Những thí sinh đi thi một mình

Những thí sinh đi thi một mình
TPO - Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hàng năm là một áp lực về kinh tế với những thí sinh nghèo từ nông thôn lên thành thị. Việc tích cực tham gia các chương trình tiếp sức mùa thi của các tổ chức xã hội và của chính các trường tổ chức thi đã giúp nhiều thí sinh giải toả được áp lực này.

Một mình lặn lội về kinh ứng thí

Đợt 1 kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay, em Trần Thị Huyền (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) dự thi vào trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Huyền là con cả, bố mẹ bận rộn mưu sinh và cũng là những người ít tiếp xúc, giao lưu với xã hội bên ngoài nên em phải một thân một mình về Hà Nội đi thi.

Sáng ngày 1-7, Huyền khởi hành từ nhà. Lần đầu xuống Hà Nội nhưng Huyền khá tự tin. Từ bến xe Mỹ Đình, Huyền định đi xe buýt nhưng nghe nói phải đổi chuyến, nếu không phải đi bộ một quãng khá xa mới đến trường ĐH Kinh tế Quốc dân nên em quyết định đi xe ôm. Đắt một chút nhưng yên tâm không phải loay hoay hỏi đường.

Nhờ sự hướng dẫn tận tình của các anh chị sinh viên tình nguyện, Huyền nhanh chóng tìm được chỗ trọ trong ký túc xá trường ĐH Kinh tế Quốc dân, vừa rẻ vừa gần điểm thi (Huyền thi ngay tại trường). Vào ký túc xá, Huyền được bố trí ở một phòng tầng 2 của nhà số 11. “Tiền thuê phòng là 12.000 đồng/ người/ ngày, bao gồm cả điện nước.

Thí sinh được mượn màn, chiếu miễn phí (nhưng phải đặt cược một khoản tiền nhỏ). Mỗi phòng có 4 giường 2 tầng, ở được 8 người, có công trình phụ khép kín”, Huyền cho biết. Bữa cơm đầu tiên trên đất Thủ đô, Huyền được một bác phụ huynh (trọ cùng phòng với Huyền) dẫn xuống căng tin nhà trường. Huyền chọn suất 12.000 đồng/ bữa. Ngay cả ở nhà, dịp bình thường Huyền khó mà có được một bữa ăn ngon hơn thế. Huyền vui mừng cho hay, cứ đà này em có thể gói gọn khoản chi tiêu tronng khoảng dưới 500.000 đồng với đợt thi này.

Theo ông Tạ Hoàng Tinh Băng, Phó Ban Quản lý Ký túc xá trường ĐH Kinh tế Quốc dân, trong số gần 200 người đến làm thủ tục ở trọ tại đây có khoảng vài chục thí sinh đi một mình, còn lại chủ yếu một thí sinh có một người nhà đi kèm. Nhưng ngược lại, cũng khá nhiều trường hợp một thí sinh có 2 -3 người nhà đi kèm theo.

Trường này dự kiến để ra khoảng 500 chỗ ở cho thí sinh và người nhà thuê ở trong kỳ thi tuyển sinh năm nay. “Nếu thí sinh đến đông hơn chúng tôi vẫn đáp ứng được vì công suất sử dụng tối đa của KTX là 3.000 chỗ mà hiện nay sinh viên về nghỉ hè hết. Nhưng theo kinh nghiệm hàng năm thì mỗi đợt thi chỉ khoảng 500 – 600 chỗ ở được cho thí sinh và người nhà thuê”, ông Băng cho biết.

Một mình nhưng không cô độc

Sáng 1-7, Phùng Thị Ngợi (thôn 11, xã Cao Minh, Vĩnh Bảo, Hải Phòng) cũng lên đường đi thi mà không có bố mẹ hay người thân đi kèm. Nhưng Ngợi cũng không đi một mình bởi đồng hành với em còn có hai bạn đồng hương Phạm Văn Phố và Bùi Văn Nam.

 
Những thí sinh đi thi một mình ảnh 1

Thí sinh được đón tiếp tại các nhà trọ miễn phí Ảnh: Q.H

Cả ba em được một anh tên Hải (nhóm sinh viên công giáo Hải Hà) đi cùng. Đến bến xe Gia Lâm, Ngợi say xe nên được một anh sinh viên khác (cũng trong nhóm đã nói) đón về điểm tập kết ban đầu (số 5, ngõ 84 phố Tây Trà, quận Hoàng Mai) bằng xe máy. Anh Hải cùng Phố, Nam đi xe buýt về sau.

Ngợi hồ hởi kể: “Em đang lo vì cả bố mẹ em đều không thể đưa em đi thi được. Ban đầu bố mẹ em định nhờ một chị con bác học ở Hưng Yên đưa em đi nhưng chị lơ ngơ với Hà Nội chẳng khác gì em. Gần đến ngày thi em nghe cha xứ nói có nhóm sinh viên tình nguyện giúp chúng em về chỗ ở miễn phí. Tiền đi xe từ Hải Phòng lên Hà Nội, Hà Nội về Hải Phòng chúng em phải chịu. Ngoài ra mỗi người chỉ phải đóng 300.000 đồng tiền ăn và tiền xăng xe đi lại (các anh chị sinh viên đưa đón từng buổi thi)” cho một đợt”.

Theo bạn Vũ Thị Thanh Mai (sinh viên năm thứ 4, ĐH Văn Hoá), một thành viên của nhóm Hải Hà cho biết, danh sách sinh viên cần sự giúp đỡ của nhóm hiện nay có khoảng 50 em. Theo kế hoạch từ sáng 2-7 tại các bến xe Giáp Bát, Gia Lâm sẽ có các thành viên của nhóm đón đợi thí sinh, dẫn thí sinh về điểm tập kết ban đầu là nhà thờ Làng Tám (Giáp Bát).

Sau đó tuỳ vào địa điểm thi của thí sinh, các em sẽ được các anh chị sinh viên dẫn về các địa điểm ở trọ phù hợp. Ngợi và các bạn đến sớm so với kế hoạch nhưng vẫn được các anh chị nhóm Hải Hà đón tiếp chu đáo. Không chỉ sinh viên công giáo mới được giúp đỡ. Chiều 1-7, Mai cũng là người được phân công về Kẻ Sặt (Bình Giang, Hải Dương) để đón 13 thí sinh từ Quảng Ninh và Hải Dương lên Hà Nội đi thi, trong đó có 3 em không phải theo đạo Thiên Chúa.

Bạn Mai cho biết, hoạt động tiếp sức mùa thi của các sinh viên công giáo được bắt đầu từ năm 2001. Đến nay khu vực Hà Nội có khoảng 21 nhóm sinh viên công giáo, mỗi nhóm phụ trách việc giúp đỡ thí sinh đến từ địa phận của mình. Nhóm Hải Hà phụ trách địa phận Hải Phòng (gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương) và một phần Hà Tây.

Trong những ngày thi, các sinh viên sẽ dùng chính nơi ở trọ của mình và nhà của một số ân nhân cho các thí sinh ở. Mỗi thí sinh sẽ được một anh, chị sinh viên phụ trách việc đưa đi đón về trong các buổi thi. Ngoài ra, tại nhà trọ một số sinh viên được giao việc hậu cần (đi chợ, nấu ăn).

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.