Đề Văn: Khối C vừa sức, khối D 'khó nhằn'

Thí sinh ra khỏi phòng thi môn Văn sáng 9/7
Thí sinh ra khỏi phòng thi môn Văn sáng 9/7
TPO- Sáng nay, 9 - 7 kì thi Đại học - Cao đẳng năm 2010 bước vào đợt thi thứ 2,  thí sinh làm bài môn Văn học (khối C, D) và môn Sinh học (khối B). Đề Văn khối C sáng nay được nhiều thí sinh đánh giá dễ hơn so với đề Văn khối D.

>> Bài giải môn Sinh học khối B, Văn học khối C, D

Đề thi vừa sức

Về đề thi môn Văn năm nay không quá khó, hầu như thí sinh sau khi thi ra đều vui vẻ, có em còn ra sớm hơn thời gian quy định gần 15 phút. “Đề thi năm nay tương đối dễ, nếu chịu khó học bài thì sẽ không được, không có câu nào phức tạp, đánh đố thí sinh”, thí sinh Nguyễn Thị Diệu (Long An, dự thi vào trường ĐH Kinh tế - Luật – ĐHQG TP.HCM).

Tại trường Đại học Luật Hà Nội, nhiều thí sinh đánh giá đề Văn năm nay khó hơn năm ngoái: “Đề này em làm chắc chỉ 6 điểm thôi. Câu nghị luận xã hội bàn bạc về đạo đức giả cần sự hiểu biết nhất định không phải thí sinh lớp 12 nào cũng có thể nói sâu sắc được”- Nguyễn Minh Đức, thi khối D cho biết.

Thí sinh Nguyễn Ngọc Anh, Hà Nội, dự thi vào Học viện Ngoại giao thì cho rằng đề không “nhạt” mà khá vừa sức, không đánh đố học sinh. Câu nghị luận xã hội còn tùy cảm nhận xã hội của mỗi người. Đây là câu sẽ biết học sinh đạt điểm cao hay thấp.

Đề thi khối D câu hỏi làm khó thí sinh nhất chính là “tác giả” bắt cảm nhận về bài thơ “Đàn Ghi-ta của Lorca” của nhà thơ Thanh Thảo. Nhiều sĩ tử nhăn nhó vì đây là một bài thơ khó cảm nhận, dù được các cô giáo cũng rất lưu ý trong quá trình học.

Nguyễn Thị Linh, ĐH Ngoại thương cho rằng câu hỏi khác ở phần thi riêng hỏi về hai hình tượng “bát cháo hành của Thị Nở” trong tác phẩm Chí Phèo và “ấm nước đầy và nước hãy còn ấm" mà nhân vật Từ dành cho Hộ trong tác phẩm Đời thừa của Nam Cao nên các bạn lựa chọn buộc phải viết dài và mất khá nhiều thời gian.

Thí sinh Nguyễn Đặng Tường (Bình Định), dự thi vào trường ĐH Kinh tế - Luật – ĐHQG TP.HCM cho biết: “Nhìn chung đề thi môn Văn năm nay vừa sức, lúc trước em nghĩ câu hỏi văn xuôi điểm sẽ rất khó nhưng đề ra cũng không khó lắm. Còn về câu lý thuyết về tác giả, tác phẩm chỉ cần có học bài là làm được”.

Dễ nhưng khó đạt điểm cao

Theo thầy Nguyễn Hữu Duyên- Giáo viên môn Văn Trung tâm luỵện thi Vĩnh Viễn TPHCM cho rằng đề thi Văn khối C vừa sức.

Câu 1 là một câu lý thuyết, thí sinh dễ làm. Câu hỏi thứ hai về nghị luận xã hội bắt thí sinh trình bày về trách nhiệm cá nhân với xã hội. Theo tôi, đây là một câu khá dễ, nếu học sinh biết quan sát thực tế sẽ viết rất sâu sắc.

Câu 3 phần a, hay b đều là những câu hỏi quen thuộc vì yêu cầu học sinh cảm nhận hai đoạn thơ của hai tác giả cũng quen thuộc là Huy Cận và Hàn Mặc Tử. Đây là dạng văn quen thuộc được học trong chương trình lớp 12. Nếu học sinh ôn tập kĩ lưỡng, thí sinh sẽ không hề ngỡ ngàng.

Câu 3 b là cảm nhận một đoạn văn trong tác phẩm “Người lái đò Sông đà” và một đoạn trong bài “Ai đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hai câu này học sinh được nhắc nhở và được ra nhiều những năm trước. Hai năm trước đây hai tác phẩm này được hỏi nhưng với nội dung khác mà thôi.

Đề Văn khối D năm nay được coi là “khó nhằn” hơn, nhất là câu nghị luận xã hội bắt thí sinh trình bày về “đạo đức giả”: “Vấn đề này sáu hơn và khó hơn câu của khối C đòi hỏi học sinh phải có một chút trải nghiệm về cuộc đời. Câu này đòi hỏi cao hơn trình độ học sinh lớp 12”- thầy Duyên cho biết.

Câu hỏi ở phần thi riêng hỏi về hai hình tượng “bát cháo hành của Thị Nở” trong tác phẩm Chí Phèo và “ấm nước đầy và nước hãy còn ấm" mà nhân vật Từ dành cho Hộ trong tác phẩm Đời thừa của Nam Cao quen thuộc với học sinh.

“Đề Văn khối D năm nay hay, có tính phân loại học sinh. Tuy nhiên, đề này khó đạt điểm cao vì học sinh khó có thể viết được đầy đủ ý. Đề thi này thí sinh đạt điểm 5 chiếm 40% số bài thi”- thầy Duyên nhận xét.

MỚI - NÓNG