Tuyển sinh Đại học: Làm gì với phương án thi mới?

Tuyển sinh Đại học: Làm gì với phương án thi mới?
TP - Những ngày này, dù kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ còn ở khá xa nhưng dư luận thí sinh và các bậc cha mẹ không khỏi xôn xao về những thông tin được tung ra từ các trường ĐH về những phương án thi tuyển sinh dự kiến sẽ được thí điểm từ mùa thi 2014.

> Thi tốt nghiệp THPT 2 môn, bỏ thi đại học ‘ba chung’
> Giáo dục sau năm 2015: Giảm môn học THCS, phân hóa mạnh bậc THPT

Phương án mới là gì?

Có 17 đề án tuyển sinh mới mà khối các trường ngoài công lập (NCL) đệ trình lên Bộ GD&ĐT và đang chờ xem xét, Bộ cũng đang nghiên cứu sửa quy chế tuyển sinh để có thể cho phép trường có phương án thích hợp được tuyển sinh riêng.

Tuy nhiên, hầu hết các trường ĐH còn lại được hỏi vẫn trung thành với phương án thi “ba chung”. Chỉ có ĐHQG HN và TPHCM đang đi đầu trong nghiên cứu, đề xuất và thí điểm hình thức thi mới.

 “Với phương án đề xuất của 17 trường ĐH ngoài công lập, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu để sửa Quy chế Tuyển sinh cho phù hợp với tình hình mới. Nếu phương án tuyển sinh của trường nào đúng quy chế mới, trường đó sẽ được thực hiện tuyển sinh riêng từ 2014. Cuối năm nay hoặc tháng 1/2014, Quy chế Tuyển sinh sửa đổi sẽ được công bố”.  

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga

Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc ĐHQG Hà Nội cho biết, mùa tuyển sinh 2014, ĐHQG HN vẫn thi “ba chung” bình thường nhưng có áp dụng thí điểm tuyển sinh theo phương thức mới đối với một số ngành đào tạo đặc biệt. Ông Kim Sơn nói: Hiện ĐHQG vẫn chuẩn bị đề án theo hướng sẽ có một bài thi đánh giá năng lực tổng hợp của thí sinh dài chừng 4 đến 4,5 giờ làm bài kết hợp với xét hồ sơ phổ thông và phỏng vấn trực tiếp.

Tuy nhiên, các thí sinh thực hiện hình thức thi thí điểm này có thể vẫn tham gia thi “ba chung” trong lúc thí điểm cho... yên tâm hoặc có thể không. Ông Sơn cũng cho biết, những thí sinh tự nguyện tham gia sẽ làm thí điểm kỳ thi này và khi triển khai đại trà thì sẽ có thông tin công khai để học sinh tìm hiểu và thích ứng với kỳ thi, ĐHQG HN sẽ có hỗ trợ để các thí sinh có thể làm bài.

Cũng theo ông Sơn, việc thí điểm này sẽ được thực hiện cho thi tuyển sinh vào ĐH năm 2014 với một số ngành, mọi thông tin về phương án thi này sẽ được thông báo trước thời điểm cuốn cẩm nang “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ” ra đời, khoảng tháng 3/2014.

Tại TPHCM, ông Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TPHCM cho biết, theo đề án tuyển sinh mà ĐHQG TPHCM sẽ trình Bộ GD&ĐT vào cuối năm nay quá trình tuyển sinh sẽ được thực hiện qua kiểm tra năng lực, Kiểm tra năng lực sẽ thực hiện ở các môn: Toán và Logic, Tiếng Việt (bắt buộc) và thí sinh tự chọn một môn trong số các môn sau: Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và tiếng Anh.

Trong đó, môn khoa học tự nhiên sẽ kiểm tra kiến thức về Lý, Hóa, Sinh. Môn khoa học xã hội kiểm tra kiến thức các môn Văn, Sử và Địa (có thể thêm kiến thức của môn Giáo dục công dân). Các bài thi chủ yếu theo phương thức trắc nghiệm và chỉ một phần bài thi môn Tiếng Việt yêu cầu thí sinh viết luận.

 “Năm 2014, ĐH Thái Nguyên vẫn tuyển sinh “Ba chung” và không đề nghị thêm phương án nào. Về tương lai phương án tuyển sinh riêng giao về các trường là hợp lý nhưng Bộ GD&ĐT cần đưa ra một khung pháp lý chuẩn, không thể để trường nào muốn làm gì thì làm!”.  

Ông Đặng Kim Vui,
Giám đốc ĐH Thái Nguyên

Cũng theo ông Nghĩa, ngoài kỳ kiểm tra năng lực, ĐHQG TPHCM còn kết hợp xét tuyển theo nhiều tiêu chí (tùy thuộc vào từng trường ĐH) như: Kết quả học và thi tốt nghiệp THPT, thành tích học tập khác (giải thưởng), năng khiếu (theo yêu cầu của các trường đào tạo năng khiếu), kinh nghiệm hoạt động ngoại khóa, công tác xã hội, hoạt động cộng đồng, ngoại khóa, các hoạt động thể thao, văn nghệ... Ngoài ra, còn có một bài luận trình bày lý do lựa chọn ngành nghề và động cơ học tập theo ngành đăng ký.

Tuy nhiên, ông Nghĩa nhấn mạnh, năm 2014 ĐHQG thi tuyển sinh “ba chung”. Khi đề án được thông qua, năm 2015 đề án sẽ được thí điểm cho một số ngành đào tạo trước khi triển khai rộng rãi toàn hệ thống của ĐHQG TPHCM vào năm 2016, ông Nghĩa nói. Bộ GD&ĐT không nên “thả” sớm mà phải coi chừng chất lượng thế nào, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Kiểm tra năng lực có đáng tin cậy?

Phó Chủ nhiệm khoa Sau đại học (ĐHQG HN) TS - Nguyễn Thị Hồng Minh, cho biết, thực chất hình thức kiểm tra năng lực này đã được thí điểm thông qua kiểm tra đầu vào cao học ở một số chuyên ngành từ năm 2011 tại ĐHQG HN.

Về hiệu quả của hình thức này, TS Hồng Minh nói: Để đánh giá một cách khoa học thì cần có nghiên cứu cụ thể, khảo sát, thống kê, đánh giá định lượng.

Trước câu hỏi “có thể áp dụng hình thức kiểm tra năng lực vào tuyển sinh ĐH, CĐ không”, TS Minh cho rằng, về đánh giá năng lực thì có thể tuyển người học, nhưng, chỉ qua bài thi đó thì chưa đủ, vì nó chỉ đánh giá được một nhóm năng lực, trong khi đó, còn rất nhiều thứ phải đánh giá. TS Hồng Minh kết luận, một bài kiểm tra đánh giá năng lực không thể thay thế kỳ thi “ba chung”.

Đặc biệt, theo bà Minh, phải có hệ thống phân tầng trường học để các thầy cô có thể biết trường nào là tốt… Theo bà Minh, tại thời điểm này, đánh giá năng lực thí sinh ở bậc phổ thông chưa có sức nặng. Trong hoàn cảnh văn hóa thứ hạng của ta chưa tốt thì việc thay thi bằng kiểm tra năng lực là chưa phù hợp. Nhất thiết phải có nghiên cứu cụ thể!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG