Ngành 'hot' và hệ lụy

Ngành 'hot' và hệ lụy
TP - Hiện nay, các cơ sở đào tạo ở nước ta đang đua nhau chạy theo thị hiếu của thí sinh để mở ngành hot. Trong số 488 cơ sở đào tạo ĐH, CĐ hiện có, thì có đến 360 cơ sở có đào tạo ngành Quản trị kinh doanh, 298 cơ sở mở ngành kế toán, 297 cơ sở mở ngành CNTT,193 cơ sở đào tạo ngành Tài chính- Ngân hàng…

 >> Tuyển sinh đại học lại năm sau cao hơn năm trước
 >> Trường lớn cũng khó tuyển sinh
 >> Bỏ đợt thi riêng, các trường cao đẳng lo lép vế

Vì là ngành hot nên những ngành kể trên lúc nào cũng nườm nượp sinh viên. Ngược lại, nhiều ngành truyền thống ở cả những trường ĐH lớn lại rơi vào tình trạng hiu hắt. Đến nỗi, nhiều cơ sở đạo tạo không giữ nổi những ngành đặc thù được xem là thế mạnh của mình.

Ví dụ, thế mạnh của ĐH Nông lâm TPHCM chính là những ngành liên quan đến nông- lâm- ngư. Thế nhưng, trong mùa tuyển sinh vừa qua, dù tuyển tới 3 nguyện vọng với điểm chuẩn gần như bằng điểm sàn nhưng nhiều ngành thuộc khối Nông - Lâm - Ngư nghiệp vẫn không đủ chỉ tiêu.

Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh về nông nghiệp. Thế nhưng các ngành trồng trọt và nuôi trồng thủy sản của Trường ĐH An Giang mỗi ngành có chưa tới 10 thí sinh đến nhập học. ĐH Đồng Tháp cũng đã phải đóng cửa một số ngành đặc thù. ĐH Đà Lạt cũng chính thức gạch tên ngành Nông học.

Thế mạnh của ĐH Điện lực là ngành Hệ thống điện, Quản lý năng lượng… nhưng những ngành này tuyển sinh trầy trật, trong lúc các ngành phụ của các trường như Kinh tế, Tài chính thì lúc nào cũng hot.

Tương tự, thế mạnh của ĐH Văn hóa là những ngành liên quan đến văn hóa nhưng tất cả các ngành học này đều khó tuyển sinh, phải vét đến nguyện vọng 3 mà vẫn thiếu sinh viên.

Ở ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), ngành Sinh học chỉ có 30% thí sinh trúng tuyển đến nhập học, ngành Địa chất và Công nghệ môi trường có chưa đến 40% thí sinh đến nhập học. Trường ĐH uy tín như ĐH Bách khoa TPHCM cũng có một số ngành thí sinh chê, không đến nhập học như ngành: Công nghệ hóa - Thực phẩm - Sinh học, CNTT…

Thạc sỹ Trần Đình Lý- Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ Doanh nghiệp ĐH Nông Lâm TPHCM thốt lên: Những ngành khó tuyển sinh lại là những ngành dễ kiếm việc làm!

Đơn cử như ngành Cơ khí chế biến nông sản - thực phẩm của trường ĐH Nông Lâm TPHCM. Từ năm 1998 đến nay đã có 500 sinh viên tốt nghiệp và 100% sinh viên đều có việc làm ngay sau khi ra trường, đáp ứng nhu cầu rất lớn cho thị trường lao động và sẽ còn “hút” nhân lực trong tương lai nhưng nghịch lý ở chỗ ngành này lại luôn trong tình trạng thiếu sinh viên đào tạo.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thư - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM cũng có ý kiến: Việc tuyển không đủ chỉ tiêu một số ngành là do nhận thức về nghề nghiệp của người học hiện nay chưa đúng. Ông Thư dẫn chứng các ngành như: Máy xây dựng, Cơ khí hóa xếp dỡ... nghe tên có vẻ không hấp dẫn nhưng thực ra là những ngành rất dễ kiếm việc làm. Hiện có nhiều doanh nghiệp đến đăng ký tuyển dụng với mức lương rất cao nhưng không có người để tuyển dụng.

Rõ ràng, việc quy hoạch, quản lý và mở ngành đào tạo hiện nay đang bị bỏ ngỏ, mạnh trường nào trường nấy làm. Các trường đang chạy đua để chiều theo thị hiếu của thí sinh hơn là đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội. Nếu không kịp thời điều chỉnh, cán cân cung- cầu nguồn nhân lực ngày càng mất cân đối, hệ lụy đến sự phát triển của đời sống kinh tế- xã hội là tất yếu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG