Ăn rau sống, đồ ăn đường phố nguy cơ nhiễm dịch rất cao

Ăn rau sống, đồ ăn đường phố nguy cơ nhiễm dịch rất cao
TP - Thông tin các ca nhiễm tiêu chảy cấp mới không phải do ăn mắm tôm đã khiến nhiều người dân lo ngại và đi tìm vaccine tả để tiêm phòng. Ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, trao đổi với báo chí chiều 5/11 xung quanh vấn đề này.
Ăn rau sống, đồ ăn đường phố nguy cơ nhiễm dịch rất cao ảnh 1
Ông Nguyễn Trần Hiển

Vừa qua đã xuất hiện một số ca tiêu chảy cấp không phải do ăn mắm tôm, ông có thể nói rõ hơn về những trường hợp này?

Theo điều tra của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tại nhiều địa phương, mắm tôm chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các nguyên nhân gây tiêu chảy cấp (chiếm 50%).

Tại nhiều tỉnh khác, nguyên nhân lại do nhiều thực phẩm khác như rau sống, thức ăn đường phố, giò chả, thịt gà, lợn, v.v..., tức là các thực phẩm thông thường khác và nguyên nhân này ngày càng tăng dần.

Cách giải thích cho hiện tượng này chỉ có thể là do nguồn nước dùng để chế biến thức ăn, rửa rau đã bị nhiễm khuẩn.

Như vậy, bức tranh của đợt dịch này không chỉ dừng ở mắm tôm mà còn ở các thực phẩm khác. Nếu không ăn chín uống sôi thì khả năng lây nhiễm là rất cao.

75% người nhiễm khuẩn gây tiêu chảy cấp là những trường hợp không mang triệu chứng. 100 người nhiễm khuẩn tiêu chảy cấp thì 75 người hoàn toàn bình thường dù họ vẫn mang vi khuẩn trong người.

Trong vòng từ  7 - 14 ngày họ vẫn đào thải vi khuẩn ra ngoài môi trường. Không ai biết họ mang bệnh vì họ hoàn toàn khỏe mạnh. Trong số 25 người có biểu hiện triệu chứng thì chỉ 20% có biểu hiện nặng (nôn mửa, đi ngoài liên tục, v.v..). Số còn lại rất nhẹ với các biểu hiện như chỉ đi ngoài vài lần.

Như vậy, tổng số bệnh nhân có biểu hiện nặng phải nhập viện là rất ít so với con số người lành mang vi khuẩn. Đây là nguồn lây nhiễm không thể kiểm soát được, là nguy cơ lớn làm lây nhiễm nguồn nước qua đường thải phân hoặc qua chân tay bẩn.

Hiện nay, rất nhiều người có nhu cầu tiêm vaccine phòng tả, ý kiến của ông về việc này như thế nào?

Chúng tôi đã đặt vấn đề tiêm vaccine phòng tả với các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo khuyến cáo của WHO thì có thể sử dụng vaccine tả đường uống, hiệu lực cao, cho những trường hợp khẩn cấp.

Chẳng hạn như những vùng xảy ra lũ lụt, thiên tai; môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm và không có nguồn nước nào thay thế. Tuy nhiên, tiêm vaccine phòng tả chỉ thực sự hiệu quả khi chưa có dịch.

Ăn rau sống, đồ ăn đường phố nguy cơ nhiễm dịch rất cao ảnh 2

Ăn chín, uống sôi là biện pháp phòng chống dịch tốt nhất     Ảnh: Hồng Vĩnh

Hai mũi tiêm cách nhau 2 tuần, đến tuần thứ 3 mới bắt đầu có kháng thể. Trong thời điểm có dịch như hiện nay cần phải tính toán là nếu triển khai tiêm vaccine thì phải tổ chức mua vaccine, tổ chức thực hiện tiêm vaccine.

Như vậy, nếu áp dụng được ăn chín uống sôi, sử dụng nước sạch thì vẫn khả thi hơn. Mặt khác, tiêm vaccine có thể sẽ tạo tâm lý an toàn giả tạo đối với người dân, cho vaccine là tốt rồi nên không chú trọng đến việc ăn chín uống sôi.

Vệ sinh nước sạch và ăn thực phẩm nấu chín là giải quyết được tất cả các vấn đề tiêu chảy cấp.

Có thể tiêm vaccine tả ở đâu, thưa ông?

Trên thị trường hiện đã có vaccine tả được Bộ Y tế cấp đăng ký rồi. Tuy nhiên, các cơ sở y tế có hay không, có ở mức độ nào thì tôi không rõ.

Hiệu lực của vaccine phòng tả do Cty Vaccine và Sinh phẩm số 1 sản xuất ở mức độ nào, thưa ông?

Hiệu lực đạt 70%. Vaccine không phải là biện pháp duy nhất phòng tiêu chảy cấp. Vaccine chỉ là biện pháp thứ yếu, có tác dụng hỗ trợ. Quan trọng nhất vẫn là ăn chín uống sôi, giữ vệ sinh nguồn nước.

Ông có cảnh báo gì về mức độ ảnh hưởng của cơn bão số 6 và triều cường ở miền Nam đối với sự lây lan dịch tiêu chảy cấp?

Nguy cơ lây nhiễm là rất lớn. Hiện, chúng tôi đã tính đến việc tiêm vaccine phòng tả cho những vùng lũ lụt. Phải phòng trước khi dịch xảy ra.

Chúng tôi cũng đề nghị đưa thêm Clo vào trong nước giếng như là Clo trong nước máy. Tuy nhiên, nhiều địa phương như Hà Tây người dân không muốn cho Clo vào vì mùi hắc, trong khi thành phố đã quen dùng nước máy có mùi Clo rồi.

Xin cảm ơn ông!

Mỹ Hằng (ghi)

MỚI - NÓNG