Báo động hành vi bạo lực trong học sinh

Báo động hành vi bạo lực trong học sinh
Hàng loạt vụ bạo lực học đường xảy ra gần đây có những nguyên nhân hết sức vô lý, mà “nhân vật” chính phần đông là học sinh (HS) THCS.

Báo động hành vi bạo lực trong học sinh

Hàng loạt vụ bạo lực học đường xảy ra gần đây có những nguyên nhân hết sức vô lý, mà “nhân vật” chính phần đông là học sinh (HS) THCS.

Clip nữ sinh Trường THCS Võ Thị Sáu (Bình Thuận) đánh nhau được đưa lên mạng vào tháng 2.2011
Clip nữ sinh Trường THCS Võ Thị Sáu (Bình Thuận) đánh nhau được đưa lên mạng vào tháng 2.2011. Ảnh: Chụp từ internet

Học giỏi cũng đánh nhau

Ngày 12-2-2011, Nguyễn Minh Trí, HS lớp 7E Trường THCS Lê Mao (TP Vinh, Nghệ An), vừa ra khỏi cổng trường thì bị Hoàng Nam Long (HS lớp 9 cùng trường) đánh tới tấp. Trong lúc ẩu đả, Trí bị ngã, chấn thương sọ não và chết sau đó một tháng.

Có những vụ việc xuất phát từ những mâu thuẫn, lý do rất... vô duyên, thậm chí nạn nhân cũng không rõ nguyên nhân. Vụ việc gần đây nhất là chuyện của HS T.T.P - Trường THCS Khanh Hậu (Long An). Trong giờ ra chơi, đang ngồi trong lớp, P bị một nhóm bạn đánh tới tấp mà chính em không hiểu vì sao.

Tháng 3-2010, HS Võ Thụy Thanh Thảo (lớp 8A3 Trường THCS Lê Lai, quận 8, TP.HCM) bị 2 bạn cùng lớp đánh hội đồng đến mức nhập viện chỉ vì tội “đã học giỏi mà còn chảnh”.

Không chỉ những HS cá biệt mới tham gia đánh nhau, hiện nay, nhiều HS ngoan, hiền cũng góp mặt trong vấn nạn này. Đơn cử như vụ nữ sinh Trường Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội) đánh nhau ngày 27-12-2010, quay hình và tung clip lên mạng 3 ngày sau.

Tham gia đánh bạn đều là HS ngoan, có lực học khá, giỏi, thậm chí người tung clip lên mạng lại còn là một lớp trưởng. Đáng báo động, trước sự việc như vậy, thay vì can ngăn, HS và người tham gia, chứng kiến đều có thái độ dửng dưng.

Ngày càng “trẻ hóa”

Ông Phạm Văn Khanh - Phó giám đốc Sở GD-ĐT, Chủ tịch Hội Tâm lý và giáo dục Tiền Giang - cho biết: “Các vụ đánh nhau ngày càng rơi vào lứa tuổi HS THCS”. Nhiều chuyên gia tâm lý, giáo dục khác cũng đang rất lo lắng về tình trạng HS tham gia đánh nhau ngày càng trẻ. Nếu trước kia, các vụ đánh nhau thường rơi vào đối tượng HS THPT thì nay chủ yếu là HS THCS.

Lý giải về vấn đề này, ông Khanh nói: “Tâm lý lứa tuổi mới lớn có sự thay đổi mạnh. Các em muốn khẳng định mình là người lớn, bắt chước người lớn hút thuốc, uống rượu, yêu đương... để chứng tỏ mình nhưng suy nghĩ của các em thì rất ngây thơ. Chính sự xung đột giữa thực tế và suy nghĩ khiến các em thường giải quyết các vụ việc không lường được trước sau, dẫn đến bốc đồng, đánh nhau”.

Bàn về gốc của vấn đề, tiến sĩ Phạm Văn Thanh - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Nai, Phó chủ tịch Hội Tâm lý và giáo dục Đồng Nai - khẳng định: “Gia đình là yếu tố quan trọng để giúp giáo dục HS tránh được những việc xấu. Do vậy, cha mẹ phải là tấm gương tốt. Nhưng đáng nói, hiện nay tại các thành phố lớn, ly hôn chiếm tỷ lệ rất cao. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến con em thiếu tình thương, thiếu chia sẻ và thiếu niềm hạnh phúc gia đình. Đứa trẻ sống trong cảnh thiếu thốn và mất mát tình cảm thì dễ sa ngã hơn đứa trẻ được sống trong gia đình hạnh phúc, có nền nếp giáo dục”.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho biết, với sự phát triển mạnh của internet, nhiều HS không thể tự chủ được bản thân trên môi trường mạng, truy cập vào các website đen, trò chơi bạo lực khiến các em dễ tiêm nhiễm thói hư tật xấu; dễ ứng xử, giải quyết bằng bạo lực.

Để khắc phục điều này, PGS-TS Nguyễn Văn Thọ - nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 - cho lời khuyên: “Thay vì cấm đoán, phụ huynh nên dạy các em cách sử dụng internet như từng dạy trẻ khi còn nhỏ cách đi thế nào trong thành phố: dừng ở vỉa hè, cách qua đường ra sao, không nên giao du với những người nào...”.

Theo Minh Luân
Thanh Niên

Phản ứng bằng hành vi sai

Phát hiện chiếc xe mà 2 thanh niên chạy từ bãi giữ xe ra là xe bị đánh cắp, ngay lập tức một thanh niên đứng cạnh đó đá người ngồi trên xe máy. Chỉ ít giây sau, khoảng chục thanh niên trong sân bóng cùng xông vào đánh hội đồng với những cú đá, lên gối, đạp, dùng cây đánh không thương tiếc.

Đoạn clip quay lại cảnh này được đưa lên youtube gây những ý kiến tranh cãi gay gắt. Một phía cho rằng, việc bắt trộm là tốt nhưng không đến mức phải mạnh tay đến vậy. Nhiều ý kiến khác bảo vệ việc làm này và thậm chí có thành viên quá khích còn cho biết sẽ đánh đến chết nếu kẻ trộm rơi vào tay mình...

Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng tâm lý và truyền thông cộng đồng - cho biết: “Hành vi phản bác một điều xấu, nhìn nhận được cái đúng, cái sai qua những chuyện như vậy là đáng khích lệ. Tuy nhiên, việc phản ứng bằng một hành vi sai khác, trong đó có cả những lời lẽ bạo lực thì không được”.

Cũng theo bà Linh, qua quá trình tư vấn tâm lý, có thể thấy dường như thói quen bạo lực trong HS, giới trẻ đang tăng lên. HS ít cần đến sự can thiệp của thầy cô giáo để giải quyết vấn đề mà thay vào đó là phản ứng bằng bạo lực.

Theo Đăng Nguyên
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG