Di dời các trường ra ngoại thành: Đi cũng dở, ở không xong

Mô hình quy hoạch trường ĐH FPT giai đoạn 1 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội)
Mô hình quy hoạch trường ĐH FPT giai đoạn 1 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội)
TP - Chỉ còn hơn nửa tháng nữa đến hạn các trường đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ) ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phải đăng ký với Bộ GD& ĐT kế hoạch di dời ra khỏi nội thành, nhưng nhiều trường vẫn dùng dằng.
Mô hình quy hoạch trường ĐH FPT giai đoạn 1 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội)
Mô hình quy hoạch trường ĐH FPT giai đoạn 1 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Ảnh: Hoài Anh

Khu ĐH tập trung của Hà Nội dự kiến sẽ theo nhiều mô hình: đô thị ĐH, khu ĐH và cụm trường ĐH, CĐ. Các khu ĐH tập trung được gắn kết với cảnh quan tự nhiên, cây xanh sinh thái và các giải pháp tổ chức, hình thái đô thị để tạo nên các không gian thành phố sinh thái phù hợp với môi trường đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Một số trường ĐH, CĐ sẽ di dời ra khỏi nội thành Hà Nội đến các khu ĐH tập trung dựa trên các tiêu chí: đất đai, ngành nghề đào tạo, năm thành lập và xây dựng. Trong quá trình di dời, trường ĐH công lập được hoán đổi cơ sở vật chất và mặt bằng trong nội thành để có vốn đầu tư xây dựng cơ sở mới (đổi đất lấy cơ sở vật chất mới).

Tuy nhiên, trong một cuộc họp gần đây, đại diện nhiều trường chưa đồng thuận với nhiều lý do. Có trường như ĐH Dân lập Nguyễn Trãi cho biết đã có 30 ha đất riêng để thực hiện chiến lược phát triển hợp tác đào tạo với nước ngoài nên không cần di chuyển.

Đại diện Học viện Hành chính cho biết, kinh phí đào tạo hiện còn khó khăn nên khó có thể huy động vốn để xây trường ở địa điểm mới. Một số trường đang có quỹ đất rộng rãi cũng ngại chuyển.

Trong khi đó, lãnh đạo ĐH Xây dựng cho rằng, xin được đất thì các trường vẫn khó có khả năng giải phóng mặt bằng…

Ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho biết, trường sẽ giữ nguyên địa điểm truyền thống 100 năm của mình trên phố Tôn Thất Tùng (Hà Nội) và có thêm một cơ sở 2, tọa lạc tại khu đất rộng 60 ha ở Quốc Oai (Hà Nội) với một bệnh viện đẳng cấp quốc tế. Tuy nhiên, nếu không di chuyển ngay, sau 20- 30 năm nữa khi các thành phố vệ tinh lân cận mọc lên sẽ không còn chỗ đứng cho các trường ĐH.

Đầu tư, từ đâu?

Ông Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương Hà Nội cho biết, trường sẽ xây cơ sở 2 ở Khu Đại học Phố Hiến (Hưng Yên), nhưng giống như bao trường khác, vấn đề tiền đầu tư lấy từ đâu? Địa phương hay doanh nghiệp nào có đủ sức để chi tiền làm hàng chục trường ĐH trong vòng vài năm (mỗi trường cần hàng nghìn tỷ đồng).

Theo quy hoạch chung, dự kiến Hà Nội sẽ có 8 khu ĐH tập trung, gồm Gia Lâm: 600- 650 ha với 50.000- 60.000 SV; Đông Anh: 100- 200 ha với 20.000- 30.000 SV; Sóc Sơn: 600- 650 ha với 80.000- 100.000 SV; Sơn Tây: 300-350 ha với 40.000-50.000 SV; và các khu Hòa Lạc , Xuân Mai, Phú Xuyên, Chúc Sơn với sức chứa từ hàng chục ngàn đến hàng trăm ngàn SV.

Theo ông Châu, thời gian để di dời các trường ĐH phải tính bằng 10 năm hoặc lâu hơn nữa. Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường đăng ký kế hoạch di dời nhưng các trường “chưa có gì để đăng ký”. “Có bao nhiêu đất đai? Ở đâu? Giao đất sạch hay đất cần phải thực hiện giải tỏa? Rồi chuyện kinh phí. Câu chuyện có vẻ còn đang ở rất xa”, ông Châu nói.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, việc di dời các trường là tính đến tương lai phát triển của các trường cả trăm năm sau nên chủ trương di dời là đúng đắn. Tuy nhiên, đây là việc lớn, các trường không thể tự giải quyết manh mún song nhà nước cũng không thể trang trải hết.

Ông Ga cho rằng, công cuộc tầm cỡ này cần cách tiếp cận vốn mới mẻ hơn mới có thể thực hiện, theo đó hướng đi là xã hội hóa việc xây trường, thực hiện đổi đất lấy hạ tầng, giải quyết khâu vốn.

Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội Nguyễn Đức Hinh phân tích, không thể để các trường tự lo đất, tự xây trường và thực chất các trường không làm nổi. Dẫn chứng là khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc dành đất cho ĐHQG 10 năm qua nhưng vẫn chưa triển khai được; ĐH Y tế cộng đồng sau 5 năm không giải tỏa được đất khiến nguồn viện trợ cho dự án bị hủy; ĐH Răng hàm mặt đã lập dự án xây dựng nhưng 5-6 năm nay vẫn chưa triển khai xong.

Do vậy, ông Hinh cho rằng, ngoài chủ trương xã hội hóa thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, cách làm lý tưởng là theo mô hình xây dựng Trường THPT Hà Nội-Amsterdam (Hà Nội) vừa qua: UBND thành phố xây trường, chìa khóa trao tay cho nhà trường và thu hồi lại đất cũ!

Trường tư tiên phong

Trong khi các trường công còn dùng dằng đi - ở, Đại học tư thục FPT cho biết đã có kế hoạch di dời ngay năm nay. Theo TS Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng nhà trường, từ tháng 10 - 2011, trường sẽ đưa 2.000 SV mới lên học tại Hòa Lạc (ngoại thành Hà Nội).

Trường xác định, đây là đầu tư lâu dài nên việc hoàn trả chi phí xây dựng được tính thời gian 20 - 30 năm. Việc di chuyển trước mắt sẽ có khó khăn trong việc tổ chức ăn, ở và các dịch vụ khác cho cán bộ giảng viên và sinh viên, vì đây là một khu mới, không thể sẵn dịch vụ như nội đô được.

Tin từ Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, dù đơn vị này là cơ quan nhận kế hoạch di dời của các trường ĐH, CĐ, nhưng đến ngày 11 - 1, vẫn chưa có trường nào nộp kế hoạch. Một số bệnh viện đã nộp kế hoạch di chuyển, nhưng vẫn chưa cụ thể.

Hoàng Tuân

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG