Thí sinh thờ ơ với ngành học dễ kiếm việc

Thí sinh nộp hồ sơ tại Đại học Tôn Đức Thắng TPHCM
Thí sinh nộp hồ sơ tại Đại học Tôn Đức Thắng TPHCM
TP - Sau 5 ngày nhận hồ sơ xét tuyển NV2, theo thống kê sơ bộ từ các trường, năm nay, hồ sơ xét tuyển NV2 vẫn tập trung nhiều vào các ngành “hot”. Đại diện các trường cho biết, nhiều ngành, hàng năm, điểm chuẩn NV2 không cao, nhu cầu việc làm của xã hội rất lớn, nhưng lại khó tuyển.
Thí sinh nộp hồ sơ tại Đại học Tôn Đức Thắng TPHCM
Thí sinh nộp hồ sơ tại Đại học Tôn Đức Thắng TPHCM . Ảnh: Quang Phương

Đua nhau chọn ngành “hot”

Sau một tuần, các trường nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 (NV2) trực tiếp tại trường, nhiều trường đã khá an tâm vì số hồ sơ nhận được vượt quá mong đợi. Cũng như mọi năm, khối các ngành nghề “hot” như: Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kế toán… vẫn là những ngành cuốn hút thí sinh.

Th.S Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn cho hay: Trường đã nhận trực tiếp tại trường khoảng 3.000 hồ sơ NV2. Dù chưa có thống kê chính thức nhưng nhìn chung rất nhiều hồ sơ dồn vào các ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh.

Trường ĐH Công nghiệp TPHCM hiện là trường dẫn đầu về lượng hồ sơ NV2 với hơn 5.000 hồ sơ đã nhận được. Ở cả hệ ĐH và CĐ của trường, các ngành Kế toán, Tài chính- Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế… chiếm tỷ lệ hồ sơ áp đảo. Trong khi đó, các ngành Cơ khí, Kỹ thuật lại rất vắng vẻ thí sinh.

Nhiều trường ĐH ngoài công lập khác như ĐH DL Văn Lang, ĐH DL Hùng Vương, ĐH DL Kỹ thuật Công nghệ TPHCM… có lượng hồ sơ xấp xỉ 1.000 nhưng chủ yếu vẫn tập trung vào nhóm ngành Kinh tế.

Dễ kiếm việc làm lại ít thí sinh

PGS. TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho biết: Từ nhiều năm nay, nhóm ngành Cơ khí, Lâm nghiệp của trường vẫn là nhóm ngành khó tuyển sinh nhất mặc dù nhu cầu lao động của xã hội rất cao.

“Không chỉ trường Nông Lâm mà hầu như các trường có đào tạo ngành Cơ khí đều khó tuyển sinh. Thí sinh và phụ huynh hiện nay phần lớn mang tâm lý chung là ngại khó, ngại những ngành học cực nhọc.

Những ngành này hàng năm điểm chuẩn NV2 gần như chỉ bằng mức điểm sàn đưa ra xét tuyển. Nhưng trái lại những sinh viên học ngành này lại có lương và được một số công ty, doanh nghiệp ký hợp đồng ngay khi các em mới bắt đầu đi thực tập” - PGS. TS Hùng nói và cho biết thêm: “Đối với những ngành học này, môi trường làm việc của các em rất rộng từ doanh nghiệp nhà nước đến tư nhân… thậm chí các em có thể mở xưởng, tự sống bằng chính nghề của mình.

Vì vậy khi chọn ngành xét tuyển NV2, thí sinh nên chú ý vào môi trường làm việc của ngành nghề đó, sau đó là chỉ tiêu xét tuyển rồi từ đó đối chiếu với mức điểm thực tế của mình xem có nên chọn ngành đó hay không”.

ThS. Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM cho biết: Những ngành có tính đặc thù riêng với những tên gọi mới như: Điện tàu thủy, Máy xây dựng,… mọi năm thí sinh rất ít hoặc không dám đăng ký xét tuyển vì họ chưa hiểu rõ về ngành nghề đó. Hàng năm, số hồ sơ đăng ký vào những ngành này chỉ vừa đủ chỉ tiêu đưa ra hoặc ít hơn nên điểm chuẩn thường thấp.

“Nhiều công ty, xí nghiệp gửi thư đến trường nhờ trường giới thiệu nhân lực của những ngành nghề này nhưng nói thật chúng tôi không có đủ để đáp ứng nhu cầu của họ”, ThS. Vũ cho hay. Tương tự vậy, ngành Kỹ thuật nhiệt lạnh của ĐH Văn Lang chỉ tiêu là 50 nhưng đến nay trường nhận chưa tới 10 hồ sơ xét tuyển NV2 vào ngành này.

Tại trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM từ nhiều năm nay, ngành Kỹ thuật in cũng là một ngành thuộc dạng ít được thí sinh quan tâm tuy nhu cầu lao động của ngành này rất cao.

TS Nguyễn Kim Quang, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM cho hay: Ngành Hải dương học - Khí tượng thủy văn và Khoa học vật liệu là hai ngành trường thường xuyên phải tuyển thêm NV2.

“Điểm chuẩn của 2 ngành này không cao như mong muốn, thí sinh ít để ý đến vì cho rằng những ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản thường khô khan, học khó”, TS. Quang giải thích. Một số ngành khác như: Bảo hộ lao động, Quan hệ lao động của ĐH Tôn Đức Thắng cũng là ngành ít được thí sinh chú ý…

Nhiều cơ hội trúng tuyển vào Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM

Thí sinh đạt điểm sàn theo quy định của Bộ GD-ĐT, nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 vào ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) có khả năng trúng tuyển cao với 368 chỉ tiêu cho các ngành: QTKD, Marketing, KD Quốc tế, Tài chính, Ngân hàng, Kế toán, CNTT.

Thí sinh được nhận học bổng: nếu có điểm thi 18 điểm với mức học bổng 30 triệu đồng, từ 19 điểm có mức học bổng 40 triệu đồng, từ 20 điểm là 50 triệu đồng. Tổng trị giá học bổng là hơn 10 tỷ đồng.

Lãnh đạo trường UEF cho biết trường tổ chức đào tạo với từng lớp nhỏ, dưới 40 sinh viên (lớp ngoại ngữ, thực hành máy tính 18 - 22 sinh viên). Nhờ đó có thể áp dụng phương pháp đào tạo như ở các nước tiên tiến.

Chương trình đào tạo có tính liên thông quốc tế, cơ bản, hiện đại, thực tiễn. Sinh viên UEF được chủ động chọn tiến độ học tập linh hoạt theo năng lực. Sinh viên tốt nghiệp từ UEF có kiến thức và kỹ năng hành nghề tốt, đạt trình độ Anh văn tương đương TOEFL iBT 61.

MỚI - NÓNG