Nghịch lý xét tuyển nguyện vọng 2

Tân sinh viên ĐH Ngoại thương bắt đầu nhập học. Ảnh: Hồ Thu
Tân sinh viên ĐH Ngoại thương bắt đầu nhập học. Ảnh: Hồ Thu
TP - Các trường tuyển nguyện vọng 2 vẫn đang chờ thí sinh. Trong khi có một lượng lớn thí sinh đạt điểm cao đứng ngoài cổng trường đại học.

> Nơi 'bội thu', chỗ 'lèo tèo' hồ sơ xét tuyển NV2

Tân sinh viên ĐH Ngoại thương bắt đầu nhập học. Ảnh: Hồ Thu
Tân sinh viên ĐH Ngoại thương bắt đầu nhập học. Ảnh: Hồ Thu.
 

Đại học Thái Nguyên còn 4.000 đến 5.000 chỉ tiêu để gọi thí sinh vào học theo nguyện vọng 2 (NV2). Ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐHTN cho biết: các ngành như kỹ thuật công nghiệp, cơ khí điện; công nghệ viễn thông sẽ nhận đơn xét tuyển từ điểm sàn trở lên (khối A) và thí sinh sẽ có cơ hội đỗ cao; các ngành nông-lâm-ngư đã được áp dụng Điều 33 của quy chế tuyển sinh tuy nhiên, có những ngành đã áp dụng vẫn chưa tuyển đủ như: cây trồng, nông học, hoa viên cây cảnh, công nghệ thực phẩm công nghệ sau thu hoạch, chăn nuôi thú y, thú y, quản lý tài nguyên rừng, nông lâm kết hợp.

Ông Vui nhấn mạnh: thí sinh có điểm sàn trở lên là có cơ hội đỗ các ngành này. Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ HN còn 800 chỉ tiêu và điểm nhận hồ sơ NV2 chỉ từ điểm sàn và thí sinh có thể học những ngành như: xây dựng, điện, điện tử, kiến trúc… Viện ĐH Mở HN còn 600 chỗ tuyển cho các thí sinh thi khối A vào 3 ngành: tin, điện tử, luật (mỗi ngành là 200) từ điểm sàn (13,0 điểm).

Ngoài ra, trường này còn tuyển 50 chỉ tiêu ngành công nghệ sinh học khối B với điểm xét tuyển từ điểm sàn (15,0 điểm). ĐHDL Phương Đông tuyển gần 2.000 chỉ tiêu kể cả hệ CĐ (sau 2 ngày trường này đã nhận được 400 đơn đăng ký dự xét tuyển). ĐH Lâm nghiệp Xuân Mai nhận từ điểm sàn trở lên với số 800-900 chỉ tiêu NV2. ĐH quốc tế Bắc Hà tuyển 480 (300 ĐH; 180 chỉ tiêu CĐ liên thông lên ĐH) với điểm tuyển từ sàn.

20-24 điểm vẫn chấp nhận thi lại

Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ còn có khá nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn đứng ngoài cổng trường ĐH. Chẳng hạn, tại Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, có khoảng 1.000 SV đạt từ 20 đến 24 điểm trượt NV1. Số thí sinh này sẽ đi đâu? Trả lời câu hỏi này, một cán bộ nhà trường nói: “Nhiều thí sinh cho biết sẽ chấp nhận học hệ cao đẳng của chính Trường ĐH Ngoại thương để được liên thông lên ĐH; một số khác có điều kiện thì đi du học hoặc học hệ liên kết. Cũng có những thí sinh cho biết sẽ đi học theo NV2 nhưng rồi cũng sẽ… thi lại”.

Một quan chức của Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT đã tổng hợp xong số liệu của tất cả các trường có tuyển NV2 trên cả nước. Thí sinh cần căn cứ vào toàn cảnh NV2 trên cả nước, cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ xét tuyển NV2.

Các trường ĐH có trách nhiệm cập nhật các thông tin về việc xét tuyển NV2 và đưa lên trang web của trường. Thời hạn tuyển NV2 còn rất dài (25- 8 đến 15-9), thí sinh không nên vội vàng dù được rút hồ sơ nhưng nếu nộp vào lấy ra nhiều lần sẽ mất thời gian.

Theo ông Đỗ Thanh Duy, chuyên viên Vụ Giáo dục đại học- Bộ GD&ĐT, thí sinh nên dựa vào các thông số, tên ngành, chỉ tiêu, khối thi, điểm xét tuyển để cân nhắc và theo dõi thường xuyên thông tin trên mạng của các trường.

(Điều 33 nhằm tạo điều kiện cho các trường ĐH vùng và ĐH đóng trên địa bàn khó khăn tuyển đủ chỉ tiêu để phục vụ việc đào tạo nguồn nhân lực địa phương. Theo đó quy định mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng ưu tiên là 1 điểm, giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 điểm).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG