Ngô Bảo Châu một năm sau giải thưởng

Ngô Bảo Châu một năm sau giải thưởng
TP - Một năm kể từ khi Ngô Bảo Châu bước lên bục vinh quang nhận giải thưởng Fields, đó cũng là thời gian dày đặc những thị phi đến với anh. Nhưng Ngô Bảo Châu nói, anh tin ở con người...

Ngô Bảo Châu một năm sau giải thưởng

Giáo sư Ngô Bảo Châu và tủ sách Cánh cửa mở rộng
> GS Ngô Bảo Châu giao lưu với Thủ khoa Hà Nội

1. Nhờ một duyên may, tôi được tham gia buổi gặp mặt Ngô Bảo Châu cùng gia đình với một số người thân quen nhân ngày kỷ niệm một năm anh bước lên bục vinh quang nhận giải thưởng Fields 2010 - 19/8. Đứng ra tổ chức cuộc gặp gỡ này là một số anh em thân thiết với Ngô Bảo Châu trong cộng đồng toán học.

Trong số những người tham dự cuộc gặp có thầy Phạm Hùng, người thầy dạy Toán sống trong căn phòng 8m2 lúc nào cũng nghi ngút khói thuốc bắc mà Ngô Bảo Châu nhắc đến trong diễn văn anh đọc tại Mỹ Đình (Hà Nội) ngày 29-8 năm ngoái, và một số thầy giáo cũ của anh hồi ở chuyên Toán Tổng hợp. Ngoài ra còn có GS Trần Văn Nhung cùng phu nhân, anh Lê Tuấn Hoa, một vài anh bạn hay làm việc cùng bên Bộ GD&ĐT…Gia đình Ngô Bảo Châu thì đủ “tam đại đồng đường”: ông bà nội, bố mẹ, các con.

Người ngoài nếu có cơ hội quan sát cuộc gặp mặt sẽ khó mà ngờ đó là một tiệc vui kỷ niệm sự kiện trọng đại của một nhân vật mà giờ đây mức độ nổi tiếng được liệt vào số 1 ở Việt Nam! Không hoa. Không diễn văn. Không vỗ tay. Chỉ thi thoảng có tiếng cụng ly lanh canh. Rồi tiếng người lớn rì rầm nói chuyện. Rồi bóng trẻ con chạy đi chạy lại… Ngô Bảo Châu mặt ửng đỏ (do Sâm banh và rượu vang), cười rạng rỡ, đầu gật gù khi nghe thầy Hùng và thầy Lương mời anh ngày 4-9 này về dự lễ khai giảng ở trường chuyên.

Giải Fields 2010 là cái cớ để mọi người tụ họp, nhưng hầu như suốt tiệc rượu, không một ai nhắc đến nó. Thậm chí, ngay cả chiều hôm đó, trong suốt cuộc gặp gỡ gần 2 tiếng đồng hồ với các phóng viên tại phòng họp tầng 7 Thư viện Tạ Quang Bửu trường ĐH Bách khoa Hà Nội, những người chủ trì cuộc gặp bên Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán cũng không một lần đưa ra lời chúc tụng như thường thấy.

Cánh phóng viên tuy chộn rộn, song cũng chỉ thì thào với nhau. Dù gì cũng là một sự kiện mang lại niềm phấn chấn cho công chúng trong suốt một thời gian khá dài, lại chỉ mới diễn ra trước đó có một năm. Phải chăng giới khoa học là vậy, luôn lạnh lùng quay lưng trước những gì họ cho là phù du?

Tôi đem thắc mắc đó hỏi riêng Ngô Bảo Châu, anh cười: “Giải thưởng đó với anh rất quý giá, anh trân trọng nó nhưng anh thấy rằng, với những điều quý giá, mình nên giữ cho riêng mình, càng ít nói tới nó càng tốt. Thành tựu là một thứ không nên đưa ra để nhấm nháp. Điều quan trọng là sau giải thưởng, mình phải làm gì để chuyển biến những thứ tồn tại trong tiềm thức của mình thành một thực thể”.

GS Ngô Bảo Châu giảng bài tại Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán
GS Ngô Bảo Châu giảng bài tại Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán. Ảnh: Nguyễn Chu Gia Vương

2. Sau giải thưởng Fields 2010 là một thời gian không mấy dễ chịu với Ngô Bảo Châu. Trong đời mình, anh chưa bao giờ phải chịu những thị phi dồn dập đến nhường vậy! Khi nghe phong thanh Ngô Bảo Châu sẽ nhận giải thưởng, niềm hoan hỉ của công chúng (ngoài đời thực và trên mạng) tỉ lệ thuận với độ quyết liệt của “cuộc chiến” giành giật Ngô Bảo Châu đứng về “phe” mình trên cộng đồng mạng. Và đó là nguồn cơn cho mọi thị phi!

Thoạt tiên nhiều người giễu cợt ý tưởng thành lập Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán cũng như cười nhạo những ai cho rằng Ngô Bảo Châu có thể giữ một vị trí quan trọng trong viện. Đồng thời họ tán tụng, “ve vãn” Ngô Bảo Châu, vận động Ngô Bảo Châu “đừng dây với hủi”.

Trong “chiến dịch” truyền thông của cộng đồng mạng nhằm “chinh phục” Ngô Bảo Châu, cả hai “phe” đều hí hửng ngỡ Ngô Bảo Châu rồi sẽ đứng về phía mình khi anh tuyên bố: “Bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do”.

Câu nói này ngay lập tức được phát tán trong cộng đồng mạng với tốc độ chóng mặt. Đâu đâu người ta cũng trích dẫn và nhờ nó, trên các diễn đàn, Ngô Bảo Châu được phong danh hiệu triết gia xuất sắc. Dĩ nhiên, vẫn có một số người không “tâm phục khẩu phục” Ngô Bảo Châu. Họ phân tích, diễn giải rồi quy chụp Ngô Bảo Châu là láo lếu với chính cha mẹ mình khi mà ông bà Ngô Huy Cẩn đều là những người “lề phải”.

Càng về sau, những người có tư tưởng đối lập chính quyền trên các trang mạng ngày càng cụt hứng bởi những thông tin báo chí trong nước (mà họ gọi là “lề phải”) viết về những gì liên quan tới Ngô Bảo Châu. Nguyên việc Ngô Bảo Châu tham gia lễ đón tiếp anh mà nhà nước tổ chức tại Mỹ Đình đêm 29-8-2010 cũng khiến bao người không vui. Có người gọi sự kiện đó là “đám cưới” giữa cô dâu Miss Hoàn vũ Ngô Bảo Châu và chú rể già nua “cộng sản gộc” Hà Nội.

Cũng từ sự kiện này nảy sinh cuộc tranh luận thành công của Ngô Bảo Châu là thuộc về nước nào, Pháp hay Việt Nam! Có người tỏ ra phẫn nộ khi giới truyền thông trong nước quá ưu ái Ngô Bảo Châu, dành quá nhiều tài nguyên để đăng tin/bài về anh. Họ cho đó là không bình đẳng, là sự xúc phạm, sỉ nhục với các nhà khoa học trong nước khi giới khoa học thì đông đảo mà chỉ một người được vinh danh.

Không khí trên các trang mạng tạm lắng lại sau khi Ngô Bảo Châu cùng gia đình sang Mỹ. Nhưng đốm lửa nhỏ chợt bùng lên khi có tin Ngô Bảo Châu nhận căn hộ công vụ của Chính phủ. Những chỉ trích dữ dội ào đến từ tứ phía, thậm chí ngay cả trên trang mạng của những người trước đây vốn được xem có mối quan hệ bạn bè với Ngô Bảo Châu.

Hết thị phi này đến thị phi khác, và giọt nước tràn li (khiến Ngô Bảo Châu phải đóng cửa blog Thích Học Toán) liên quan tới bài viết bình luận ngắn của anh về sự kiện Tòa án Nhân dân tối cao xử ông Cù Huy Hà Vũ. Ngay sau khi anh đẩy bài lên blog, cộng đồng mạng trào sôi những đợt sóng hỗn tạp.

Bên cạnh những lời tâng bốc Ngô Bảo Châu lên đến mây xanh là những dòng chữ công kích, thóa mạ anh. Việc Ngô Bảo Châu đóng cửa blog chỉ mấy ngày sau đó càng dấy lên nhiều nghi ngờ đồn đoán. Thái độ của cộng đồng mạng, đặc biệt là từ những trang chống đối chính quyền, dè dặt hơn khi bình luận về Ngô Bảo Châu, mặc dù dường như có ai đó vẫn đợi “tin xấu”.

Tâm lý chờ đợi đó có cơ hội bùng nổ khi một tháng sau, bài báo của Quý Thanh trên báo Công an Nhân dân với tiêu đề “Về sự ngộ nhận của giáo sư Ngô Bảo Châu” xuất hiện. Sự hỉ hả in đậm trong những lời bình luận sôi nổi, tựa hồ như thiên hạ đang được chứng kiến cảnh một cặp đôi lứa mà chọ cho là không xứng đôi dắt nhau ra tòa li dị.

GS Ngô Bảo Châu tặng chữ ký cho fans hâm mộ (sinh viên trường ĐH Quốc gia Hà Nội)
GS Ngô Bảo Châu tặng chữ ký cho fans hâm mộ (sinh viên trường ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Quý Hiên

3. Tôi không biết Ngô Bảo Châu tiếp nhận những thị phi trên theo cách nào, cho đến một ngày anh viết thư hỏi tôi: “Em có biết tại sao bài báo của Quý Thanh trên báo Công An Nhân dân vừa rồi lại làm cho người ta xôn xao ghê thế không? Anh đọc thì thấy đấy là một cách phê bình không có ác ý. Hay là anh không hiểu gì?”.

Ngô Bảo Châu không hiểu gì là đúng, khi mà có những người luôn mặc định thông tin theo cách họ cho là phải như thế. Chính cái sự “không hiểu gì” đó của một con người tài năng xuất sắc như Ngô Bảo Châu giúp anh an nhiên tự tại với những lựa chọn của chính mình! Dường như chính sự an nhiên tự tại đó đã làm nản lòng những người luôn chĩa cặp mắt hình mũi dùi vào anh.

Cách đây không lâu, báo Tiền Phong đưa tin về việc anh được trường ĐH Chicago phong chức danh giáo sư xuất sắc và được bổ nhiệm vào vị trí có tên. Một trang tiếng Việt của hãng tin nước ngoài điểm tin này và theo họ báo chí trong nước “ca ngợi” GS Ngô Bảo Châu dù thông tin (mà báo Tiền Phong đưa) “có thể không chính xác” khi nói rằng GS Ngô Bảo Châu được bổ nhiệm vào vị trí có tên (named chairs). Nhưng Ngô Bảo Châu khẳng định: “Named chair là một ghế giáo sư gắn với tên tuổi của ai đó. Trong trường hợp của tôi, ghế gắn với tên ông bà Yuen. Distinguished service professor là cấp bậc cao nhất trong số các giáo sư của trường đại học Chiacago”.

Email hỏi ý kiến Ngô Bảo Châu về cách xử lý sự vụ này, anh trả lời: “Em phải biết tin vào người đọc. Người đọc sẽ là người phán xét”.

Chính niềm tin vào con người đã giúp Ngô Bảo Châu có được khoảng lùi để quan sát mọi việc, ngay cả những việc liên quan tới chính mình, và nhờ thế, anh nhận thức được hiện thực gần nhất với bản chất của nó. Chia sẻ với tôi, Ngô Bảo Châu bảo những lời lẽ thoá mạ anh nặng nề nhất cũng không làm anh bực mình lắm, vì ai cũng có quyền yêu ghét. Hơn nữa, ngay cả trong những phát biểu đó cũng lấp lánh ánh sáng chân lý, chỉ tiếc là vì những lý do cá nhân, một chút chân lý ấy bị vùi lấp dưới những chấp nhặt, định kiến.

Ngô Bảo Châu nói: “Thực ra anh rất bận, làm gì có thời gian để nhâm nhi mấy chuyện thị phi!”.

Giải thưởng Fields đã mang đến cho Ngô Bảo Châu một vị trí xã hội khác, và anh xác định trách nhiệm với xã hội cũng phải khác. Đó cũng là lý do anh đóng cửa blog. Khi chưa nhận giải thưởng Fields, anh xem blog là một không gian thư giãn, là nơi nếu trong những bài anh viết ra có đôi ba chi tiết pha trò hoặc tự trào thì chỉ làm cho blog hấp dẫn hơn mà thôi. Nhưng sau giải thưởng, anh nhận thấy lối viết bông đùa đó không còn phù hợp. Ngô Bảo Châu cho biết, khi nào đỡ bận rộn hơn, anh sẽ mở blog mới, nhưng các bài viết trên blog sẽ mang phong cách nghiêm túc.

Hiện nay, ở trường ĐH Chicago, ngoài nghiên cứu khoa học, anh phải tham gia đào tạo. Lại còn trách nhiệm với cộng đồng toán học nói riêng, cộng đồng nghiên cứu khoa học cơ bản nói chung ở Việt Nam nữa. Mơ ước của Ngô Bảo Châu là gây dựng phong trào nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, bắt đầu từ những hoạt động của Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán, từ đó tác động tích cực tới chất lượng nghiên cứu/giảng dạy của các trường ĐH.

Không chỉ dồn sức cho Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán, Ngô Bảo Châu cùng bạn bè đang lao tâm khổ tứ để thúc đẩy Quỹ Hạt vừng đi vào hoạt động. Một trong những cách gây quỹ của Ngô Bảo Châu là anh đóng vai nhà báo phỏng vấn ngược trở lại những nhân vật có đóng góp tinh thần/ vật chất cho quỹ.

Ngoài ra, anh cùng nhà văn Phan Việt phối hợp với NXB Trẻ lập tủ sách Cánh cửa mở rộng. “Anh với Phan Việt và một số bạn bè khác, chẳng hạn như Đàm Thanh Sơn, sẽ giới thiệu để NXB Trẻ tổ chức dịch những cuốn sách mà bọn anh cho là có ảnh hưởng tới sự hình thành quan niệm về thế giới, về cuộc sống của bản thân mình”, Ngô Bảo Châu cho biết.

Giáo sư Ngô Bảo Châu trong cuộc giao lưu với thủ khoa các trường đại học Hà Nội tại Văn Miếu, 8-2011
Giáo sư Ngô Bảo Châu trong cuộc giao lưu với thủ khoa các trường đại học Hà Nội tại Văn Miếu, 8-2011.

Khi biết Ngô Bảo Châu thật sự dành cả 3 tháng hè cho công việc ở Viện Nghiên cứu về Toán cao cấp, một nghiên cứu sinh đang ở Mỹ ngạc nhiên. Theo bạn trẻ này, ở Mỹ, dù được nghỉ hè nhưng các giáo sư vẫn có nhiều việc phải làm tại các trường ĐH.

“Anh Châu dành nhiều thời gian về nước như vậy chứng tỏ anh ấy rất tâm huyết với Việt Nam. Hơn nữa, uy tín của anh Châu ở trường ĐH Chicago có lẽ rất lớn nên lãnh đạo của trường mới để cho anh nghỉ dài như vậy”, bạn trẻ nghiên cứu sinh nhận xét.

Khi tôi hỏi Ngô Bảo Châu rằng anh có cảm xúc hoặc suy nghĩ gì vào thời điểm một năm sau giải thưởng Fields 2010, Ngô Bảo Châu ngẫm nghĩ một lúc rồi trả lời: “Nếu chỉ chọn một câu để diễn đạt thì anh dùng cụm từ này: mọi thứ dang dở. Giải Fields năm ngoái là sự kiện kết thúc một quá trình nỗ lực lớn lao nhưng lại mở ra một giai đoạn mới cho mọi công việc của anh. Mới chỉ một năm thôi nên mọi thứ dang dở là đương nhiên. Do đó ngay cả những khó khăn cũng là điều bình thường trong chuỗi vận động mới”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG