Dấu hiệu nhận biết trẻ nhiễm melamine

Dấu hiệu nhận biết trẻ nhiễm melamine
TP - Các chuyên gia của WHO cho hay trẻ bị nhiễm melamine gây sạn thận, sỏi thận thường có biểu hiện khóc khi đi tiểu, nôn nhiều. Trẻ nhiễm melamine cũng đi tiểu ra máu.
Dấu hiệu nhận biết trẻ nhiễm melamine ảnh 1

Một cặp song sinh bị sỏi thận do uống sữa Tam Lộc tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Thường quy thử nghiệm tìm hóa chất độc hại – Không thể thực hiện

Ngày 26/9, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết thông tin chất melamine có trong sữa cho trẻ em, nhất là trẻ dưới 2 tuổi khiến tổ chức này sốc và lo ngại.

Chuyên gia của WHO khẳng định việc thử nghiệm các sản phẩm thực phẩm để tìm các hóa chất độc hại là việc làm rất tốn kém và nói chung không thể thực hiện được.

Chỉ khi nào phát hiện ra hóa chất độc hại có trong sản phẩm nào đó thì quốc gia đó mới tiến hành làm xét nghiệm. Trường hợp sữa có melamine là một ví dụ, vì chất này không phải là một thành phần tự nhiên có trong sữa.

Đại diện WHO chia sẻ: “Khi chúng ta nhập khẩu thực phẩm từ các nước, không thể có cách nào tìm kiếm các hóa chất khác nhau có trong đó được. Điều này rất tốn kém và mất nhiều thời gian.

Vì vậy, điều quan trọng là Bộ Y tế yêu cầu các nhà nhập khẩu có 7-10 ngày kiểm nghiệm thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam và nếu có “vấn đề” gì thì báo cáo. Quan trọng hơn nữa là sự chia sẻ thông tin giữa các nhà xuất và nhập khẩu trên thế giới với nhau, để biết và có biện pháp phòng ngừa và tìm ngay chất đó”.

WHO và UNICEF đều cho rằng Việt Nam cần làm tốt vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như việc thực thi pháp luật về vấn đề này một cách nghiêm túc khi mà Việt Nam đang có quá nhiều các loại thực phẩm nhập khẩu, thực phẩm có sử dụng hóa chất bảo quản.

Đại diện WHO cũng cho biết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, chuyển giao các quy trình kỹ thuật xét nghiệm hóa chất độc hại trong thực phẩm.

Tại Việt Nam ngoài WHO còn có Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) cũng giúp giám sát việc đưa thực phẩm từ nơi sản xuất đến bàn ăn. Các chuyên gia của WHO cũng khuyến cáo thực phẩm bị nhiễm độc không chỉ dừng lại ở sữa có melamine mà nó còn có thể bị nhiễm các hợp kim, vi sinh vật và nhiều loại hóa chất khác.

Chỉ có 17% số bà mẹ hoàn toàn nuôi con bằng sữa mẹ

TS Jean-Marc Olivé Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho hay đến nay tổ chức này vẫn chưa nhận được thông tin nào về trẻ em Việt Nam bị nhiễm melamine. Nhưng ông cũng nhấn mạnh trẻ sử dụng sữa công thức thay thế sữa mẹ thường dùng với số lượng lớn nên nếu sữa nhiễm melamine thì trẻ sẽ bị nhiễm độc nặng, gây nên các hậu quả trẻ bị sỏi thận, sạn thận. Với người  lớn hoặc những trẻ chỉ uống ít sữa, lượng melamine hấp thu vào cơ thể nhỏ thì sẽ không gây ra tác hại.

Các chuyên gia của WHO cho hay trẻ bị nhiễm melamine gây sạn thận, sỏi thận thường có biểu hiện khóc khi đi tiểu, nôn nhiều. Trẻ nhiễm melamine cũng đi tiểu ra máu, lượng máu nhiều hay ít phụ thuộc vào viên sỏi (hay sạn) gây tổn thương vị trí nào của cơ thể.

Ngoài ra, nếu trẻ nhiễm melamine cũng đi tiểu ít hoặc không đi trong vài ngày kèm và sẽ xuất hiện nhiều vùng đau ở thận, huyết áp tăng. Đây chính là nguyên nhân gây ra tử vong cho trẻ nếu không sớm phát hiện và cứu chữa kịp thời.

Tuy nhiên, TS Jean-Marc Olivé khẳng định không khó khăn trong quá trình điều trị bệnh này vì không có gì khác biệt so với các ca chữa sỏi thận do nguyên nhân khác. Quá trình điều trị, nếu bệnh của trẻ ở thể nhẹ có thể cho dùng thuốc thúc đẩy quá trình đi tiểu nhằm đào thải sạn ra khỏi thận và bàng quang. Nếu nặng có thể dùng biện pháp siêu âm để tán sỏi.

Trưởng đại diện WHO cho rằng, qua vụ việc này một lần nữa đã đặt ra bài học vô cùng quan trọng dành cho Việt Nam đó là vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ ở Việt Nam cần phải xem xét lại và tập trung tuyên truyền nhiều hơn nữa.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy hiện chỉ có 17% số bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời của trẻ và hơn 50% trẻ em Việt Nam được bú mẹ ngay trong giờ đầu tiên sau khi sinh.

MỚI - NÓNG