Đóng góp đầu năm vắt kiệt sinh viên

Đóng góp đầu năm vắt kiệt sinh viên
TP - Học phí, tiền thuê nhà và quá trình đi săn lùng nơi ở đầu năm đã làm kiệt sức nhiều tân sinh viên. Đến nỗi, trên Facebook, một sinh viên thốt lên: “Đóng học phí và tiền nhà xong, thành VÔ SẢN”.

Cha mẹ học sinh đóng góp đầu năm học: Phải là tự nguyện
> Cha mẹ học sinh...bóp bụng

Người bình luận trên facebook có tên Lê Sáng. Người này cho biết đã có một bằng đại học và hiện đang học lấy thêm một văn bằng 2 ngành sư phạm tiếng Anh.

Đầu năm học mới của năm thứ nhất, Sáng nộp 4.000.000 đồng tiền học phí, tiền thuê nhà trọ 1.000.000 đồng/tháng. Sáng giải thích thêm: Với túi tiền không nặng nên dạt về ngoại thành ở cho rẻ, mới có giá 1.000.000 đồng cho căn phòng 12m2.

Anh tân sinh viên văn bằng 2 này còn may mắn là đồng lương viên chức nhỉnh hơn 2 triệu đồng mỗi tháng (kể cả tiền trợ cấp) do đã làm việc được gần 2 năm cho một cơ quan. Lê Sáng miêu tả cuộc sống của mình ngắn gọn: “Dài lưng làm thêm; cắm cúi học hành; tháng tháng về xin gạo mẹ để tự nấu ăn, giảm chi phí; bữa sáng hằng ngày bao gồm thuốc đánh răng và nước lọc”.

Em trai của Lê Sáng, bạn Lê Quyết, một tân sinh viên khoa CNTT cũng đóng các khoản đầu năm gần 4 triệu đồng.

Chị Trần Thị Hương ở Nam Định có 2 con đi học ĐH, mỗi đứa cũng đóng từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng đầu năm học. Đặc biệt, có trường thu tiền ở ký túc xá liền một năm hết 3.900.790 đồng ngoài các khoản khác, khiến một trong 2 người con của chị phải về nhà họ hàng ở nhờ để đỡ một phần gánh nặng cho gia đình.

Một tân sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội (ĐHNT) tên P. nói với phóng viên Tiền Phong với giọng còn cảm, sốt - kết quả của nhiều ngày đi săn tìm nơi ở: “Tốn tiền đã đành nhưng đi tìm nhà trọ còn khốn khổ hơn nhiều”.

Theo lời kể của anh T.P, đa phần dân sinh viên tìm địa chỉ thuê nhà trên mạng nhưng trong 10 nơi ở chỉ có 2 nơi là của chính chủ thông thường đến nơi đã bị thuê mất.

Ký túc xá thiếu, nhà trọ quá tải, nhưng sinh viên còn phải cạnh tranh với một lực lượng lớn các lao động ngoại tỉnh hoặc các cử nhân sau khi tốt nghiệp công tác tại Hà Nội. Tại nhà số 16A, ngõ 201 Cầu Giấy, trong một dãy nhà trọ cho thuê mỗi phòng khoảng 10m2 với giá 1 triệu đồng/tháng, ngoài sinh viên còn có cả những cặp vợ chồng thuê trọ với tiếng trẻ ríu ran. Nguyễn Cảnh Luân, một cử nhân mới tốt nghiệp cho hay, anh cũng đã tìm nhà nhiều và thay đổi tới 15 chỗ ở!

Khi được phỏng vấn nhiều bậc cha mẹ cũng cho rằng, đóng góp đầu năm đối với sinh viên cũng “nóng” chẳng kém gì đóng góp của các trường phổ thông đang gây bức xúc cho dư luận hiện nay. Có trường thu cả tiền nước sinh hoạt đến 130.000 đồng khi sinh viên đi tập quân sự (ngoài tiền bảo hiểm, tiền nước uống, tiền vệ sinh); hoặc có trường thu cả năm tiền ký túc xá một lần khiến cho gánh nặng đầu năm học của các gia đình càng nặng thêm.

Về vấn đề ký túc xá cho sinh viên, theo ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó GĐ ĐHQG TPHCM, nhờ vận động rất tốt phong trào xã hội hóa, các tỉnh lân cận khu vực TP.HCM bỏ kinh phí xây ký túc xá cho con em mình theo học tại TP.HCM, từ đó, chuyện nhà ở cho sinh viên đỡ căng thẳng hơn ở Hà Nội rất nhiều. H.T

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG