Bệnh liên cầu lợn dễ chẩn đoán nhầm

Bệnh liên cầu lợn dễ chẩn đoán nhầm
TP - Theo các chuyên gia dịch tễ và bác sĩ điều trị những bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn rất dễ nhầm lẫn và bị bỏ qua, sẽ tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Trên thế giới tỉ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn khoảng 18%.
Bệnh liên cầu lợn dễ chẩn đoán nhầm ảnh 1
Bệnh nhân H.V.T đang điều trị tại Bệnh viện T.Ư Huế với đầu mũi thâm tím

Hôm qua (23/7), TS Nguyễn Văn Bình - Cục phó Cục Y tế dự phòng Việt Nam (Bộ Y tế) cho biết Bộ đã cử Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, Viện Truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia tham gia tổ công tác về bệnh liên cầu khuẩn lợn của bên ngành thú y.

Tổ công tác này sẽ tới các tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị và Đà Nẵng thu thập các thông tin, đề xuất giải pháp đối phó với bệnh dịch này.

Cùng ngày, tin từ Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cho biết, hôm nay (24/7) bệnh nhân Ngô Xuân Long (Ứng Hòa, Hà Tây), trường hợp mắc liên cầu khuẩn lây từ lợn sẽ xuất viện nếu kết quả dịch não tủy bình thường.

TS Nguyễn Đức Hiền - Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cho hay năm 2007 là năm Viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn nhất. Hiện nay Viện đã có hệ thống xét nghiệm cho kết quả chính xác bệnh của từng trường hợp.

Thừa Thiên - Huế: Phát hiện hai bệnh nhân nghi nhiễm bệnh liên cầu lợn

Tin từ Bệnh viện T.Ư Huế, chiều 23/7, đã có hai bệnh nhân cấp cứu tại Khoa Cấp cứu- Hồi sức có các biểu hiện nghi bị nhiễm bệnh liên cầu lợn.

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân T.V.T (58 tuổi) trú tại thôn Đốc Sơ, phường An Hòa- Huế, nhập viện trong tình trạng sốt cao, cơ thể lạnh, huyết áp tụt, trong quá trình điều trị một số vùng trên cơ thể bị xung huyết theo triệu chứng của bệnh liên cầu lợn (streptococcus suis)- bệnh kế phát của hội chứng bệnh tai xanh ở lợn, khi bác sĩ thực hiện cấy máu đã phát hiện vi khuẩn liên cầu không tan máu.

Theo lời khai của người nhà trong hồ sơ bệnh án, trước đó vài ngày, bệnh nhân T.V.T có ăn thịt lợn bị chết, sau đó đau bụng, đi cầu nhiều lần phân lỏng và sốt cao, huyết áp tụt. Hôm qua (23/7), với tiên lượng bệnh nhân không qua khỏi, người nhà đã xin đưa ông T.V.T về nhà.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân H.V.T (75 tuổi), trú ở xã Hương Vinh- huyện Hương Trà, vào viện ngày 22/7 với các triệu chứng tương tự bệnh nhân T.V.T, như: sốt, cơ thể lạnh, run, đi cầu nhiều lần phân lỏng, mũi bị tím bầm (xung huyết), tụt huyết áp. Bệnh nhân H.V.T cho biết, cách đây 4 ngày, ông có mua thịt lợn ở chợ Bao Vinh (xã Hương Vinh) về ăn, sau đó phát bệnh.

Quảng Bình: Xuất hiện cúm gia cầm

Chiều 23/7, các cơ quan chức năng và huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã thực hiện việc tiêu hủy đàn vịt gần 2.000 con của các ông Nguyễn Văn Dương và Trần Công Dương (Cam Thủy - Lệ Thủy).

Các chủ hộ cho biết, đàn vịt này được mua từ Hà Tĩnh. Sau khi chăn thả được 3 ngày thì gần 300 con vịt đã chết. Cơ quan Thú y đã kịp thời mang bệnh phẩm đi xét nghiệm . Kết quả xét nghiệm cho thấy số vịt chết mang vi rút cúm gia cầm.

UBND huyện đã khẩn trương chỉ đạo các địa phương lân cận tích cực phát hiện các triệu chứng bất thường, triển khai ngay các biện pháp chuyên môn bao vây diệt dịch không để lây lan.

MỚI - NÓNG