Để dễ trúng tuyển NV2

Thí sinh nhận giấy báo điểm ở Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM trong hôm qua. Ảnh: Đ.N.T (Thanh Niên)
Thí sinh nhận giấy báo điểm ở Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM trong hôm qua. Ảnh: Đ.N.T (Thanh Niên)
Cuộc tranh đua vào các trường ĐH-CĐ đang vào giai đoạn nước rút đối với những thí sinh (TS) chưa trúng tuyển NV1 nhưng đủ điểm xét tuyển NV2. Đây là thời điểm TS cần tính toán kỹ để không thất bại lần nữa.

>> Đại học Thái Nguyên xét tuyển gần 3.000 chỉ tiêu NV2
>> NV2: Ngành, trường nào dễ đậu?

Thí sinh nhận giấy báo điểm ở Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM trong hôm qua. Ảnh: Đ.N.T (Thanh Niên)
Thí sinh nhận giấy báo điểm ở Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM trong hôm qua. Ảnh: Đ.N.T (Thanh Niên).

Tỷ lệ “chọi”: hơn 2,78

Theo thống kê của Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), vẫn còn gần 69.000 cơ hội cho các TS vào ĐH theo NV2. Trong đó, khối A còn 37.497 chỉ tiêu, khối B còn 5.939, khối C còn 6.552, khối D còn 18.923.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Cường - chuyên viên Phòng Tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, dù chỉ tiêu (CT) còn nhiều nhưng không dễ trúng tuyển vì tổng số TS đạt điểm trên sàn rất lớn. Hơn 191.959 TS có điểm thi trên điểm sàn so với 68.911 CT NV2, như vậy tỷ lệ “chọi” vào NV2 là hơn 2,78.

Thực tế xét tuyển các năm trước cho thấy, nhiều TS trượt NV2 không phải vì điểm thi thấp mà do cách chọn trường và ngành không hợp lý. Theo nguyên tắc xét tuyển NV2, các trường sẽ lấy điểm từ cao xuống thấp cho đủ chỉ tiêu cần tuyển. Do đó, với những TS có kết quả thi ĐH khối A, D1 là 13 điểm và khối B, C là 14 điểm thì nên chọn NV2 học bậc CĐ trong trường ĐH hoặc trường CĐ còn chỉ tiêu xét tuyển cùng khối thi, trong vùng tuyển.

Ông Nguyễn Quốc Cường cũng khuyên TS có điểm thi không cao nên cân nhắc khi đăng ký NV2 vào các trường có điểm nhận hồ sơ bằng mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Với mức điểm này, lượng hồ sơ sẽ nhiều hơn CT cần tuyển từ 2 - 2,5 lần nên các trường nhiều khả năng lấy điểm trúng tuyển cao.

Hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2, NV3 gồm: Giấy chứng nhận kết quả thi số 1 (dùng để xét tuyển NV2) hoặc Giấy chứng nhận kết quả thi số 2 (dùng xét tuyển NV3) có đóng dấu đỏ của trường và điền đủ thông tin xét tuyển + lệ phí xét tuyển + một phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của TS (chú ý giữ lại biên nhận có đóng dấu giờ gửi đi của bưu điện để có thể khiếu nại, xin xét tuyển bổ sung khi hồ sơ bị thất lạc).

Năm nay, cũng có nhiều trường ấn định điểm nhận hồ sơ xét tuyển NV2 bằng điểm sàn quy định của Bộ cho các khối như: ĐH Hùng Vương (TP.HCM), ĐH Hòa Bình, ĐH Phương Đông, ĐH Đông Đô, ĐH Quảng Bình, ĐH Phú Yên, ĐH Văn Lang, ĐH Đà Lạt, ĐH quốc tế Hồng Bàng, ĐH Kỹ thuật công nghệ, ĐH Trà Vinh, ĐH Lạc Hồng, ĐH Bình Dương...

Đối với TS có điểm thi từ 15 đến 17, nếu chọn các nhóm ngành Kỹ thuật, Nông lâm ngư thì nhiều khả năng trúng tuyển. Nếu từ 18 điểm trở lên, hãy chọn những nhóm ngành Kinh tế - Tài chính.

Ông Cường giải thích: “Muốn dễ trúng tuyển NV2, TS nên nộp hồ sơ vào những trường, những ngành có điểm xét tuyển thấp hơn điểm thi của mình vài điểm. Nếu đánh giá đúng sở thích, nguyện vọng cũng như điểm số hiện có của mình thì cơ hội trúng tuyển NV2 vào các trường sẽ cao hơn nhiều”.

Không nên vội vã

Bắt đầu từ 25-8 đến hết ngày 10-9, các trường ĐH-CĐ sẽ nhận hồ sơ xét tuyển NV2. Thời gian nộp hồ sơ còn dài, do đó TS không nên vội vàng nộp hồ sơ ngay, bởi nộp sớm hay muộn (trong thời hạn cho phép) thì cơ hội đều như nhau.

Năm nay, TS có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển qua dịch vụ chuyển phát nhanh, chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại các trường. TS cần phải thường xuyên theo dõi tin tức trên báo chí, các phương tiện truyền thông đại chúng để tìm hiểu thông tin và các cơ hội xét tuyển NV2, NV3.

Theo Thiên Long
Thanh Niên 

Xét tuyển ở các trường

Trường ĐH Giao thông vận tải (Cơ sở 2): Xét tuyển 650 chỉ tiêu (CT) NV2 với điểm xét tuyển là 15. Cụ thể: Cầu đường bộ (20 CT), Kỹ thuật viễn thông (30), Kinh tế xây dựng công trình giao thông (50), Xây dựng dân dụng và công nghiệp (60), Máy xây dựng và xếp dỡ (30), Kinh tế bưu chính viễn thông (30), Kế toán tổng hợp (60), Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải đô thị (50), Cầu đường sắt (50), Đường hầm metro (50), Tự động hóa và điều khiển (20), Cơ khí ô tô (20), Đường bộ (40), Cầu hầm (40), Vận tải kinh tế đường bộ và thành phố (50), Cơ điện tử (50).

Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn: Xét tuyển 1.700 CT NV2 bậc ĐH-CĐ với điểm xét tuyển bằng điểm sàn, các khối A, D: 13, B, C: 14 điểm, Khối H và V (theo điểm chuẩn trường). Trường đào tạo các ngành Cơ - Điện tử, Điện - Điện tử, Điện tử Viễn thông, Tin học, Công nghệ thực phẩm, Quản trị kinh doanh (với các chuyên ngành Tổng hợp, Marketing, Kế toán và Tài chính), Kỹ thuật công trình (Xây dựng) và Mỹ thuật công nghiệp.

Trường ĐH Tài chính - Marketing: Điểm nhận hồ sơ xét tuyển NV2: khối A: 16,5, khối D1: 17,5. Trường cũng công bố CT xét tuyển NV2 các ngành: Du lịch lữ hành, Kinh doanh bất động sản, Quản trị bán hàng, Tin học ứng dụng trong kinh doanh, Tin học kế toán, Tin học ứng dụng trong thương mại điện tử, Tiếng Anh kinh doanh.

Trường cũng lưu ý TS có NV nộp hồ sơ xét tuyển NV2 cần ghi cụ thể chuyên ngành và mã chuyên ngành muốn xét tuyển vào giấy chứng nhận kết quả thi tuyển sinh.

Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu: Điểm nhận hồ sơ xét tuyển NV2 bằng với điểm sàn của Bộ GD-ĐT. CT xét tuyển NV2 bậc ĐH: Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử (100), Tin học (90), Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng (90), Công nghệ kỹ thuật hóa học (200), Công nghệ thực phẩm (100), Kế toán (200), Quản trị kinh doanh (200), Đông phương học (60), Tiếng Anh (60). CT bậc CĐ: Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử (40), Tin học (40), Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng (40), Công nghệ kỹ thuật hóa học (80), Công nghệ thực phẩm (40), Kế toán (50), Quản trị kinh doanh (50), Đông phương học (60), Tiếng Anh (60).

Trường CĐ Viễn Đông: Xét tuyển 800 CT NV2 và NV3 cho các ngành: Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tin học ứng dụng với điểm xét tuyển là 10.

Trường CĐ Xây dựng số 2: CT và điểm xét tuyển NV2 các ngành: Cấp thoát nước (40), Quản trị kinh doanh (30): 12,5; Vật liệu và cấu kiện xây dựng (50): 12.

Theo Đ.Nguyên - T.Long - M.Quyên
Thanh Niên

Hãy lựa chọn theo sở thích

Ngay sau khi rớt NV1, nhiều phụ huynh và TS đã lên các phương án cho cuộc đua tranh 20-30% chỉ tiêu vào NV2, NV3.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, “cuộc đua” này không kém phần quyết liệt và hồi hộp. Mặc dù quan điểm của Bộ GD-ĐT là không để TS có điểm cao phải rớt ĐH, nhưng thực tế vẫn có nhiều trường hợp dù điểm cao nhưng do chủ quan, không tính toán kỹ nên phải dừng bước trước “cuộc đua” vào ĐH. Thay vào đó, nhiều TS tuy điểm thi không cao lắm nhưng nhờ cân nhắc, tính toán hợp lý đã thắng cuộc.

Nhiều TS vào ĐH không bằng NV1 nhưng họ đã rất thành công trong việc học sau đó nhờ vào nỗ lực của bản thân. Bên cạnh đó, vẫn có khá nhiều TS vào ĐH thông qua con đường NV2, NV3 nhưng chỉ “tạm trú 1 năm”. Đây là một sự lãng phí vì họ học nhưng chỉ mang tâm lý tạm bợ, không tâm huyết với ngành nghề mình chọn nên không thể tập trung. Tỷ lệ sinh viên bị đình chỉ học tập rơi vào đối tượng này khá cao.

Hướng nghiệp là vấn đề lớn, TS khi chuẩn bị vào ngưỡng cửa ĐH-CĐ phải xác định các yếu tố quan trọng là sở thích - sở trường - năng khiếu. Giờ đây trong “cuộc đua” xét tuyển NV2, NV3, một lần nữa TS nên xác định rõ cái gốc của sự lựa chọn này là sở trường, năng lực cá nhân và sự phù hợp. Hãy trắc nghiệm bản thân thêm một lần nữa xem mình phù hợp với lĩnh vực nghề nghiệp nào, nên học ngành gì, ngành đó có ở trường nào, điều kiện đáp ứng và năng lực đào tạo của các trường, nhu cầu xã hội ra sao...

Thạc sĩ Trần Đình Lý
Theo Thanh Niên

MỚI - NÓNG