"Con nghiện" hàng hiệu

"Con nghiện" hàng hiệu
Nếu không biết gì về hàng hiệu, bạn sẽ chẳng thể nào hiểu nổi tại sao một cô gái dám bỏ ra 18 triệu đồng để mua 1 cái áo len chun mỏng không tay màu đen có đính vài hạt pha lê nhỏ.

Thời trang trong nước đang có những bước tiến đáng kể với nhiều tên tuổi nhà tạo mốt được biết đến. Thế nhưng, con số những người chỉ lựa chọn hàng hiệu của nước ngoài cũng không phải là ít. Và họ lại là những người có túi tiền nặng.

Thời trang của người nước ngoài đã có bề dày phát triển hơn 100 năm. Uy tín thương hiệu được tích lũy qua một thời gian dài, sản phẩm ngày càng trở nên có giá trị. Những CK, DKNY, Versace, Armani, Pierre Cardin, Yves Saint Lauren, Chanel... luôn luôn được người yêu thích thời trang ngưỡng mộ.

Những ngôi sao điện ảnh, ca nhạc của thế giới sử dụng sản phẩm của các hãng này. Hơn nữa, các thương hiệu đó được quảng cáo rất bài bản và liên tục trên các phương tiện truyền thông của thế giới, tạo hình ảnh hàng đầu trong các làn sóng mốt mới. Về chất lượng sản phẩm thì khỏi phải bàn, kiểu dáng trang phục đẹp và luôn gây ấn tượng cho người mặc. Với biết bao ưu điểm nổi trội đó của hàng nước ngoài, những người mê thời trang nước ta quả là “chết đứ đừ” trước sức quyến rũ của thời trang hàng hiệu.

Những người mê hàng hiệu thường rất “kết” với một thương hiệu nào đó. Khi đã “say” thì “con nghiện” luôn tìm kiếm thông tin về thương hiệu đó để mua được những món hàng “độc” nhất, mới nhất của thương hiệu. Và khi đã sắm được món đồ mình mơ ước thì chẳng còn cái thú nào hơn!

Pháp, Mỹ, Italy, Đức, Anh... là những nơi xuất xứ của hàng hiệu. Tuy nhiên, những thương nhân chuyên “đánh” hàng hiệu về bán chỉ cần sang Hong Kong và Singapore là có thể “tha” về hàng núi sản phẩm của các thương hiệu thời trang nổi tiếng từ các nước phương Tây.

Mỗi tháng họ đi “đánh hàng” từ 1 đến 2 lần, mua từ quần áo, giày dép, túi xách, nón mũ đến thắt lưng, nước hoa... của các thương hiệu để mang về phục vụ các “con nghiện”. Các shop hàng hiệu ở Hà Nội được các “con nghiện” hay lui tới nhất là: Đồ Hiệu, Milano, Sunny, Sally... Các ông, bà chủ shop hàng hiệu này giữ khư khư một danh sách khá dài các “con nghiện”.

 Mỗi khi “đánh hàng” về, trong lúc vừa dỡ hàng, họ vừa gọi điện cho các “con nghiện” nặng đô nhất. Ngay lập tức, các “con nghiện” này ôm tiền đến để lấy hàng. Ướm, thử xong, “con nghiện” vui vẻ rút ví thanh toán một lúc vài ba chục triệu đồng. Có khi nhẵn ví, chủ hàng liền sẵn sàng cho “con nghiện” ký nợ. Nếu không biết gì về hàng hiệu, bạn sẽ chẳng thể nào hiểu nổi tại sao một cô gái dám bỏ ra 18 triệu đồng để mua 1 cái áo len chun mỏng không tay màu đen có đính vài hạt pha lê nhỏ.

Tìm hiểu những "nhân vật" trong "thế giới hàng hiệu", có một điều dễ nhận ra rằng chủ hàng chuyên bán đồ hiệu thường là người rất có gu thẩm mỹ, chọn được những món đồ hợp với khách của mình. Họ phải làm sao để hàng ít bị đọng. Do mua quen, họ có mối quan hệ tốt với các nơi cung cấp hàng ở nước ngoài và đều có thẻ VIP để mua hàng với giá ưu đãi đặc biệt. Mỗi lần đi “đánh hàng”, họ mua cả lô hàng mới nhất, vừa ra lò lẫn lô hàng “sale” (đại hạ giá). Họ còn được tặng thêm hàng khi mua nhiều. Tất cả hàng khi mang về đều được bán giá cao. Chủ hàng còn có chiêu “bán theo catalogue” để “câu” “con nghiện”. Khi khách đến xem mẫu trong catalogue, thấy người mẫu nước ngoài mặc đẹp tất sẽ mua hàng.

Cũng có một số chủ hàng muốn có lãi suất cao đã đánh lẫn cả hàng nhái thương hiệu ở Quảng Đông (Trung Quốc) về bán. Những loại hàng nhái này giá có thể chưa đến 200.000 đồng/1 áo nhưng khi lòe được khách, họ có thể bán được với giá tới 700 USD. Trong trường hợp này, chỉ tội cho “con nghiện”, cứ ra sức tự hào và yêu quý món đồ hiệu mình mới sắm được với giá cắt cổ.  

MỚI - NÓNG