Chăm sóc sức khoẻ trong thai kỳ

Chăm sóc sức khoẻ trong thai kỳ
Đối với phụ nữ đang mang thai, không có gì quan trọng hơn việc chăm sóc và giữ gìn sức khoẻ cho chính mình - cũng là cho cả thai nhi.

Chắc chắn là bạn sẽ nhận được nhiều lời khuyên từ bác sĩ, các thành viên trong gia đình, bè bạn, đồng nghiệp, thậm chí là từ những người hoàn toàn xa lạ… về những điều bạn nên và không nên làm trong thời kỳ mang thai.

Tuy nhiên, việc giữ gìn sức khoẻ trong thời kỳ này lại phụ thuộc hoàn toàn vào bạn, do đó bạn nên trang bị cho mình những thông tin cần thiết về các cách giữ gìn sức khoẻ bạn và em bé của bạn.

Chăm sóc sức khoẻ trong giai đoạn mang thai

Chìa khoá để bảo vệ sức khoẻ em bé là chăm sóc thường xuyên sức khoẻ trong giai đoạn mang thai. Do đó nếu bạn nghi ngờ mình có thai, hãy lập tức đến cơ sở y tế để kiểm tra và chuẩn bị các thông tin cần thiết để chăm sóc sức khoẻ mình thích hợp.

Bạn nên kiểm tra lần đầu trong thời gian thai nhi được 6-8 tuần nếu bạn phát hiện mình trễ kinh 2-4 tuần.

Trong lần thăm khám đầu tiên này, bác sĩ sẽ tính toán và thông báo cho bạn biết bạn đã mang thai được mấy tuần, dựa vào kết quả thăm khám và vào thời gian bạn trễ kinh.

Bác sĩ cũng sẽ dựa vào thời gian mang thai này để dự báo cho bạn ngày sẽ sinh em bé (tuy nhiên thường điều này được thông báo kết hợp với siêu âm để cho ngày sinh chính xác).

Nếu bạn khoẻ mạnh và không có các nhân tố có nguy cơ gây biến chứng, bạn có thể đến bác sĩ khám định kỳ theo thời gian sau:

Mỗi 4 tuần/1 lần cho đến tuần thứ 28 của thai kỳ

Mỗi 2 tuần/1 lần cho đến tuần 36 của thai kỳ

Sau đó là mỗi tuần 1 lần cho đến khi sinh

Trong suốt thời gian bạn mang thai, bác sĩ của bạn sẽ kiểm tra cân nặng và huyết áp cũng như kiểm tra sự lớn lên và phát triển của bào thai (bằng các cách như bắt mạch ở bụng bạn, nghe nhịp đập tim của thai nhi bắt đầu từ quý thứ hai của thai kỳ, đo bụng của bạn).

Bạn cũng sẽ được thực hiện các kiểm tra trước khi sinh, bao gồm xét nghiệm máu, nước tiểu, kiểm tra tử cung và siêu âm ít nhất là một lần.

Nếu bạn cảm thấy không yên tâm và cần có một chuyên gia sức khoẻ để khuyên bảo và điều trị cho bạn trong thời gian mang thai, bạn có thể chọn lựa: bác sĩ khoa sản, bác sĩ gia đình (có kinh nghiệm về khoa sản), nữ hộ sinh có chứng nhận (chuyên chăm sóc sức khoẻ phụ nữ, bao gồm chăm sóc trong thời gian trước khi sinh, biết xử trí các cơn chuyển dạ và đỡ đẻ)…

Dinh dưỡng và bổ sung dưỡng chất

Bạn không nên cắt giảm lượng calori trong thời gian mang thai. Nếu đang ăn kiêng, bạn cũng nên tạm ngưng lại. Giai đoạn này, bạn cần nạp thêm khoảng 300 calori mỗi ngày, đặc biệt trong giai đoạn thai nhi đang lớn nhanh.

Nếu bạn quá gầy hay đang mang song thai, bạn cần ăn nhiều hơn nữa. Nhưng nếu bạn bị béo phì, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để giảm bớt lượng calori nạp thêm vào.

Ăn uống lành mạnh lúc nào cũng quan trọng, đặc biệt khi bạn đang mang thai. Vì vậy, hãy bảo đảm lượng calori bạn nạp vào phải đến từ nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng có thể góp phần vào sự lớn lên và phát triển của thai nhi.

Hãy cố gắng duy trì chế độ ăn cân bằng kết hợp chặt chẽ các nguyên tắc ăn uống, bao gồm: Thịt nạc, Trái cây, Rau củ, Bánh mì ngũ cốc nguyên chất, Các sản phẩm bơ sữa ít béo.

Bạn cũng cần thu nạp nhiều dưỡng chất thiết yếu, đặc biệt canxi, chất sắt, axit folic hơn trước khi mang thai. Bác sĩ cũng sẽ kê đơn cho bạn các vitamin để đảm bảo đủ cho cả bạn và sự tăng trưởng của em bé.

Tuy nhiên, dùng vitamin trong thời gian mang thai không có nghĩa là bạn có thể ăn chế độ ăn thiếu dưỡng chất. Bạn phải nhớ rằng ăn uống đầy đủ luôn là điều quan trọng nhất lúc mang thai. 

Canxi

Đa số phụ nữ từ 19 tuổi trở lên, gồm cả phụ nữ mang thai, đều không dùng đủ 1.000 mg canxi mỗi ngày theo lời khuyên của các chuyên gia và các tổ chức sức khoẻ.

Do lượng canxi cần cho chiều cao của con bạn, bạn nên tăng cường tiêu thụ canxi để ngừa mất canxi ở xương bạn. Vì vậy khi kê đơn vitamin cho bạn, có thể bác sĩ sẽ yêu cầu bạn bổ sung canxi.

Các nguồn thực phẩm giàu canxi gồm:

Các sản phẩm bơ sữa ít béo như sữa, bơ, yoghurt, Các sản phẩm củng cố canxi như nước cam, sữa đậu nành và ngũ cốc, Rau cải lá xanh đậm như cải xoăn, bông cải xanh, rau bina, Đậu hũ, Đậu khô, Quả hạnh.

Theo Tường Vy
Tuổi Trẻ/KidsHealth

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.