Đã có vaccine ngừa ung thư

Đã có vaccine ngừa ung thư
TP - Hàng loạt hãng dược đang đổ xô vào nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa ung thư sau khi một số loại vaccine tỏ ra có tác dụng và được cấp phép lưu hành.
Đã có vaccine ngừa ung thư ảnh 1
Trong phòng xét nghiệm. Ảnh: Phùng Triệu

Nắm bắt triển vọng hứa hẹn, Bộ Y tế Việt Nam cho biết sẵn sàng cấp phép cho doanh nghiệp dược nào có ý định nhập vaccine ngừa ung thư vào Việt Nam.

Thú vị nhất và cũng gây tranh cãi nhất có lẽ là vaccine ngừa ung thư cổ tử cung do Merck & Co. and GlaxoSmithKline phát triển. Vaccine này có tác dụng ngừa các bệnh ung thư tử cung vốn gây ra bởi các loại virus lây truyền qua đường tình dục.

Thử nghiệm cho thấy vaccine đạt hiệu quả 100% với 2 chủng virus HPV gây ra ung thư cổ tử cung phổ biến nhất.

Sau khi được Cơ quan Quản lý Thuốc&Thực phẩm (FDA) Mỹ xem xét và phê duyệt đầu năm nay, các bác sỹ đề xuất cho thiếu niên, nhất là các em gái, được dùng vaccine trước khi đến tuổi dậy thì.

Thậm chí họ đề xuất cho các em dùng ở ngay tuổi lên 10 để đảm bảo an toàn. Hiệu quả to lớn của vaccine ngừa ung thư lại gây phản ứng ngược từ nhiều bậc phụ huynh và các tổ chức đạo đức Mỹ khi họ cho rằng làm như thế chẳng khác nào nối thêm giáo cho các em lao vào các cuộc tình sớm.

Tranh cãi quyết liệt đến mức việc đưa vaccine ra thị trường bị chậm lại và hai bên, nhà sản xuất và các tổ chức xã hội, phải mở các cuộc đàm phán để tìm tiếng nói chung...

Vaccine ung thư phổi GVAXR của hãng Cell Genesys được chế tạo theo cách rất đặc biệt. Bằng một hệ thống đóng bán tự động đảm bảo vô trùng và an toàn, người ta chế tạo vaccine GVAXR bằng cách nuôi cấy và biến đổi về gene các tế bào ung thư của bệnh nhân sau khi khối u của bệnh nhân được cắt bỏ nhằm che giấu GM-CSF, một loại hormone kích thích hệ miễn dịch. Các tế bào u sau đó được chiếu xạ để đảm bảo an toàn trước khi tiêm trở lại cho bệnh nhân.

Giai đoạn đầu thử nghiệm của kế hoạch 2 giai đoạn được tiến hành từ năm 2003. Giai đoạn hai thử nghiệm cho bệnh nhân ung thư phế quản và ung thư biểu mô từ tháng 6/2004. Mỗi giai đoạn thử nghiệm trên 100 bệnh nhân và kết quả, được biết, rất khả quan...

Kế đến là vaccine có khả năng chống lại hầu hết các loại u não mà các nhà nghiên cứu Mỹ vừa hoàn thành thử nghiệm giai đoạn đầu. Với loại u đa nguyên bào xốp, một trong bốn dạng u não, 23 bệnh nhân tham gia thử nghiệm tăng thời gian sống sót thêm 18 tháng so với nhóm bệnh nhân không dùng (chỉ sống được 4 tháng) và chỉ 4 bệnh nhân không có dấu hiệu cải thiện.

Đột phá

Đã có vaccine ngừa ung thư ảnh 2
TS Steven Burakoff, Giám đốc Học viện Ung thư Đại học New York - đang thử nghiệm lâm sàng vaccine kích thích hệ miễn dịch cho bệnh nhân ung thư huyết sắc tố

Các nhà khoa học khẩn trương bắt tay vào giai đoạn hai trên quy mô lớn hơn với vaccine nhắm vào một loại protein được cho là điều khiển tốc độ lây lan của khối u.

Thành công này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng vì liệu pháp miễn dịch bằng vaccine được thai nghén từ hàng chục năm nay mà chưa có đột phá nào.

Bà Amy Heimberger - Phó giáo sư phẫu thuật thần kinh tại Trung tâm Ung thư MD Anderson (bang Texas, Mỹ) - nói vaccine này an toàn, dễ dùng và có tác dụng với ít nhất nửa trong số các bệnh nhân mắc bệnh u não đa nguyên bào xốp, nhất là khi kết hợp với các liệu pháp hóa chất.

Các phát minh mới nhất về hệ miễn dịch và về sinh học khối u đã giúp mở cánh cửa hoàn toàn mới trong lĩnh vực điều trị ung thư, đó là điều chế các loại vaccine chữa ung thư.

Các vaccine này hoạt động trên nguyên lý sử dụng khả năng bẩm sinh của chính hệ miễn dịch để tiêu hủy các tế bào không mong muốn với độ độc hại thấp nhất, không làm ảnh hưởng tế bào lành.

Vaccine có tác dụng kích hoạt năng lực bẩm sinh này mà bình thường không đủ sức để chống lại tế bào lạ.

Để đạt được mục tiêu này, vaccine ung thư kích hoạt hệ miễn dịch qua 11 bước cực kỳ phức tạp. Sau đó, hệ miễn dịch với sức mạnh mới có khả năng nhận dạng các kháng nguyên khối u rồi tấn công chúng.

Đi đầu trong lĩnh vực cực kỳ mới mẻ này là hãng Sanofi Pasteur với 2 sản phẩm đầu tiên là vaccine ALVAC CEA B.71 chữa ung thư ruột kết- trực tràng và vaccine ALVAC gp100M chữa u hắc sắc tố.

Chúng tôi đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, một trong những cơ sở nghiên cứu vaccine hàng đầu của Việt Nam, được biết chúng ta chưa có bất cứ kế hoạch nào nghiên cứu và sản xuất vaccine ung thư vì kỹ thuật quá phức tạp.

Còn một cán bộ Vụ Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho hay, để khỏi bị động trước nhu cầu sắp tới của thị trường, Vụ đã xây dựng bộ quy trình và sẵn sàng tạo điều kiện cấp phép cho doanh nghiệp dược nào có ý định nhập vaccine chống ung thư vào Việt Nam.

“Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được bất cứ đơn xin nhập nào” - Quan chức này nói.

Tại Việt Nam mỗi năm phát hiện hàng chục nghìn phụ nữ ung thư cổ tử cung, đứng thứ hai trong số các loại ung thư của phái yếu và cao gần bằng số ung thư vú.

Tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung ở TP Hồ Chí Minh rất đặc thù do các quần thể có nguy cơ cao và cao gấp 4 lần so với Hà Nội. Các chuyên gia ung thư chưa lý giải được vì sao phụ nữ ở TP HCM lại có tỷ lệ mắc cao như thế.

Cả nước, theo Hội Ung thư Việt Nam, mỗi năm phát hiện khoảng 120.000 ca ung thư mới và con số này có xu hướng tăng.

Trong số các nguyên nhân được đề cập đến có vấn đề môi trường sống bị xuống cấp và các loại thức ăn chế biến ngày càng được sử dụng các loại hóa chất mà người ta chưa biết tác hại của chúng thế nào, đến đâu.

MỚI - NÓNG