việt xuất sắc nhất tại Úc ảnh 5
Tuổi thơ ngủ gầm cầu thang của nữ sinh Việt xuất sắc nhất tại Úc ảnh 6
Tuổi thơ ngủ gầm cầu thang của nữ sinh Việt xuất sắc nhất tại Úc ảnh 7

Ảnh: NVCC
Theo Thúy Anh
Baodatviet.vn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.