Cà chua: Chống lão hóa và ngừa ung thư

Cà chua: Chống lão hóa và ngừa ung thư
Cà chua góp phần làm cho món ăn, nước uống trở nên ngon và bổ hơn. Ngày nay khoa học còn khám phá thêm những  tác động của cà chua đến sức khoẻ con người.

Mấy ai biết được trong suốt 3 thể kỷ, cà chua bị xem là quả độc, cấm trồng. Ở vùng Andes xa xôi ở Nam Mỹ, cà chua được người Tây Ban Nha đem về châu Âu từ thế kỷ 16 và gọi tên theo tiếng thổ dân Mỹ là "tomato".

Các nhà thực vật học xếp cà chua vào họ cà chung nhóm với loại cà gây độc chết người, đó là cà độc dược. Vì nghĩ rằng cà chua tuy có màu đỏ đẹp nhưng độc nên người ta chỉ trồng làm cảnh và đặt cho nó biệt danh "trái đào của chó sói".

Đến năm 1776, cà chua còn được thực dân Anh âm ưu cùng đầu bếp riêng của tướng George Washington dùng làm thực phẩm để đầu độc vị tướng tài ba này. Thế nhưng dù ăn hết cả món ăn được nấu với "cà độc" tướng  Washington vẫn bình yên vô sự và còn đánh thắng thực dân Anh để trở thành Tổng thống đầu tiên của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Sở dĩ cà chua bị nỗi oan như thế là  vì quả cà chua còn xanh có chứa một loại alcaloid độc tố tên là solanin và khi cà chua chín thì độc tố này không còn.

Mãi đến năm 1778, cà chua mới được xem là trái cây ăn được. Cách mạng Pháp, cà chua lên ngôi và được gọi bằng tên mỹ miều "táo vàng", "táo tình yêu" và có mặt trong các thực đơn của nhà hàng Paris.

Đầu thế kỷ 20, cà chua được di thực vào nước ta rồi sau đó được trồng và thu hoạch theo diện rộng.

Bổ dưỡng

Hàm lượng sinh tố: Khi cà chua chín, màu đỏ tươi của cà chua tạo nên vẻ đẹp rất bắt mắt trong việc trình bày món ăn.

Màu đỏ của cà chua cũng cho thấy hàm lượng vitamin A thiên nhiên trong cà chua cao, trung bình 100g cà chua chín tươi sẽ đáp ứng được 13% nhu cầu hàng ngày về vitamin A, vitamin B6, vitamin C. Ngoài ra, còn có vitamin B1, B2.

Chất bổ dưỡng: Đạm, đường, béo và cung cấp ít năng lượng rất thích hợp với người sợ mập.

Khoáng vi lượng: Calci, sắt, kali, phosphor, magnesium, lưu huỳnh, nickel, cobalt, iod, các axid hữu cơ dưới dạng muối citrat, malat và tuỳ môi trường trồng mà cà chua còn có đồng, molibden.

Chính nhờ các yếu tố ấy, mà cà chua được xem là một thực phẩm giàu chất dinh dưỡng để tiêu hoá, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Vào mùa đông cà chua kém chất lượng, do thường chứa dư lượng thuốc trừ sâu. Cà chua chín héo do hái trái khi còn xanh để dễ vận chuyển rồi ủ chín nhân tạo, thường không có hương vị đậm đà như cà chua chín tự nhiên ở trên giàn hoặc trong nắng hè.

Chống lão hoá và phòng ngừa ung thư

Sắc tố Lycopen có trong cà chua, hiện đang được đánh giá cùng với beta - carôten là những chất chống ôxy hoá mạnh, vừa ngăn chặn tế bào ung thư, vừa chống sự hình thành của các cục máu đông trong thành mạch máu.

Theo năm tháng, các gốc tự do nội sinh và ngoại sinh trong cơ thể sẽ phá huỷ các DNA và RNA (những phân tử di truyền trong tế bào), tạo  nên đột biến gen gây ung thư, đồng thời phá hủy tế bào, thoái biến các cơ quan dẫn đến bệnh tật, già yếu rồi tử vong.

Những phát hiện gần đây cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa vitamin A và ung thư, nhất là vitamin A dưới dạng thiên nhiên beta - caroten. Một báo cáo tại Anh cho thấy lượng vitamin A thấp trong máu thường dẫn đến ung thư đường tiêu hoá và phổi.

Trên bình diện lâm sàng, nhiều cuộc nghiên cứu như của GS Degos ở Pasis đã đạt được những kết quả khả quan trong việc điều trị ung thư trong máu dạng tiền tủy bào (promyelocyte) bằng cách sử dụng vitamin A.

Một công trình nghiên cứu thuộc khoa Y trường đại học Harvard theo dõi thói quen ăn uống của gần 90.000 nữ y tá thì thấy: những người ăn nhiều rau quả chứa vitamin A thiên nhiên thì nguy cơ vỡ  mạch máu não thấp hơn hẳn những người ít ăn thực phẩm giàu vitamin A. Đó là nhờ vitamin A giúp ngăn ngừa tích lũy cholesterol trên thành mạch nên tránh được tình trạng vỡ mạch máu não.

Tuy nhiên, công trình nghiên cứu chưa kết luận được việc uống vitamin A có đem lại hiệu quả như dùng thực phẩm giàu vitamin A hay không?

Như vậy, cà chua với bêta caroten và lycopen sẽ góp phần làm chậm quá trình lão hoá và phòng ngừa ung thư.

Theo Mỹ thuật

MỚI - NÓNG