AP viết về đồ ăn không an toàn ở Việt Nam

AP viết về đồ ăn không an toàn ở Việt Nam
Khi Nguyễn Văn Ninh khua đũa vào bát phở nghi ngút khói, anh biết bánh phở có thể bị ngâm formon. Nhưng ý nghĩ phải nuốt vào bụng thứ hóa chất để bảo quản xác chết không ngăn nổi anh ăn tiếp. 
AP viết về đồ ăn không an toàn ở Việt Nam ảnh 1

Những gì còn lại sau bữa trưa tại một quán cơm ở Hà Nội. Ảnh: AP

“Tôi nghĩ nếu không tận mắt nhìn thấy những hóa chất bị bỏ vào trong đồ ăn, ta chỉ có thể chép miệng và làm bộ như là không có chúng vậy thôi”, anh nhận xét, trong khi chén ngon lành bát phở giá 5.000 đồng bên một lề đường tấp nập ở Hà Nội. “Vì sao lại lo lắng về việc đó kia chứ?”

Mặc dù những sản phẩm nhiễm độc nhập khẩu từ Trung Quốc mới đây khiến những người phương Tây bị sốc, an toàn thực phẩm từ lâu đã là vấn đề ở đa số các quốc gia châu Á. Tại đây, luật lệ lỏng lẻo và những ca tử vong vì ngộ độc thực phẩm không phải là điều lạ. Thời tiết nóng, thiếu điều kiện bảo quản lạnh và nhu cầu đối với thức ăn hè phố vừa túi tiền khiến những người bán hàng và các nhà sản xuất tìm ra những cách ít tốn kém - và thường là nguy hiểm – để bảo quản các sản phẩm của họ.

Những đồ được xuất khẩu đa phần có chất lượng tốt. Các công ty biết họ phải đạt những chuẩn mực nhất định nếu muốn thu được tiền. Nhưng trong thị trường nội địa, những sản phẩm chất lượng kém và thức ăn nhiễm độc thì tràn lan, bao gồm cả những đồ đã bị loại khi xuất khẩu.

Ví dụ, formol từ lâu đã được dùng để bảo quản các loại mỳ làm từ gạo cũng như đậu phụ ở một số quốc gia châu Á, cho dù nó có thể gây tổn hại cho gan, dây thần kinh và thận. Hóa chất này được tìm thấy vài năm trước ở 7 trong số 10 xưởng làm bánh phở ở Hà Nội.

Borax, có trong đủ thứ từ bột giặt cho đến sợi thủy tinh, cũng thường dược dùng để bảo quản thịt và cá tại Indonesia và những nước khác. Nông dân tại nhiều nước thường dùng những loại thuốc sâu bị cấm như DDT.

"Những người làm việc này chỉ muốn thu lợi. Và nếu họ vừa thiếu hiểu biết, vừa tham lam, đó sẽ là một sự kết hợp tồi tệ", Gerald Moy, một chuyên gia an toàn thực phẩm tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Geneva (Thụy Sĩ), phát biểu. 

Chất lượng thực phẩm châu Á đã bị săm soi rất kỹ, sau vụ những chất độc được tìm thấy trong một vài sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc. Gluten nhiễm hóa chất công nghiệp melamine bị coi là nguyên nhân làm hàng nghìn con chó và mèo chết hay đổ bệnh ở Bắc Mỹ. Cá nhiễm chất độc, lươn ướp lạnh có tẩm thuốc hay nước ép trái cây có phẩm màu gây hại đã có mặt trên đất Mỹ.

Diethylene glycol, một chất có vị ngọt - còn được dùng để chống đóng băng - đã khiến ít nhất 51 người ở Panama thiệt mạng, sau khi nó được nhập từ Trung Quốc và trộn vào trong thuốc ho và những loại thuốc khác. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã chặn tất cả các lô thuốc đánh răng từ Trung Quốc để kiểm tra loại hóa chất này. Nó được tìm thấy trong thuốc đánh răng bán ở Australia, Cộng hòa Dominica và Panama.

Vấn đề này không chỉ xảy ra tại Trung Quốc mà cả ở những quốc gia châu Á khác. Kem và kẹo sử dụng những loại thuốc nhuộm công nhiệp cho quần áo được bán bên ngoài các trường học. Nông dân nhúng hoa quả vào thuốc diệt cỏ để cho chúng bóng đẹp, ngay trước ngày đem ra chợ bán.

Tại Ấn Độ, thuốc trừ sâu gây nhiễm độc nguồn nước và rau quả. Coca-Cola và Pepsi đang đôi co với một nhóm bảo vệ môi trường ở New Delhi, vì nhóm này khẳng định họ phát hiện một lượng thuốc trừ sâu không thể chấp nhận được trong nước ngọt.

Đồ ăn bán trên đường phố lại là một vấn đề khác. Hàng triệu người ăn đủ thứ từ thịt gà nướng cho tới cháo tại những hàng ăn không được quản lý và kém vệ sinh. Những chất bảo quản không an toàn đôi khi được sử dụng và những người bán hàng thường dùng loại dầu ăn và nguyên liệu rẻ nhất. Chỉ cần đồ ăn nóng, rẻ và ngon là đủ để át đi những lo ngại về an toàn tại những nước mà nhiều người vẫn sống với thu nhập 2 USD/ngày.

“Đòi hỏi về sinh thực phẩm là một điều xa xỉ”, Alex Hillebrand, một cố vấn về hóa chất và an toàn thực phẩm tại văn phòng của WHO ở New Delhi, bình luận. “Họ còn đang đói”.

Một số nước, như Thái Lan, đang tìm cách nâng mức an toàn thực phẩm. Tại Bangkok, nơi những chiếc nồi đang sôi sùng sục trong những cái bếp tạm bên hè đường, các khu chợ được cấp những dụng cụ kiểm tra có khả năng phát hiện tới 22 chất gây hại.

Không ai biết rõ mức độ nhiễm hóa chất trong thực phẩm ở châu Á hay nó tổn hại đến sức khỏe người dân thế nào.

“Đó có thể là thứ bạn ăn vào hôm nay nhưng đến 10 năm sau mới rõ tác động của chúng”, Peter Sousa Hoejskov, một quan chức an toàn thực phẩm tại Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc ở Thái Lan nhận xét.

Những năm gần đây, người Trung Quốc đã nhiều lần phẫn nộ về những vụ bê bối như rượu có methanol, làm ít nhất 11 người chết ở Quảng Châu. Báo chí Thượng Hải đưa tin việc bán đậu phụ giả làm từ thạch cao, màu, và bột.

Ít nhất cả chục trẻ sơ sinh Trung Quốc thiệt mạng và hơn 200 cháu bé khác mắc bệnh vì suy dinh dưỡng sau khi được cho ăn loại công thức tổng hợp làm từ đường và bột gạo có ít chất bổ dưỡng. Trong một vụ khác, mỡ rán được làm từ chất thải, thuốc trừ sâu và dầu công nghiệp.

Một số người Việt Nam - bị chấn động sau khi nghe những tin tức về đồ ăn Trung Quốc nhiễm chất độc - đã thay đổi thói quen ăn uống của mình. Họ tránh các sản phẩm Trung Quốc và sẵn sàng trả thêm tiền – tới 2 USD – để ăn một bát phở tại một nhà hàng có thương hiệu và lắp điều hòa, có biển cam kết không dùng formol hay borax.

“Tôi rất lo”, Dương Thúy Quỳnh, 31 tuổi, đang ăn một bát phở bò thay vì phở gà, vì cô sợ nhiễm cúm gia cầm. “Tôi sẵn sàng trả thêm tiền để bảo vệ mình và gia đình”.

Theo AP/Vnexpress

MỚI - NÓNG
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
TPO - TIN NÓNG ngày 28/3: Thêm một Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt vì nhận hối lộ; Tạm giữ hình sự tài xế lái xe khách tông chết người rồi bỏ trốn; Người đàn ông bị ‘bắt cóc’ lên ô tô đưa đi ký giấy nợ mua bán thiên thạch; Nhà hàng tuyển cả trăm tiếp viên múa thoát y, bán dâm cho khách nam và nữ...