Bỏ đợt thi riêng, các trường cao đẳng lo lép vế

Bỏ đợt thi riêng, các trường cao đẳng lo lép vế
Liên quan đến phương thức tổ chức thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2011, Bộ GD-ĐT dự kiến không tổ chức đợt thi riêng cho các trường CĐ mà ghép với hai đợt thi ĐH; vẫn xác định điểm sàn riêng cho ĐH và CĐ.

Nhiều người ủng hộ phương án này nhưng cũng còn không ít băn khoăn, nhất là từ các trường CĐ có tổ chức thi tuyển.

Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ đợt thi dành cho các trường CĐ. Trong ảnh: thí sinh trao đổi bài sau khi thi môn vật lý tại Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM trong tuyển sinh 2010 - Ảnh: NHƯ HÙNG (Tuổi Trẻ)
Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ đợt thi dành cho các trường CĐ. Trong ảnh: thí sinh trao đổi bài sau khi thi môn vật lý tại Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM trong tuyển sinh 2010 - Ảnh: NHƯ HÙNG (Tuổi Trẻ).

* Ông Đào Khánh Dư (hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng): Phải giới hạn phạm vi đào tạo.

Gộp chung đợt thi CĐ vào hai đợt thi ĐH sẽ có lợi cho thí sinh hơn, đỡ phải vất vả đi lại, tốn kém. Thậm chí, chúng ta chỉ cần tổ chức thi một đợt chứ không nhất thiết phải hai đợt. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phân loại, xác định mục tiêu, phạm vi đào tạo để đảm bảo nguồn tuyển cho các trường.

Không ít trường ĐH đào tạo cả các bậc CĐ, thí sinh thay vì thi vào CĐ sẽ thi bậc CĐ trong các trường ĐH.

Nếu bỏ thi CĐ, phải có giới hạn trong phạm vi đào tạo để mỗi trường tập trung làm thật tốt chức năng của mình, trường ĐH được đào tạo bậc nào, CĐ đào tạo bậc nào. Vấn đề đào tạo cấp thấp hơn cũng cần thiết nhưng phải tính toán để đảm bảo các trường vừa có thể tuyển sinh, đào tạo chuyên sâu, vừa có thể phát triển.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (hiệu trưởng Trường CĐ Nguyễn Tất Thành): Đề thi phân loại thế nào?

Theo tôi, nên giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. Chất lượng đào tạo không chỉ phụ thuộc đầu vào cao hay thấp. Đó chỉ là một trong những yếu tố quyết định chất lượng đầu ra. Chúng ta lo thay đổi phương thức, quy chế tuyển sinh mà không chú trọng chuyện thay đổi cách dạy, học, phương thức đào tạo thì mới chỉ giải quyết được phần ngọn vấn đề.

Chúng ta cứ mở rộng đầu vào, tăng cường đào tạo và siết đầu ra, sinh viên nào không đáp ứng được sẽ phải tự chịu trách nhiệm với kết quả đó.

Ông Vũ Văn Dũng (phó hiệu trưởng Trường CĐ Hàng hải 1): Các trường CĐ sẽ lép vế

Tổ chức thi tuyển sinh CĐ, chúng tôi cũng chủ động hơn trong nguồn tuyển cho các hệ khác. Còn nếu tổ chức thi chung đợt, chung đề với các trường ĐH, rõ ràng các trường CĐ sẽ lép vế. Về phía thí sinh, các trường CĐ sẽ không nằm trong sự lựa chọn hàng đầu. Các trường CĐ chỉ xét được từ NV2, bị động và hạn chế về nguồn tuyển, chất lượng.

Điều này liệu có phù hợp trong khi chúng ta đang muốn phân luồng, khuyến khích nhiều thí sinh chủ động chọn học CĐ?

Theo tôi, có tổ chức thi hay không tùy điều kiện thực tế do các trường tự quyết định. Thực tế là khi tổ chức kỳ thi tuyển sinh, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn, vất vả, năm nào cũng phải bù lỗ, nhưng nếu lựa chọn giữa thi và không thi, tôi sẽ nghiêng về phương án có tổ chức thi.

Ông Nguyễn Văn Lâm (trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Giao thông vận tải): Không nên chọn thay

Theo tôi, bộ không cần quyết định, lựa chọn thay cả thí sinh lẫn các trường. Về phía thí sinh, tại sao bộ phải quyết định giảm thi để tiết kiệm giúp thí sinh, trong khi đáng lẽ phải để các em tùy chọn muốn tiết kiệm hay không, tùy theo khả năng kinh tế của bản thân để đi thi ít hay thi nhiều.

Tôi nghĩ giữa chuyện tiết kiệm 100.000-200.000 đồng lệ phí thi với việc có thêm một cơ hội dự thi và xét tuyển thì phần nhiều thí sinh vẫn chọn vế thứ hai.

Về phía các trường, thi hay không thi, chỉ xét tuyển để tùy trường quyết định, để các trường tự chủ, bộ không nên bận tâm. Bộ chỉ cần chịu trách nhiệm ra đề thi chung để đảm bảo về chất lượng và độ bảo mật của đề thi, làm căn cứ thống nhất để xét tuyển. Trong thời điểm hiện nay cứ tạm giữ các đợt thi như năm 2010.

Ông Triệu Văn Cường (hiệu trưởng Trường CĐ Nội vụ): Không thể đổ đồng

Đối với trường tôi, với lượng thí sinh dự thi như những năm qua thi tuyển là yên tâm hơn cả. Tôi cho rằng khi bộ tính toán, tìm phương án tuyển sinh là bộ tính chung cho nhiều trường chứ không chỉ 1-2 trường.

Nếu là phương án phù hợp cho số đông, dù một trường vẫn tổ chức thi, nhưng nếu bộ không tổ chức đợt thi riêng cho các trường CĐ tôi cũng ủng hộ và thực hiện nghiêm túc.

Theo tôi, các trường thu hút đông thí sinh nên tổ chức thi để chọn được thí sinh chất lượng tốt hơn. Nếu chỉ xét tuyển bằng kết quả thi ĐH, các trường CĐ sẽ đổ đồng như nhau.

Một cái áo chung sẽ không tốt

Nếu xét về mặt giảm sự cồng kềnh, lãng phí thời gian tiền bạc, rõ ràng việc gộp chung như vậy sẽ tiết kiệm được rất nhiều cho xã hội. Tuy nhiên, một cái áo may chung cho tất cả mọi người mặc sẽ không thể cho kết quả tốt. Đây là kỳ thi tuyển sinh, mỗi trường có đặc thù, mục tiêu đào tạo khác nhau. Mục tiêu tuyển đúng đối tượng phù hợp sẽ khó mà đạt được.

Nếu đề thi “dễ dễ” để cả CĐ và ĐH đều làm được thì rõ ràng giống kỳ thi tốt nghiệp THPT mà chúng ta vừa tổ chức trước đó, vậy đâu cần thiết tổ chức thêm kỳ thi này.

Như vậy, tự chủ tuyển sinh sẽ là phương án khả thi hơn. Bộ GD-ĐT chỉ cần đưa ra một khung chuẩn để đảm bảo chất lượng tối thiểu. Các trường tùy vào đặc thù của mình mà chọn môn thi, cách thức thi hay xét tuyển để có thể chọn được đối tượng học phù hợp nhất.

Thực tế kỳ thi tuyển sinh những năm gần đây cho thấy nhiều trường, ngành chỉ có điểm bằng sàn. Nếu chúng ta kiểm soát tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT thì với những trường này, chỉ cần đạt điểm tốt nghiệp THPT những môn trường xét tuyển từ 5 điểm trở lên là có thể vào học, không cần thiết phải thi tuyển.

TS VŨ THỊ PHƯƠNG ANH
(Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TP.HCM)

Theo M Giảng - T Hà
Tuổi Trẻ

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG