Nhiều trường sẽ không hạ điểm chuẩn

Thí sinh dự thi vào đại học đang chờ giấy gọi nhập trường. Ảnh: Phạm Yên
Thí sinh dự thi vào đại học đang chờ giấy gọi nhập trường. Ảnh: Phạm Yên
TP - Các chuyên gia cho rằng điểm sàn (ĐS) tuyển sinh năm 2010 có thể hạ. Nếu ĐS hạ, các trường có hạ điểm chuẩn?
Thí sinh dự thi vào đại học đang chờ giấy gọi nhập trường. Ảnh: Phạm Yên
Thí sinh dự thi vào đại học đang chờ giấy gọi nhập trường.
Ảnh: Phạm Yên.


Trường nào điểm sàn cần hạ?

Trường Đại học (ĐH) Y Hà Nội dự kiến điểm chuẩn cho các ngành đào tạo của mình như sau: Y đa khoa 24: điểm; Răng hàm mặt: 21,5 điểm; Y học cổ truyền 19,5 điểm; Bác sĩ y học dự phòng:18,5 điểm; Cử nhân điều dưỡng: 19 điểm; Cử nhân kỹ thuật y học: 19 điểm; Cử nhân y tế công cộng: 18,5 điểm.

Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội Nguyễn Đức Hinh cho biết: Trường không lấy nguyện vọng 2 (NV2). Ông Hinh nhận định: Với xu hướng bài thi năm nay khó hơn, ĐS có thể giảm từ 0,5 đến 1 điểm, nghĩa là có thể ở mức từ 12 đến 12,5 điểm.

Với dự kiến chuẩn cho khối A từ 21 đến 22, khối D trong khoảng: 28-29 (nhân đôi), ông Ngô Thế Chi, GĐ Học viện Tài chính, cho biết, số thí sinh đạt từ 18 đến 20 điểm là hàng ngàn.

Trường ĐH Thủy lợi đưa ra phương án sơ bộ điểm tuyển vào trường là từ 15 đến 18 điểm. Ông Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng nhà trường, nói: Phương án hạ ĐS như dư luận một số trường bàn cần xem xét lại, và chưa chắc các trường đã phải hạ ĐS tuyển sinh chung.

Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, Bộ GD&ĐT đã gửi giấy triệu tập 35 trường ĐH, CĐ (đại diện cho khoảng 400 trường ĐH, CĐ trên cả nước) để họp xác định ĐS. Trong 35 trường đó chỉ có 4 trường ĐHDL là ĐH Thăng Long đại diện cho khu vực phía Bắc, ĐHDL Duy Tân đại diện cho miền Trung, ĐHDL Văn Lang và ĐHDL Lạc Hồng đại diện cho khu vực phía Nam. Các ĐH khu vực phía Bắc sắp tổ chức một hội nghị để bàn và đồng loạt đề nghị Bộ GD&ĐT hạ ĐS xuống dưới 13 điểm.

Ông Đỗ Xuân Tùng, Phó hiệu trưởng ĐH Thăng Long, cho rằng, các trường DL năm nay sẽ khó tuyển sinh vì đề thi năm nay khó khiến các trường tốp đầu phải xác định điểm chuẩn thấp hơn năm trước; ngay các trường tốp giữa cũng tuyển NV2 khiến nguồn tuyển khan; đặc biệt, năm nay nhiều trường tham gia tuyển sinh hơn (do mới mở, hoặc mở từ năm trước nhưng năm nay tham gia tuyển sinh với số lượng nhiều hơn…).

Lãnh đạo ĐH Thăng Long cho rằng, nếu để có đủ số lượng thì chất lượng sinh viên sẽ thấp. Ông Xuân Tùng nói: “Theo tôi, các trường không nên gây sức ép cho Bộ GD&ĐT vì 13 điểm là giới hạn cuối cùng. Nếu thí sinh không vào được ĐH thì có thể học CĐ, nếu cố gắng vào ĐH cũng không học được”. Ông cho biết, dù Bộ GD&ĐT có hạ ĐS thì trường của ông cũng chưa chắc hạ điểm tuyển để đảm bảo chất lượng.

Và nếu hạ, chưa chắc điểm sàn đã xuống dưới 13 điểm.

Ông Trần Hữu Viên, Hiệu trưởng ĐH Lâm nghiệp Xuân Mai, cho biết, dù ĐS ảnh hưởng đến tuyển sinh nhưng nếu ĐS hạ đến 12 điểm thì ĐH Lâm nghiệp Xuân Mai sẽ tuyển thừa sinh viên; nếu ĐS là 13 thì trường này sẽ gọi sinh viên theo NV2.

Nếu hạ ĐS quá thấp, thí sinh 7-8 điểm cũng đỗ ĐH

Với hàng ngàn thí sinh có 17-20 điểm đứng ngoài học viện, ông Ngô Thế Chi, GĐ Học viện Tài chính nói rằng: Thay vì hạ ĐS để các trường tốp dưới tuyển đủ, Bộ GD&ĐT nên cho phép các trường tốp trên đào tạo hệ ngoài ngân sách để đảm bảo chất lượng chung của người lao động có trình độ và tôn trọng nguyện vọng của sinh viên chứ không nên phân đều mở rộng tuyển sinh đến cả các trường không đủ giảng viên, không đủ lớp học…

Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi Nguyễn Quang Kim nói: “Tất nhiên nếu giữ ĐS thấp nhất là 13 như năm trước, một số trường sẽ không tuyển được đủ sinh viên nhưng nếu hạ thấp quá, lại cộng điểm khu vực ưu tiên… thì thí sinh đạt 7-8 điểm cũng vào được ĐH. Khó có chất lượng! Bài toán này chỉ có Bộ giải được”. Ông khẳng định: dù điểm sàn có hạ cũng không ảnh hưởng đến điểm chuẩn của các trường như ĐH Thủy lợi và nhiều trường ĐH có uy tín khác!

MỚI - NÓNG