Bệnh tật 'ăn theo' triều cường

Bệnh tật 'ăn theo' triều cường
TP - Mỗi đợt triều cường, người dân TPHCM không chỉ khốn đốn trong sinh hoạt, buôn bán…  mà còn nhiễm các bệnh về da, sốt xuất huyết và tiêu chảy.

“Từ gần tháng nay ngày nào gia đình tôi muốn ra khỏi nhà cũng lội nước bom bỏm vì triều cường gây ngập úng. Sợ nhất là nước cống, nước thải từ các nhà vệ sinh bị ngập và nước bẩn từ chuồng heo hôi thối tháo ra” - Bà Nguyễn Thị Hồng một hộ dân sống ở đường Hoàng Hữu Nam, quận 9 than thở. 2 người con của bà bị bệnh nấm kẽ chân gần 1 tuần nay vì bị nước bẩn “ăn chân”.

Đây cũng là bệnh phổ biến nhất của người dân thành phố trong những đợt triều cường. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất phải kể đến người dân 2 phường Trường Thọ và Linh Đông ở quận Thủ Đức.

Chị Trần Xuân Sang ở đường số 2 phường Trường Thọ bức xúc: Mỗi tháng vùng này đều hứng chịu 2 đợt ngập kéo dài cả 10 ngày nên cứ phải sống chung với nước bẩn.

“Hậu triều cường” là những hàng đống rác rưởi, xác động vật thối rữa, cộng với nước cống, nước từ nhà vệ sinh làm cho khu vực này khi nào cũng bốc mùi thối dữ dội, rất dễ gây bệnh về da.

Ông Đào Văn Hùng, 37 tuổi ở số 44, đường số 2, phường Trường Thọ vẫn lội bì bõm trong sân nhà cho dù triều cường đã rút đi từ lâu mặc dầu bàn chân ông bị nấm kẽ chân hành hạ từ hơn 1 tuần qua.

“Nước từ dòng kênh bẩn Cầu Ván đổ vào nhà khi triều cường lên. Cứ mỗi lần nước ngập là tôi bị căn bệnh ngoài da hành hạ, con cái thì bị tiêu chảy” - Ông Hùng nói.

Nhiều hộ dân sống ở khu phố 4, 5, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức cũng cùng chung cảnh ngộ. Chị Hoàng Thị Nga ở khu phố 5 phường Hiệp Bình Chánh nói: “Ở gần nhiều chuồng bò, chuồng heo của người dân nuôi, mỗi khi nước lên đi lại ai cũng bị ghẻ lở, nhiễm trùng nhiễm nấm”.

Chị Trần Hoàng Liên, ở khu phố 7, phường Hiệp Bình Chánh cho biết: Do lội nước nhiều nên gia đình chị có 5 người thì đã có 3 người mắc các bệnh về da. Nguy hiểm là cô con gái thứ 2 của chị bị chàm nứt nẻ, cộng thêm bị tiêu chảy liên tục.

Trong khi đó, người dân ở phường Linh Đông (Thủ Đức) lại chịu những đợt muỗi tấn công mỗi khi triều cường rút.

Anh Nguyễn Minh Thành ở khu phố 8 kể, 5 năm về sống ở đây, anh đã quen với cảnh “sống chung” cùng bệnh tật sau mỗi đợt triều cường. 2 đứa con của anh đang còn học tiểu học đã nhiều lần phải nhập viện vì sốt xuất huyết.

“Gần 5 năm “sống chung” với nguy cơ bệnh tật vì môi trường ô nhiễm nhưng mới chỉ có 2 lần cán bộ y tế đến xịt thuốc trừ muỗi và xử lý môi trường” - Anh Thành nói.

Bệnh tật 'ăn theo' triều cường ảnh 1
Anh Đào Văn Hùng ở phường Trường Thọ quận Thủ Đức bức xúc vì căn bệnh nấm chân hành hạ do sống trong vùng ngập

Bệnh tật còn treo lơ lửng!

Tại Bệnh viện Da liễu TPHCM, gần 1 tháng trở lại đây, số bệnh nhân mắc các bệnh về da do môi trường nước nhiễm bẩn gia tăng.

Tại phòng khám của bệnh viện này ghi nhận mỗi ngày tiếp nhận cả 100 bệnh nhân mắc bệnh về da, chủ yếu là nấm kẽ chân, nấm bẹn, nấm thân do nhiễm trùng.

Hầu hết là các bệnh nhân đến từ các quận ngập nặng do mưa và triều cường như Thủ Đức, quận 6, 9, 12…

Theo bác sĩ Lý Hữu Đức, Bệnh viện Da liễu TPHCM, đường phố ngập úng, người dân sống “ngâm” trong nước nhiều ngày cộng với môi trường nhiễm bẩn, nếu thường xuyên đi lại thì mắc bệnh về da là điều khó tránh khỏi.

Bác sĩ Đức cho biết: Các bệnh hoành hành nhiều là nhiễm trùng, nhiễm nấm kẽ chân, mề đay do nước mưa, chàm nứt nẻ, ghẻ ngứa hay nấm bẹn nấm thân.

Bác sĩ Lý Hữu Đức cho biết khi bị bệnh nhiễm trùng - nhiễm nấm kẽ chân cần ngâm chân vào nước ấm với thuốc tím pha loãng ngay sau khi phải lội nước về nhà.

Trong mùa lũ lụt, tại các khu dân cư tập trung chạy lũ, điều kiện sinh sống, vệ sinh cá nhân thiếu thốn do thiếu nước sinh hoạt sẽ phát sinh bệnh ghẻ ngứa nên cần nấu luộc quần áo cẩn thận bằng nước sôi.

Có thể dùng thêm thuốc chống ngứa hay kháng sinh phổ rộng  nếu có bội nhiễm.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, số ca mắc sốt xuất huyết ở người lớn cũng gia tăng rất mạnh.

Bác sĩ Trần Tịnh Hiền - PGĐ Bệnh viện Nhiệt đới cho hay, gần 1 tháng trở lại đây,cơ sở này đã tiếp nhận gần 100 ca mắc ở người lớn, đa số các ca mắc sốt xuất huyết đều là dân nhập cư từ phía Bắc sống ở môi trường bẩn, hay ngập nước.

Tuy nhiên, khi triều cường rút, môi trường vẫn không được làm sạch, nước đọng lại tạo điều kiện cho lăng quăng gây bệnh sinh sôi.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, 2 mỗi ngày tiếp nhận hơn 80 ca đến khám và điều trị các bệnh về sốt và tiêu chảy.

Theo bác sĩ Phan Văn Nghiệm - Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế, trong giai đoạn dịch tiêu chảy cấp hoành hành hiện nay, việc người dân làm sạch môi trường sống, môi trường ăn uống là rất cần thiết.

Hiện tại các vùng trồng rau bị ngập, rất dễ nhiễm các vi trùng gây bệnh do ô nhiễm từ các nguồn nước… nên nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Đặc biệt là các hàng quán ăn uống không đảm bảo vệ sinh, ăn uống trong vùng ngập úng luôn là điều kiện thuận lợi cho nhiều bệnh tật phát triển. 

MỚI - NÓNG