Bài thuốc bổ khí và bổ huyết

Bài thuốc bổ khí và bổ huyết
TP - Y gia xưa thường nói: “Đông chủ bế tàng”. Mùa đông là giai đoạn sinh vật tích trữ vật chất và năng lượng, để chống rét. Vì vậy, mùa đông cũng là giai đoạn sử dụng thuốc bổ có lợi nhất để bồi bổ cơ thể và chữa trị các bệnh mạn tính do cơ thể suy nhược gây nên.
Bài thuốc bổ khí và bổ huyết ảnh 1
Nhân sâm

Thuốc bổ Đông y thường được  chia 4 loại chính:  Thuốc bổ khí, thuốc bổ huyết, thuốc bổ âm và thuốc bổ dương. Những vị thuốc bổ thông dụng nhất thuộc 4 loại bổ nói trên là:

- Thuốc bổ khí: Nhân sâm, đẳng sâm, tây dương sâm (sâm Hoa Kỳ), hoàng kỳ, bạch truật, sơn dược (củ mài), đại táo (táo tàu)...

- Thuốc bổ huyết: Đương quy, thục địa, a giao, hà thủ ô, tang thầm (trái dâu tằm), long nhãn nhục...

- Thuốc bổ âm: Sa sâm, ngọc trúc, mạch đông, bách hợp, câu kỷ tử, hắc chi ma (vừng đen)...

- Thuốc bổ dương:  Lộc nhung, đông trùng hạ thảo, cửu thái tử (hạt hẹ), cáp giới (tắc kè), đỗ trọng, hạch đào  nhục...

Vậy cần sử dụng những loại thuốc bổ nói trên như thế nào? 

Khi dùng thuốc chữa trị bệnh tật, cũng như khi dùng thuốc với mục đích bồi bổ  nguyên khí, Đông y luôn tuân theo nguyên tắc  “Biện chứng luận trị”; đối với trường hợp dùng thuốc bổ, thì gọi là “Biện chứng thi bổ” hoặc “Biện chứng tiến bổ”.

Kinh nghiệm thực tế lâm sàng cho thấy, có phân biệt rõ  “hư thực” của âm dương khí huyết, dùng thuốc phù hợp với đặc điểm thể chất của từng người, mới có thể phát huy tác dụng tốt của thuốc và không dẫn tới những hậu quả ngoài sự mong muốn.

Trước hết, xin đề cập đến vấn đề  “Biện chứng thi bổ” đối với loại thuốc bổ khí huyết:

Bài thuốc bổ khí và bổ huyết ảnh 2
Đẳng sâm

Thuốc bổ khí

Chủ yếu dùng để chữa chứng bệnh mà Đông y gọi là "Khí hư" ( "khí"  không đầy đủ, đã bị suy yếu hoặc hư tổn).

Người có cơ địa “khí hư” thường có những biểu hiện chủ yếu như sau: Sắc diện nhợt nhạt, cơ thể mệt mỏi, hay ra mồ hôi, chân tay yếu mỏi, đuối sức, hơi thở yếu, suyễn thở,  chán ăn, ăn vào đầy tức, đại tiện lỏng nhão, chất lưỡi trắng, mạch đập yếu.

“Khí hư” ảnh hưởng nhiều nhất đến chức năng của hai tạng Phế và Tỳ. Vì vậy thuốc bổ khí cũng có cả tác dụng bổ Phế và  bổ Tỳ.

Những phương thuốc thường dùng:

1. Tứ quân tử thang: Dùng nhân sâm 12g, bạch truật 9g, phục linh 9g, cam thảo 4,5g, sắc nước uống.

Là bài thuốc bổ khí kinh điển, cơ bản nhất. Bài thuốc  sử dụng nhân sâm để đại bổ nguyên khí. Cũng là chủ dược trong bài thuốc (vị thuốc chính).

Nhân sâm đắt tiền, nếu hoàn cảnh kinh tế không cho phép, có thể thay thế bằng đẳng sâm, có cùng tác dụng nhưng cường độ yếu hơn, nên phải tăng liều lượng gấp 2-3 lần; Phối hợp với bạch truật và phục linh có tác dụng kiện Tỳ trừ thấp; cam thảo hỗ trợ tác dụng bổ khí của nhân sâm và điều hòa Tỳ vị.

Bài thuốc có tác dụng khôi phục sức khỏe rất tốt. Bổ khí mà không gây ứ trệ, có thể dùng lâu mà không gây tác hại, cho nên mới được người xưa mệnh danh là "tứ quân tử" - 4 vị quân tử.

Trên lâm sàng, rất nhiều loại thuốc bổ khí khác, được thiết lập trên cơ sở gia giảm phương thuốc cơ bản này.

2.  Dị công tán: Nhân sâm 12g, bạch truật 9g, phục linh 9g, cam thảo 4,5g, trần bì 6g; tán thành bột hoặc sắc nước uống.

Bài “Dị công tán” là "Tứ quân tử" thêm vị "trần bì" (vỏ quít để lâu ngày). Có tác dụng bổ khí ở Tỳ vị mạnh hơn; dùng trong trường hợp "khí hư" nhưng thiên về "khí trệ", biểu hiện bởi các chứng trạng: Ân uống khó tiêu, ngực bụng đầy tức; bài này còn thường dùng để chữa trị trẻ suy dinh dưỡng, chán ăn, tiêu hóa kém.

3. Lục quân tử thang (còn gọi là Kiện tỳ hóa đàm thang): Nhân sâm 12g, bạch truật 9g, phục linh 9g, cam thảo 4,5g, trần bì 6g, bán hạ 6g; sắc uống.

Là bài "Tứ quân tử" thêm hai vị "trần bì" và "bán hạ", để tăng cường tác dụng trừ đờm. Trên lâm sàng cũng thường dùng chữa viêm khí quản mạn tính trong thời kỳ bệnh tạm ổn định (không phát tác) và một số chứng bệnh khác thuộc đường tiêu hóa.

4. Hương sa lục quân tử thang (còn gọi là Kiện tỳ hoà vị thang): Nhân sâm 12g, bạch truật 9g, phục linh 9g, cam thảo 4,5g, mộc  hương 8g, sa nhân 6g; sắc uống.

Là "Lục quân tử" thêm hai vị "mộc hương" (hoặc "hương phụ", tức củ gấu) và "sa nhân". Bài này thường dùng chữa tiêu hóa ứ trệ, ngực bụng đau tức, ợ chua, nôn mửa, bụng sôi ỉa lỏng;  còn dùng chữa các chứng viêm loét, tiêu chảy mạn tính, rối loạn chức năng dạ dày và ruột.

5. Quy thược lục quân tử thang (còn gọi là Kiện tỳ nhu can thang): Nhân sâm 12g, bạch truật 9g, phục linh 9g, cam thảo 4,5g, đương quy 10g, bạch thược 10g; sắc uống.

Là "Lục quân tử" thêm hai vị "đương quy" và "bạch thược". Dùng cho những trường hợp khí huyết bất túc, hai tạng Can và Tỳ đều suy, với những triệu chứng: toàn thân hư nhược, ăn uống giảm sút, ngực bụng đầy trướng, bốc hỏa, mất ngủ ...

Trên lâm sàng thường dùng để chữa trị những bệnh nhân viêm gan mạn tính, xơ gan thời kỳ đầu, phụ nữ kinh nguyệt không điều hòa và một số bệnh mạn tính với những triệu chứng giống như khí hư.

Bài thuốc bổ khí và bổ huyết ảnh 3
Đương quy

Thuốc bổ huyết

Theo lý luận về Tạng tượng học: "Tâm chủ huyết", "Can tàng huyết";  các chứng trạng "huyết hư" có liên quan mật thiết tới hai tạng Tâm và Can. Vì vậy thuốc bổ huyết chủ yếu là bổ Tâm và Can.

Chứng huyết hư  có những biểu hiện chủ yếu như sau: Sắc diện không tươi, môi nhợt nhạt, kinh qúy (tim đập dồn dập, loạn nhịp từng cơn), bồn chồn, dễ hoảng sợ, mất ngủ, hay mộng mị, đầu choáng mắt hoa, mắt nhìn không rõ, chân tay co giật hoặc tê dại, móng tay móng chân nhợt nhạt, phụ nữ kinh đến chậm, kinh huyết ít hoặc là bế kinh.

Các bài thuốc chính:

1. Tứ vật thang: Thục địa 15g, đương quy 10g, bạch thược 10g, xuyên khung 6g; sắc uống.

Thục địa có tác dụng bổ ích Can Thận, tư âm dưỡng huyết là chủ dược (quân dược); đương quy bổ huyết, hoạt huyết, điều kinh và chỉ thống; bạch thược bổ huyết, liễm huyết; xuyên khung hoạt huyết, hành khí và giải uất. Bốn vị phối hợp, vừa có tác dụng bổ huyết, lại có thể hành huyết hóa ứ và điều kinh.

Tứ vật thang là phương thuốc cơ bản chữa chứng "huyết hư". Tuy nhiên, 2 vị thuốc thục địa và bạch thược đều là những thứ  "âm trệ" - dễ gây ứ trệ, làm trở ngại đến "khí cơ" (hoạt động của khí), vì vậy những người Tỳ vị yếu, kém ăn, đi ỉa lỏng không nên lạm dụng.

2. Ngải phụ noãn cung hoàn: Thục địa 15g, đương quy 10g, bạch thược 10g, xuyên khung 6g, ngải cứu 8g, hương phụ 12g; sắc uống.

Là bài “Tứ vật thang” gia thêm 2 vị ngải cứu và hương phụ (củ gấu). Có tác dụng bổ huyết, an thai; dùng cho phụ nữ tử cung hư lãnh, kinh nguyệt không điều, khó thụ thai.

3. Đào hồng tứ vật thang: Thục địa 15g, đương quy 10g, bạch thược 10g, xuyên khung 6g, đào nhân 8g, hồng hoa 6g; sắc uống.

Là bài “Tứ vật thang” thêm 2 vị đào nhân (nhân hạt đào) và hồng hoa (chú ý: “hồng hoa” không phải “hoa hồng”). Có tác dụng bổ huyết và hóa ứ; dùng cho những trường hợp huyết hư kiêm ứ trệ, kinh nguyệt không điều hòa, kinh huyết có nhiều huyết khối, bụng dưới đau nhức.

Hiện tại còn được ứng dụng để chữa trị một số dạng ứ huyết và xuất huyết trong nhãn khoa.

4. Quy tỳ thang (còn gọi là Dưỡng tâm thang): Nhân sâm 12g, hoàng kỳ 12g, bạch truật 12g,  phục thần 12g, toan táo nhân 12g, long nhãn nhục 8g, đương quy 8g, viễn chí 4g,  mộc hương 1,5g, cam thảo  1,5g, gừng tươi 3 lát, hồng táo 3 qủa; sắc uống.

Là bài thuốc ứng dụng đối với những trường hợp "khí huyết bất túc" - khí và huyết đều suy; do tư lự qúa độ, tâm tỳ lao thương, với những biểu hiện: tim hồi hộp, mất ngủ, đạo hãn (ra mồ hôi trộm), mệt mỏi, kém ăn, sắc diện úa vàng, phụ nữ kinh nguyệt trước kỳ, kinh huyết nhiều, sắc huyết nhợt, hoặc máu ra lâm li không ngớt. Còn dùng chữa thần kinh suy nhược, thiếu máu, tử cung xuất huyết, ban xuất huyết...

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.