Chuyện về 'quỹ rủi ro' của bác sĩ

Chuyện về 'quỹ rủi ro' của bác sĩ
Đã qua rồi cái thời bác sĩ nói gì người bệnh nghe đó. Người bệnh ngày càng hiểu biết hơn, đòi hỏi cao hơn. Và gần đây, ngày càng xảy ra nhiều vụ bác sĩ, bệnh viện phải bỏ tiền túi ra bồi thường cho gia đình bệnh nhân do sai sót của mình...

Mới đây, một nhóm bác sĩ của một bệnh viện (BV) chuyên khoa ở Q.5, TP.HCM phải chi 25 triệu đồng để bồi thường cho gia đình của một bệnh nhân vì sai sót của mình trong ca trực hôm đó. Ngoài ra, BV cũng phải chi ra thêm 25 triệu đồng nữa mới "thu xếp êm" vụ việc! Ban đầu, gia đình bệnh nhân "ra giá" 100 triệu đồng, nhưng sau nhiều lần BV xin hạ giá, họ chấp nhận mức cuối cùng là 50 triệu đồng. BV đã buộc nhóm bác sĩ trực phải chịu một nửa, nửa còn lại BV lo!

Trước đó một bác sĩ khác tên C. - thuộc hàng kỳ cựu trong phẫu thuật (đặc biệt là phẫu thuật nội soi) - của một BV đa khoa tầm cỡ cũng phải rút túi đến 90 triệu đồng để bồi thường, lo toàn bộ chi phí ma chay cho gia đình một bệnh nhân khác (bệnh nhân 17 tuổi do bác sĩ này phẫu thuật rồi bị tử vong sau đó). Ở vụ này, một mình bác sĩ C. phải chi vì sai sót cá nhân, hơn nữa cũng để cho êm chuyện...

Hôm trước Tết Nguyên đán vừa qua, một BV đa khoa tư nhân (cũng tại TP.HCM) đã phải chi số tiền lên đến 200 triệu đồng để bồi thường chi phí thuốc men, ma chay... cho một gia đình bệnh nhân khác ngụ ở tỉnh Bình Dương. Bệnh nhân này đột ngột tăng huyết áp trong lúc phẫu thuật, rồi tử vong rất nhanh, các bác sĩ không kịp trở tay. Số tiền mà một người thân của bệnh nhân này yêu cầu BV phải bồi thường là 1 tỉ đồng! Thấy bất hợp lý, nhưng để cho xong chuyện, cuối cùng BV này cũng phải chấp nhận bồi thường 200 triệu đồng. Số tiền này được hai bên giao kèo đưa làm hai lần (mỗi lần 100 triệu đồng).     

Rồi một BV đa khoa công lập khác (cũng trên địa bàn Q.5, TP.HCM) đã méo mặt khi phải bồi thường cho gia đình một bệnh nhân (ngụ ở tỉnh Tây Ninh) chuyển đến điều trị và bị tử vong tại đây do sốc thuốc, với số tiền 60 triệu đồng. Để "lách" tiếng bồi thường, BV này gọi đây là số tiền hỗ trợ gia đình bệnh nhân để lo cho người thân mất. Nhưng thực tế ai cũng biết rằng, đó là số tiền BV bồi thường.

Liên tục những vụ thưa kiện, đòi bồi thường xảy ra, đã làm một số bác sĩ "run" tay, nhất là các phẫu thuật viên và bác sĩ sản phụ khoa! Vì, trong đời cầm dao, kéo của mình, chắc chắn cũng có ngày bị "tổ trác"!

Cùng nhau "giải quyết hậu quả"

Trao đổi với Thanh Niên, Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế TP.HCM) - bác sĩ Phan Văn Nghiệm cho rằng: "Đồng ý cũng có nhiều trường hợp bác sĩ, hoặc BV sai sót, nhưng không đến mức phải bồi thường một số tiền lớn như vậy. Điều đó đã làm cho tình trạng hiện nay, nhiều bác sĩ bị nhát tay, bởi không chỉ sợ bị kiện thưa, bồi thường tiền, mà quan trọng nhất là y, bác sĩ sợ bị tai tiếng trong giới đồng nghiệp, và cả ngoài xã hội. Chính vì điều đó, cần thiết có một hội đồng chuyên môn độc lập để xem xét từng vụ cụ thể...".

Gần đây, ở một số BV trên địa bàn TP.HCM đã ra đời một loại "quỹ" mới, có tên gọi hơi khác nhau về từ ngữ như: "quỹ rủi ro", "quỹ giải quyết hậu quả", "Kinh phí giải quyết hậu quả"..., nhưng đều có cùng một mục đích là để dành sẵn một khoản tiền giải quyết hậu quả nếu có sai sót từ phía BV, hoặc bác sĩ!

Tại cuộc họp toàn thể cán bộ công nhân viên chức ở một BV mới đây, ban giám đốc đã bàn với y, bác sĩ về việc thành lập "kinh phí giải quyết hậu quả". Tinh thần chung là, toàn bộ nhân viên BV cùng đóng góp (bằng việc trích một khoản trong phần lĩnh tiền viện phí hằng tháng của mỗi người) góp vào quỹ, để nếu có sự vụ xảy ra, thì dùng số tiền này "chi trả" chứ không để một mình cá nhân y, bác sĩ nào đó phải chịu, vì sẽ rất nặng. Nếu cuối năm, tổng kết lại, y, bác sĩ nào không để xảy ra vụ bồi thường nào, thì sẽ được nhận lại khoản tiền đã góp vào quỹ đó. Phần đông y, bác sĩ đã thống nhất với phương án này!

Ở một BV tư nhân khác cũng vừa họp bàn về việc thành lập "quỹ rủi ro".  Dự kiến, đối tượng đóng góp vào quỹ là các bác sĩ ngoại khoa và bác sĩ sản khoa (hai lĩnh vực dễ xảy ra rủi ro, tai biến). Góp bằng cách, trích một khoản từ tiền bác sĩ nhận thù lao ở mỗi ca phẫu thuật mà họ được lĩnh.

Một BV chuyên khoa công lập khác thì hằng tháng họ chuẩn bị sẵn số tiền lên đến gần cả trăm triệu đồng để gọi là "giải quyết hậu sự", nếu có xảy ra! Tiền này được trích ra từ những khoản thu nhập riêng của BV...        

Chưa hết, còn có một dạng bồi thường khác không phải bằng tiền mặt.  Theo đó BV không tính tiền viện phí, thuốc men điều trị (nhiều vụ tính ra cũng hàng chục triệu đồng). Rồi nhiều trường hợp, bệnh nhân đòi đến điều trị tại một BV khác, nhưng chi phí bao nhiêu thì bác sĩ (người gây ra hậu quả) phải chi trả! 

Song song với những giải pháp "chữa cháy" ấy, nhiều nhà chuyên môn cho rằng, cần thiết phải có một tổ chức, một hội đồng trung gian sẽ đứng ra xem xét rõ ràng. Nếu tai biến do sự sai sót từ phía bác sĩ, BV thì bác sĩ, BV đó phải bồi thường. Nhưng mức bồi thường cũng phải dựa trên một cơ sở hợp lý, chứ không phải muốn "hét" bao nhiêu cũng được. Trên thực tế, nhiều trường hợp bác sĩ, BV không sai, nhưng do không hiểu nên thân nhân bệnh nhân bức xúc (nhất là những trường hợp mới thấy người bệnh khỏe đó, nhưng rồi lại tử vong).  

Theo Thanh niên

MỚI - NÓNG