Nhiều cơ hội nguyện vọng 2

Nhiều cơ hội nguyện vọng 2
Tất cả các trường đại học (ĐH) đã công bố kết quả thi, nhìn chung điểm thi khá thấp nên điểm chuẩn dự kiến cũng không cao. Khả năng các trường sẽ dành nhiều chỉ tiêu cho nguyện vọng 2 (NV2).

Nhiều lựa chọn

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết, năm nay sẽ tuyển NV2 hệ ĐH các ngànhToán - Tin, Vật lý, Công nghệ thông tin, Hải dương học - Khí tượng và Thủy văn, Khoa học vật liệu, Sinh học.

Điểm nhận đơn xét tuyển của các ngành này có thể sẽ cao hơn điểm chuẩn từ 0,5 trở lên. Riêng ngành CNTT xét thêm NV2 hệ cao đẳng (CĐ), bên cạnh chương trình đào tạo ngành CNTT liên kết với ĐH AUT (New Zealand), do ĐH AUT cấp bằng, học tại ĐH Khoa học tự nhiên, sẽ tuyển thẳng 200 chỉ tiêu có điểm thi ĐH từ điểm sàn trở lên.

Trong khi đó, trường ĐH Nông Lâm TP.HCM dự kiến năm nay điểm chuẩn nhiều ngành giảm 1 - 2 điểm so với năm 2009. Nhóm ngành cơ khí, nông lâm có điểm chuẩn bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT, vì thế, sẽ còn nhiều chỉ tiêu xét tuyển NV2.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Thư - Phó hiệu trưởng ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, đến khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn, trường mới định chỉ tiêu xét tuyển NV2 chính xác cho các ngành. Nhưng hiện tại, trường dự kiến sẽ tuyển khoảng 350 chỉ tiêu NV2 hệ ĐH, 350 hệ CĐ.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho biết, năm nay, trường dự kiến xét tuyển 15 - 20% chỉ tiêu cho NV2.

Trường ĐH Hoa Sen dành 20% chỉ tiêu xét tuyển NV2 cho ba ngành học mới là Toán ứng dụng, Quản lý công nghệ môi trường và Thiết kế thời trang. Trong đó, ngành Quản lý công nghệ môi trường không tổ chức thi để lấy NV1 mà chỉ xét tuyển NV2.

Trường ĐH Lạc Hồng sẽ dành đến 20 - 30% (khoảng 500 chỉ tiêu) xét NV2 cho tất cả các ngành học.

Chỉ tiêu đào tạo các ngành hệ ĐH năm nay là 900, nhưng với điểm thi quá thấp, trường ĐH Văn hóa TP.HCM cũng dành trên 40% chỉ tiêu để tiếp tục xét tuyển NV2. Trường ĐH Hồng Bàng cũng sẽ xét tuyển NV2 cho tất cả các ngành học.

Các trường ĐH Sài Gòn, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM)... cũng đã lên phương án xét tuyển NV2 và sẽ công bố chỉ tiêu chính xác cho các ngành học ngay khi có điểm sàn của Bộ GD-ĐT.

Các ngành khó tuyển

Tuy chỉ tiêu xét tuyển NV2 năm nay dự kiến còn nhiều nhưng kinh nghiệm các năm cho thấy, thí sinh (TS) sẽ tập trung nộp đơn xét tuyển vào một số ngành. Điều này khiến nhiều ngành dù được các trường ưu tiên chỉ tiêu NV2 vẫn không dễ dàng có được TS.

Một trong những ngành khó tuyển của trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) là Công nghệ dệt may. Năm nay, đây cũng là những ngành có điểm chuẩn dự kiến thấp nhất: 15.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nam - Trưởng phòng Đào tạo - cho biết: “Nếu xét theo NV1, ngành này chỉ tuyển được 26 TS, tiếp tục xét theo phương án NV1B (chuyển TS đủ điểm sàn của trường thi vào ngành khác qua) được 18 TS nữa”. Dù vậy, trường vẫn phải tuyển thêm NV2 nhưng điểm nhận đơn cũng chỉ có 15.

Hải dương học cũng là ngành khó tuyển của trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM. Các năm trước, điểm chuẩn NV2 của ngành này chỉ bằng điểm nhận đơn vì không nhiều TS nộp đơn. Cũng như vậy, với trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, các ngành như Cơ khí chế biến bảo quản nông sản thực phẩm, Cơ khí nông lâm, khối A các ngành Bảo vệ tài nguyên rừng, Cảnh quan và Kỹ thuật hoa viên, Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp... dù năm nào cũng dành nhiều chỉ tiêu NV2 nhưng đều thiếu TS đăng ký xét tuyển trầm trọng.

Một số ngành tại trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cũng sẽ khó khăn nguồn tuyển như Xây dựng đường sắt - metro, Thiết bị năng lượng tàu thủy, Quy hoạch giao thông, Cơ giới hóa xếp dỡ cảng, Đóng tàu và công trình nổi... Các ngành này mọi năm trường đều lấy điểm chuẩn bằng với điểm sàn của Bộ GD-ĐT.

Các trường như ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Sư phạm TP.HCM tuy vẫn chờ điểm sàn để xác định chỉ tiêu và các ngành sẽ tuyển NV2 nhưng những ngành như Tiếng Nga, Tiếng Trung, Tiếng Pháp, Tiếng Đức... sẽ vẫn là những ngành khó tuyển.

Theo Đăng Nguyên
Thanh Niên

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".