Trò lừa lo điểm vào đại học

Trò lừa lo điểm vào đại học
TP - Hằng năm, cứ đến kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), trên các trang web rao vặt lại xuất hiện nhiều tin rao 'lo đầu vào đại học, chạy điểm thi đại học'… với những lời hứa 100% đậu.
Người có nick hoangthuytien đang ngã giá với PV. Ảnh: Q. Phương
Người có nick hoangthuytien đang ngã giá với PV.
Ảnh: Q. Phương.


Hành trình chạy điểm

Gần đây trên nhiều trang web như: muabanrao.com xalo.vn, muabanraovat.com… liên tục xuất hiện tin "làm bằng đại học, lo đầu vào đại học"…

Theo thống kê trên các trang web này, mỗi lần các tin này đăng lên, có hàng trăm lượt truy cập, trong đó có nhiều tin phản hồi cho biết các đối tượng này là lừa đảo.

Lần theo một địa chỉ email, chúng tôi gửi thư với mong muốn nhờ lo một suất vào một trường ĐH thuộc khối ngành kỹ thuật. Sau hai ngày chờ đợi, chúng tôi nhận được một email trả lời với nội dung: "Bạn đừng nên nóng vội, khó thành công, có gì gọi điện thoại 0121711…".

Ngày 19-7, chúng tôi gọi điện vào số trên, một người đàn ông với giọng nói cà lăm (nói lắp) nghe máy. Khi nghe chúng tôi nói có người em làm bài chỉ được khoảng 10 điểm, người này nói: "Điểm chuẩn vào ngành Điện tử của trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật năm nay dao động khoảng 14, 15 điểm gì đó. Để lo cho cậu em đậu, phải tốn khoảng 15 đến 18 triệu".

Người này dặn: "Quan trọng nhất là anh phải cung cấp cho tui số báo danh của cậu em để tui chuyển vào trường, mấy thầy cô chấm thi họ biết họ chấm nâng điểm lên. Nhưng anh phải đưa trước cho tui 5 triệu".

Tin nhắn mà đối tượng gửi cho PV
Tin nhắn mà đối tượng gửi cho PV.

Người này hẹn chúng tôi vào cuối giờ chiều tại trường ĐH Bách khoa để trao đổi công việc. Tuy nhiên, sau đó chừng 2 giờ đồng hồ, người này lại nhắn tin tiếp cho chúng tôi với nội dung: "Mình đang chấm thi đại học nên rất ít thời gian, không thể gặp nhiều lần, 5h30 chiều nay anh qua trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, quận 1, gặp mình để nộp 5 triệu, anh ghi rõ số báo danh, phòng thi, hội đồng thi, trường thi". Đến chiều, người này lại hẹn chúng tôi trưa hôm sau sẽ gặp.

Trưa 20, theo lịch hẹn chúng tôi đến gặp hoangthuytien, nick trên mạng mà chúng tôi giao dịch, tại một quán cà phê ở đối diện trường ĐHKHXH&NV TPHCM. Tiên chạy xe máy vào với vẻ vội vã: "Vừa mới đi chấm thi về".

Tiên vào thẳng vấn đề: "Tôi có thể lo đầu vào đại học vào các trường như: ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Ngân hàng… với giá chung là 17 triệu đồng, còn muốn chạy vào các trường Đại học Kinh tế TPHCM, Đại học Bách khoa (ĐHQG TPHCM) phải lên đến 200- 250 triệu đồng nhưng rất khó".

Người này đề nghị chúng tôi chỉ cần chuẩn bị số báo danh, phòng thi, hội đồng thi của thí sinh muốn chạy vào đâu là được. Còn các loại giấy tờ khác không cần thiết. Tiên khẳng định chắc chắn sẽ lo cho "khách hàng" đậu.

Thắc mắc về cách để chạy đầu vào, người này cho biết: "Cách thứ nhất là sửa đáp án từ sai thành đúng đối với các môn trắc nghiệm, cách thứ hai là lo khâu giám thị chấm bài thi, cách thứ ba là thay mới hoàn toàn bài làm của thí sinh nếu như sai sót quá nhiều".

Trước khi ra về, người có nick hoangthuytien đề nghị chúng tôi phải đặt cọc trước 5 triệu đồng, số còn lại sẽ đưa sau khi nhập học thành công. Kỳ kèo một hồi, biết không thể moi được của chúng tôi 5 triệu đồng, hoangthuytien nói sẽ suy nghĩ kỹ rồi liên lạc lại và vội vã lên xe phóng đi.

Mẩu tin quảng cáo việc lo điểm vào đại học trên mạng
Mẩu tin quảng cáo việc lo điểm vào đại học trên mạng.


Lừa

Nhiều vị lãnh đạo của các trường ĐH khi nghe chúng tôi đề cập vấn đề trên đều ngạc nhiên. TS Nguyễn Thanh Nam - Trưởng phòng Quản lý đào tạo trường ĐH Bách khoa TP HCM (ĐHQG TP HCM) khẳng định, đây là chiêu của các đối tượng chuyên lừa đảo thí sinh và phụ huynh.

Sau khi chấm xong, còn có khâu hậu kiểm: kiểm tra đối chiếu điểm 3 môn của từng thí sinh. Sự chênh lệch điểm sẽ bị phát hiện dễ dàng. Những môn trắc nghiệm chấm bằng máy quét nên không thể nâng được điểm.

TS Nguyễn Kim Quang - Trưởng phòng Quản lý đào tạo trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM phân tích: Bài thi của thí sinh do hai giám khảo chấm. Không ai có thể liều lĩnh đến mức chỉnh sửa bài thi, hay chấm nâng điểm cho thí sinh. Trong khi đó, những giám khảo này không thể biết bài của thí sinh nào để nâng điểm vì từng xấp bài thi riêng do tổ trưởng tổ chấm thi phân công.

Sau khi chấm xong, theo TS Quang, còn có khâu hậu kiểm: kiểm tra đối chiếu điểm 3 môn của từng thí sinh. Sự chênh lệch điểm sẽ bị phát hiện dễ dàng. Những môn trắc nghiệm chấm bằng máy quét nên không thể nâng được điểm. "Phụ huynh và thí sinh nếu tin vào những đối tượng này sẽ mất tiền oan TS Quang nói".

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.