Hóa “khó nhằn”, Anh văn... chuẩn, Địa... dài

Thí sinh khối D hớn hở sau môn thi Ngoại ngữ
Thí sinh khối D hớn hở sau môn thi Ngoại ngữ
TPO- Thi xong môn Hóa của khối B nhiều thí sinh cho rằng đề khó hơn cả khối A còn đề tiếng Anh ra... chuẩn, phân loại được học sinh. Đề Địa lý thì dài nhưng không khó.

Sáng nay thi xong môn Ngoại ngữ, nhiều thí sinh rời phòng thi với tâm trạng nhẹ nhõm vì làm ngon lành ít nhất ¾ bài.

Thí sinh Trần Hoàng Long (Hà Nội) cho rằng: “Đề thi vừa phải, có khoảng hơn 10 câu khó phân loại thí sinh. Dạng nào cũng có 1 vài câu khó và nhìn chung khó hơn năm ngoái. Em làm ít nhất được 8 điểm”.

Nguyễn Bảo Long thi ĐH Ngoại Thương cho biết: “Đề cũng bình thường, vài câu khó thì em làm mất nhiều thời gian hơn một chút. Bài này em đạt từ 8-8,5 điểm”.

Thùy Trang (Hà Nội) thì cho rằng đề năm nay quá dễ và điểm chuẩn có thể sẽ cao hơn: “Đề năm nay dễ hơn mọi năm, phần ngữ pháp thì quá dễ. Khối D năm nay chỉ môn Toán hơi khó thôi, còn lại thì bình thường”.

Hoàng Văn Minh (Bắc Ninh) thi Học viện Quan hệ quốc tế thì cho rằng trong 3 môn, em môn nào cũng khó hơn năm ngoái: “Đề này khó hơn năm ngoái, em chỉ làm được 60-65% bài thôi”.

Thí sinh Ngọc Anh (Hưng Yên) cho rằng đề vừa tầm : “Em làm được 90%, có vài câu khó chỉ dành cho học sinh giỏi”.

Theo Cô Nguyễn Thị Thanh Xuân- Giáo viên Trung tâm Luyện thi Vĩnh Viễn TPHCM cho rằng đề môn ngoại ngữ năm nay rộng, chuẩn và có khả năng phân loại được học sinh. Phần về từ vựng dễ, câu hỏi ở phần đọc không đánh đố với đề tài về môi trường, văn học, không đi vào chuyên môn như mấy năm trước.

Phần về cấu trúc ngữ pháp bao quát, có cả những câu có cấu trúc nâng cao nếu thí sinh không đọc nhiều thì sẽ không hiểu và làm bài được.

Cô Xuân cũng cho rằng, để này học sinh lấy 5 điểm không hề đơn giản, phải là những học sinh trung bình khá mới làm được số điểm này. Điểm 9-10 có nhưng ít, tối đa chỉ 10% thí sinh đạt được.

“Đề 80 câu nhưng có 15-20 câu phân hóa học sinh, số câu dễ ăn điểm khoảng 60% nhưng cũng không phải ra đáp án được ngay”- cô Xuân nhận xét.

Môn Hóa: khó hơn khối A, tính toán quá nhiều

Đề Hóa khối B sáng nay được thí sinh đánh giá là hơi dài, tính toán nhiều nên đòi hỏi có kỹ năng làm bài cao.

Tại trường ĐH Y Hà Nội, Trần Quỳnh Liên cho rằng đề hơi khó, có khoảng 10 câu chỉ dành cho học sinh khá giỏi: “Đề này em giỏi lắm chỉ đạt được 6 điểm thôi. Nhiều câu tính toán không ra nổi”.

Thí sinh Phan Thị Hương Giang, Nam Định cho biết: “Đề năm nay dài, quá nhiều câu hỏi bài tập. Không làm nhanh thì chắc chỉ làm được non nửa”.

Đồng Anh Tuấn, Thanh Hóa thì lại lo lắng không phải bởi đề thi Hóa mà sợ điểm chuẩn trường Y cao như mọi năm thì gần như không có cơ may đỗ.

“Đề nhiều câu bài tập quá, đề khó hơn cả khối A, hy vọng điểm chuẩn sẽ thấp hơn năm ngóai thì em mới có cơ may đỗ chứ bằng mọi năm thì... teo”, Tuấn lo lắng tâm sự.

Theo thầy Nguyễn Tấn Trung- Giảng viên Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn cho rằng đề Hóa năm nay bắt tính toán nhiều, nếu thí sinh bình tĩnh, tập trung cao mới có thể giải được hết.

Câu hỏi về lý thuyết hay, “tác giả” ngụy trang kĩ, ít khi nhìn vào là giải được ngay mà tính toán kĩ mới ra kết quả. Đề này tương đương với một đề tự luận và khó hơn đề khối A. Có hơn 70% câu hỏi cần tính toán.

Đề này nếu thí sinh không có kĩ năng giải thì không thể làm hết trong thời gian 90 phút. Thí sinh đạt điểm cao là người biết làm từ câu hỏi dễ đến câu khó hơn, sau rà soát lại. Nhiều câu hỏi phải dành ít nhất 5-7 phút mới có thể làm được, nhưng có những câu thí sinh dễ dàng chọn được đáp án đúng nhờ phương pháp loại trừ

Trong đề có 12 đến 13 câu hỏi khó mà chỉ thí sinh giỏi mới làm được như những câu 16,17 cần tính toán và câu 22 thì đề cho không rõ ràng lắm. Các câu dễ ăn điểm như câu 1, 4, 5, 11, 19 (mã đề 174).

“Điểm dưới trung bình sẽ không ít. Điểm 5 chắc phải học sinh khá mới đạt được, điểm 9-10 ít”- thầy Trung nhận định.

Đề Địa Lý: Dài nhưng không khó

Hầu hết thí sinh tại Hà Nội nhận định môn Địa lý khối C dài nhưng lại không khó lắm. Nhiều thí sinh đều làm được và không phải bỏ câu nào.

Nhận định chung của các thí sinh là đề Địa lý khá dài, với 3 câu lý thuyết nhưng rất nhiều ý nhỏ vì thế thí sinh cũng phải mất một khoảng thời gian tương đối mới giải quyết hết được.

Trong khi đó, 1 câu bài tập cũng tương đối dễ. So với đề năm trước, các thí sinh cho rằng, đề năm nay nhẹ hơn.

Theo cô Đặng Thị Thiếu Huyền, Giáo viên trường trung học thực hành, ĐH Sư phạm TP HCM cho rằng đề Địa lý năm nay bám sát chương trình sách giáo khoa, rải đều từ đầu chương trình đến cuối chương trình.

Đề yêu cầu thí sinh nắm vững kiến thức mới có thể làm được. Câu 1 và 2 dễ còn câu 3 và câu 4 có sự phân hóa thí sinh. Câu 3 vẽ biểu đồ và nhận xét biểu đồ nhưng chắc thí sinh sẽ làm được vì câu hỏi không quá đánh đố. Cả hai câu này cần thí sinh phải biết tổng hợp, phân tích và so sánh khi làm bài.

“Đề tương đối dễ so với năm ngoái, điểm khá sẽ nhiều nhưng điểm 9-10 thì ít vì thí sinh dễ đánh mất ý nếu không học bài thật kĩ và có kĩ năng làm bài”- cô Huyền nhận định.

MỚI - NÓNG