Giáo viên 'đỏ mắt' chờ phụ cấp thâm niên

Giáo viên là nghề cao quý, và ở nhiều nơi, phụ cấp thâm niên đang được thầy cô chờ đợi. Ảnh: Hồng Vĩnh
Giáo viên là nghề cao quý, và ở nhiều nơi, phụ cấp thâm niên đang được thầy cô chờ đợi. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Lẽ ra hơn một tuần trước, giáo viên đã đuợc hưởng phụ cấp thâm niên. Nhưng họ chưa có được niềm vui đó.

> Giáo viên sẽ được truy lĩnh phụ cấp thâm niên

Giáo viên là nghề cao quý, và ở nhiều nơi, phụ cấp thâm niên đang được thầy cô chờ đợi. Ảnh: Hồng Vĩnh
Giáo viên là nghề cao quý, và ở nhiều nơi, phụ cấp thâm niên đang được thầy cô chờ đợi. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Theo thông tư liên tịch của các bộ liên quan hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 54/NĐ – CP, thông tư này có hiệu lực thi hành từ 20-2-2012. Tuy nhiên, đến nay, nhiều địa phương cho biết việc thực hiện chi trả phụ cấp thâm niên cho giáo viên đang chờ hướng dẫn của trung ương.

Lương giáo viên có thể đạt 6 - 7 triệu đồng

Cô Nguyễn N.H là giáo viên trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội và đã có 34 năm đứng lớp. Hiện tại cô N.H hưởng lương hệ số 4,98 – hệ số cao nhất trong thang bảng lương giáo viên. Nhưng tính cả hệ số đứng lớp (30%), lương của cô mỗi tháng được hơn 4,5 triệu đồng (đã trừ các khoản bảo hiểm). Nếu chính sách phụ cấp thâm niên được thực thi, mỗi tháng cô N.H sẽ được lĩnh gần 7 triệu đồng.

“Tôi chỉ còn mấy tháng nữa là về hưu. Dạo chưa có thông tin gì về phụ cấp thâm niên, khi cô kế toán ở trường tính giúp, lương hưu của tôi khoảng 3,5 triệu đồng/ tháng, tôi buồn quá. Tôi hy vọng phụ cấp thâm niên sẽ khiến lương hưu đỡ hẻo”, cô N.H chia sẻ.

Số giáo viên có thâm niên công tác lâu năm như cô N.H không nhiều. Ở nhiều trường phổ thông, lực lượng giáo viên trẻ về tuổi nghề vẫn là đa số. “Số giáo viên mới vào nghề 10 – 15 năm khá nhiều, có mức lương khoảng từ 3 triệu đến 3,5 triệu (kể cả 30% phụ cấp đứng lớp).

Với chính sách thâm niên, mỗi thầy cô này được thêm khoảng 700 – 800 nghìn đồng/ tháng, nếu tính toán chi li thì không ăn thua nhưng ai cũng nhận thức được giá trị của chính sách thâm niên là ở chỗ giáo viên càng cao niên càng được hưởng lợi. Và như vậy các thầy cô ai cũng yên tâm rồi cũng sẽ đến lượt mình nếu còn ở lại trong ngành”, thầy Nguyễn Quốc Thắng, Hiệu trưởng trường THPT Hai Bà Trưng – Đoàn Kết, Hà Nội nhận xét.

Tuy nhiên, những tính toán trên mới chỉ là việc “đếm cua trong lỗ” vì cho đến thời điểm này, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục ở Hà Nội chưa hề được nhận một hướng dẫn thực hiện chế độ thâm niên nào.

Dài cổ chờ thông tư

Tin vui nhà giáo sẽ có chế độ phụ cấp thâm niên đã loang ra trên diện rộng từ khoảng hơn 2 năm nay. Dịp 20-11-2010, trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong, ông Trần Kim Tự, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ GD&ĐT cho biết ngay trong tháng 11 năm đó, Bộ sẽ hoàn tất hồ sơ để trình Chính phủ dự thảo nghị định về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.

Hơn bảy tháng sau, tức ngày 4-7-2011 nghị định này mới được ban hành. Từ bấy đến nay, giáo viên vẫn dài cổ chờ phụ cấp thâm niên vì các địa phương phải chờ hướng dẫn của các bộ liên quan, còn các Sở thì phải chờ chỉ đạo của chính quyền địa phương.

Trao đổi với Tiền Phong chiều 28-2, bà Trần Minh Trang, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hôm qua Sở mới nhận được thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định 54 của liên Bộ GD & ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ LĐTB & XH (ký ngày 31-12- 2011) do UBND thành phố chuyển về. Vì thế Hà Nội chưa thể trả lời câu hỏi thời điểm nào giáo viên Hà Nội sẽ bắt đầu được nhận phụ cấp thâm niên!

Dù thông tư hướng dẫn ký từ cách đây gần hai tháng nhưng cách đây khoảng chục ngày, thông tư mới được đẩy lên trang web của Bộ GD&ĐT. Nhiều địa phương khác như Cao Bằng, Hà Nam, Hưng Yên, Ninh Bình… khi được hỏi đều cho biết là họ vẫn chờ… thông tư hướng dẫn chính thức theo đường công văn. Song nói chung lãnh đạo các Sở GD&ĐT đều lạc quan dù các hướng dẫn có chậm trễ.

“Đã có chính sách rồi, sớm muộn gì cũng sẽ được lĩnh. Chi trả muộn thì các thầy cô vẫn được truy lĩnh từ 1-5 – 2011”, ông Trịnh Hữu Khang, Giám đốc Sở GD&ĐT Cao Bằng cho biết.

Nhưng cũng có những nơi đã linh động giải quyết để giáo viên được lĩnh tạm ứng tiền phụ cấp thâm niên. Ông Nguyễn Văn Khoát, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nam cho biết, Hà Nam đã trả tiền chế độ phụ cấp thâm niên cho giáo viên từ tháng 1-2012: “Xác định đây là vấn đề an sinh và trước sau gì ngân sách nhà nước cũng phải chi, nên tỉnh Hà Nam cho phép các cơ sở giáo dục tạm tính theo tinh thần nghị định 54, trên cơ sở đó chi tạm ứng. Bao giờ có thông tư hướng dẫn của liên bộ, tỉnh sẽ ra quyết định chính thức”.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Kim Tự, Vụ trưởng Vụ tổ chức Cán bộ, Bộ GD&ĐT cho rằng, việc thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định 54 đến với các địa phương sớm hay muộn không gây khó khăn cho các tỉnh/ thành khi triển khai nghị định. “Nghị định 54 là nghị định được xem có nội dung cụ thể nhất về đối tượng được chi trả phụ cấp. Tôi được biết các địa phương đều đã làm sẵn dự toán, chỉ chờ khi thông tư có hiệu lực là chi”, ông Tự cho biết.

Trước thắc mắc của nhiều giáo viên về thời điểm và đối tượng được chi trả phụ cấp thâm niên, ông Trần Kim Tự giải thích: Thời điểm nhà giáo được chi trả phụ cấp thâm niên được tính từ 1-5- 2011. Do đó nhà giáo nghỉ hưu trước ngày 1-5-2011 sẽ không được tính hưởng phụ cấp. Nhà giáo nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ 1-5-2011 đến 20-2-2012 (thời điểm thông tư liên bộ có hiệu lực) vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên.

Cũng theo ông Tự, để giúp giáo viên nghỉ hưu trước ngày 1-5-2011 bớt thiệt thòi, năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ soạn thảo một văn bản trình Chính phủ về việc trợ cấp cho các nhà giáo không được hưởng phụ cấp thâm niên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.