Ba thập kỷ tìm kiếm tác phẩm của Phan Khôi

TP - Nhân dịp những tác phẩm đăng báo của học giả Phan Khôi (1887-1959) trong những năm tháng cuối đời của ông được sưu tầm và xuất bản (Phan Khôi – Tác phẩm đăng báo 1948-1958, Nxb Tri Thức 2019), phóng viên đã có cuộc phỏng vấn nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân về câu chuyện sưu tầm, xuất bản tác phẩm của Phan Khôi.

Cơ duyên nào đã đưa anh đến với công việc sưu tầm nghiên cứu tác phẩm của Phan Khôi? Điều gì thôi thúc anh theo đuổi công việc này suốt vài chục năm qua?

Sự việc trực tiếp, có lẽ là bắt đầu từ chuyến đi đầu năm 1996 của tôi và Vương Trí Nhàn vào Đà Nẵng. Lãnh đạo Nxb Đà Nẵng nói: “Tác phẩm của Phan Khôi từng đăng báo thì nghe nói khá nhiều, nhưng chưa thấy có ai xúc tiến tìm lại cả. Chúng tôi sẵn lòng xuất bản các kết quả sưu tầm!”. Bọn tôi hiểu những lời ấy là gợi ý “đặt hàng” tầm xa. Tôi thử làm một việc nhỏ trước tiên là nắm lấy chùm bài Phan Khôi đăng Nam Phong từ 1918 dưới bút hiệu Chương Dân. Thế rồi tôi thực sự bắt tay vào tìm tòi về tác gia này cho đến tận bây giờ.

Một vài kỷ niệm của anh trên bước đường sưu tầm tác phẩm của Phan Khôi?

Tôi nhớ mãi anh Phan Đắc Lập, làm ở báo “Đại Đoàn Kết” tại Sài Gòn, nghe bạn bè nói tôi sẽ làm sưu tầm Phan Khôi, bèn nhắn tôi khi nào vô Nam thì ghé anh. Mùa hè 1998 tôi từ trại viết Đà Lạt xuống Sài Gòn gặp anh, anh nói anh cùng trong họ Phan ở Quảng Nam, cũng từng ôm ấp ý định sưu tầm lại Phan Khôi, và đã thu thập được một số tài liệu; nhưng anh thấy sức mình quá yếu, chắc khó mà làm được. Anh bảo tôi “Ân bắt tay làm Phan Khôi đi, mình thì không còn thời gian để làm, chỉ còn một ít tài liệu, sẽ thu thập lại gởi cho Ân”. Ít năm sau anh Lập mất, người em của anh là anh Phan Đắc Lữ có cầm ra Bắc đưa cho tôi một cặp tài liệu do anh Phan Đắc Lập nhờ chuyển, chủ yếu là một số tài liệu trên sách báo miền Nam 1954-75 nói về Phan Khôi.

Anh có nhiều tư liệu rất “độc” vậy cách tìm nguồn sưu tầm ra sao?

Tôi cố gắng tìm tới tất cả những nơi có lưu giữ tác phẩm Phan Khôi mà tôi biết. Năm 2000, tôi được mời sang thăm giao lưu với khoa Sử ĐH Berkeley trong một tháng. Tại thư viện ĐH Berkekey và một số thư viện ĐH Mỹ có lượng microfilm báo chí Việt khá nhiều (hầu hết mua bản in tráng films của thư viện quốc gia Pháp). Hàng ngày ngồi trước máy đọc microfilm trong thư viện ĐH Berkeley. Sau này xem lại mới biết, các bộ sưu tập “Phụ nữ tân văn”, “Phụ nữ thời đàm” trong microfilms từ nguồn Thư viện QG Pháp (mà tôi đọc tại thư viện ĐH Berkeley) đều đủ hơn so với một số sưu tập các tờ này ở thư viện trong nước. Tờ “Phụ nữ thời đàm” tập mới (thời gian Phan Khôi làm chủ bút) thì trong nước gần như không đâu có. Tháng 10/2000 tôi từ California trở về Hà Nội với một vali nặng gồm toàn là những xếp giấy A4 photocopy báo cũ!

Tác phẩm của Phan Khôi, qua sưu tầm của anh Lại Nguyên Ân đã cho thấy sức viết, sức nghĩ và tâm huyết của Phan Khôi thật phi thường?

Cũng phải đến năm 2003 tôi mới đưa in sưu tập “Tác phẩm đăng báo” đầu tiên, gồm những bài Phan Khôi viết báo trong năm 1928. Từ đấy, tôi vừa đi tìm, vừa soạn thành các tập “Tác phẩm đăng báo”. Đầu năm 2019 là tập: Phan Khôi, “Tác phẩm đăng báo in sách 1948-1958”.

Tôi có thể liệt kê các cuốn đã in: “Tác phẩm đăng báo 1928”, “Tác phẩm đăng báo 1929”, “Tác phẩm đăng báo 1930”, “Tác phẩm đăng báo 1931”,  “Phan Khôi viết và dịch Lỗ Tấn”, “Tác phẩm đăng báo 1932” , “Tác phẩm đăng báo 1933-1934”, “Tác phẩm đăng báo 1935”, “Tác phẩm đăng báo 1936”, “Tác phẩm đăng báo 1937”,  “Tác phẩm đăng báo 1938-1942” (Nxb. Tri Thức, 2017), “Vấn đề phụ nữ ở nước ta”, “Ảnh hưởng Khổng giáo ở nước ta”, “Tác phẩm đăng báo in sách 1948-1958”.

Anh có thể giới thiệu đôi chút về cuốn sách Phan Khôi – Tác phẩm đăng báo in sách 1948-1958 vừa in đầu năm 2019?

“Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo in sách 1948-1958”, là các tác phẩm thời kỳ Phan Khôi viết báo dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Không ít tờ báo thời đó, nay ngay tại các thư viện lớn cũng đã ở tình trạng thiếu số mất trang rách góc… Sưu tập vừa đưa in có lẽ cũng còn thiếu một số bài vở do chưa tìm được.

Hai loại công việc mà Phan Khôi chú tâm làm trong thời gian 1948-58 là nghiên cứu tiếng Việt và dịch thuật. Những nghiên cứu về tiếng Việt do ông thực hiện những năm 1948-1955 (tập hợp trong cuốn “Việt ngữ nghiên cứu”, Nxb. Văn nghệ, 1955).  Về dịch thuật thì ông tập trung dịch Lỗ Tấn, tác gia mà Phan Khôi đã tiếp cận tác phẩm ngay từ những năm 1920-1930 ở thị trường sách Sài Gòn; ông đáp ứng xứng đáng vai trò một tác giả, diễn giả, dịch giả chủ yếu của Hội văn nghệ Việt Nam trong dịp kỷ niệm văn hào Lỗ Tấn (1881-1936). Ông đã là đại diện xứng đáng của văn giới Việt Nam trong lễ kỷ niệm 20 năm mất Lỗ Tấn tại Bắc Kinh.

Anh có thể cho biết cuộc sống của Phan Khôi trong chế độ mới như thế nào qua những trang viết của ông?

Thời gian ở Việt Bắc, 1948-55, Phan Khôi sống như hầu hết cán bộ nhân viên tại các cơ quan đoàn thể kháng chiến. Cuộc sống vật chất tương đối thiếu thốn, gian khổ, Phan Khôi từng bị đau dạ dày, được đưa tới bệnh viện, bác sĩ Tôn Thất Tùng trực tiếp mổ và điều trị.

Sau hiệp định Geneve, 1954, Phan Khôi trở về Hà Nội cùng với cán bộ nhân viên Hội Văn nghệ Việt Nam. Ông được cử tham gia phái đoàn Chính phủ VNDCCH đi thăm Liên khu 5, nói chuyện về thắng lợi của cuộc kháng chiến tại các cuộc metting ở Quảng Ngãi, Bình Định.

Đây cũng là giai đoạn Phan Khôi gặp phải “khổ nạn” văn chương mang tên “nhân văn”. Sau nửa thế kỷ, những văn nghệ sĩ từng bị lên án và kỷ luật, trong đó có Phan Khôi đã được nhìn nhận và đánh giá đầy đủ hơn. 

Xin anh Lại Nguyên Ân cho những nhận xét đánh giá của anh về giá trị các tác phẩm của Phan Khôi đối với ngày hôm nay? Những vấn đề gì vẫn còn là thời sự và đáng suy ngẫm, thảo luận và đáng để thực hiện nó?

Tác phẩm của Phan Khôi luôn luôn tiềm ẩn cái nhìn của nhà nghiên cứu, cho nên ông đã góp cho những tạp chí mới xuất hiện những bài viết có hàm lượng dữ liệu và ý tưởng nghiên cứu rất dồi dào. Ví dụ bài “Thử tìm sử liệu trong ngữ ngôn” cho tạp chí “Văn Sử Địa”, bài về Truyện Kiều trong dịp kỷ niệm 190 năm sinh Nguyễn Du (1765-1820) cho tập san “Đại học sư phạm”, v.v.   

Những nghiên cứu về tiếng Việt do ông thực hiện những năm 1948-1955 đều thuộc trong số những nhận định khá sớm về các đặc điểm của tiếng Việt, sau này được các nhà ngữ học như Hoàng Tuệ, Phan Ngọc đánh giá cao; có những nghiên cứu (ví dụ bài thuyết trình tại hội nghị văn hóa toàn quốc lần hai, 1948) đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc giảng dạy ngữ pháp ở các trường phổ thông vùng kháng chiến.

Xin cám ơn anh Lại Nguyên Ân!

Ba thập kỷ tìm kiếm tác phẩm của Phan Khôi ảnh 1 Học giả Phan Khôi và gia đình. Ảnh: tư liệu
Ba thập kỷ tìm kiếm tác phẩm của Phan Khôi ảnh 2 Nhà sưu tầm nghiên cứu Lại Nguyên Ân
Ba thập kỷ tìm kiếm tác phẩm của Phan Khôi ảnh 3  
MỚI - NÓNG