Dịch lở mồm, long móng diễn biến phức tạp

Dịch lở mồm, long móng diễn biến phức tạp
TP - Dịch đã diễn ra tại nhiều địa phương và xuất hiện một số chủng virus mới, gây khó khăn trong quá trình tiêm phòng và chữa trị gia súc mắc bệnh…
Dịch lở mồm, long móng diễn biến phức tạp ảnh 1
Lợn mắc bệnh đang được cách li

Kể từ ổ dịch đầu tiên ngày 19/1 và ổ mới nhất tại tỉnh Cao Bằng, đến nay dịch LMLM đã lan ra 36 tỉnh, thành với 433 xã, thị trấn của 154 huyện, thị (gần 40.000 trâu, bò và lợn mắc bệnh).

Nhìn bản đồ dịch, virus gây bệnh đã lây lan khắp các vùng, miền trong một thời gian khá ngắn. Hiện, dịch phát mạnh tại một số tỉnh, thành như Hà Nội, Lâm Đồng, Kon Tum, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Vĩnh Long, Cần Thơ…

Ông Đào Duy Tâm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Nội cho biết:Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có 7 xã của 3 huyện (Sóc Sơn, Gia Lâm và Đông Anh) mắc dịch LMLM, với hơn 100 trâu, bò và 338 con lợn.

Đến nay, Hà Nội đã khống chế dịch 5/7 xã. Hai xã còn lại (Văn Đức và Kim Lan - Gia Lâm) vẫn đang được áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch: lập các chốt kiểm soát vận chuyển gia súc “nội bất xuất, ngoại bất nhập”; tiêm phòng và khử trùng, tiêu độc.

Qua quan sát thấy, mặc dù đã áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ,  nhưng việc vận chuyển gia súc, đặc biệt là gia súc đã giết mổ vẫn dễ dàng lọt vào nội thành.

Đến ngày hôm qua, 10/5, trên các tuyến đường chính dẫn vào nội thành Hà Nội vẫn chưa có chốt kiểm soát dịch LMLM nào được thành lập…

Tại TP Hồ Chí Minh, thịt gia súc từ các tỉnh lân cận (nhất là các tỉnh đang có dịch: Cần Thơ, Vĩnh Long…) vẫn được ngang nhiên vận chuyển vào nội thành.

Theo ông Nguyễn Phước Thảo - Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, Sở đã cử cán bộ đồng loạt ra quân, phối hợp các cơ quan khác tiến hành kiểm tra việc buôn bán, vận chuyển gia súc và thịt gia súc trên địa bàn TP.

Những ngày qua, các cơ quan này liên tục bắt được các xe chở gia súc mắc bệnh hoặc từ vùng đang có dịch đến TP. Hiện đã bắt được 20 vụ với gần 200 con lợn bị mắc bệnh LMLM. Được biết, số lợn này có nguồn gốc từ Lâm Đồng - tỉnh đang phát dịch mạnh.

Hiện nay bệnh LMLM đã xuất hiện một số chủng virus mới. Theo ông Đậu Ngọc Hào - Phó Cục trưởng Thú y, trong những năm dịch LMLM xuất hiện ở nước ta trước đây, virus gây bệnh chỉ có tuýp O.

Từ đầu năm đến nay, chúng ta đã phát hiện thêm tuýp A và ASIA1. Điều này sẽ gây khó khăn trong công tác phòng dịch, đặc biệt tốn kém kinh phí mua vắc-xin phòng các chủng virus khác nhau.

Trước tình hình đó, Chính phủ vừa yêu cầu các địa phương phải công bố dịch; đồng thời tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch; tổ chức tiêm phòng vắc-xin bắt buộc cho đàn gia súc xung quanh vùng dịch và vùng có nguy cơ cao; vệ sinh tiêu độc chuồng trại và môi trường; kiểm soát chặt chẽ về thú y đối với việc vận chuyển gia súc trong khu vực ổ dịch.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT cấp không thu tiền 340.000 liều vắc-xin LMLM và 35.000 lít thuốc sát trùng hỗ trợ công tác chống dịch cho một số địa phương.

Ngoài những thiệt hại cho ngành kinh tế (đặc biệt là ngành chăn nuôi và chế biến sản phẩm từ gia súc), một trong những vấn đề mà người dân đang băn khoăn là virus LMLM có lây sang người không?

Ông Trương Văn Dung- Viện trưởng Thú y cho biết: Tổ chức Thú y thế giới xếp LMLM vào loại đại dịch quan trọng bậc nhất. Tuy chưa có bằng chứng rõ ràng về sự lây sang người của virus LMLM nhưng có ý kiến cho rằng, nếu trực tiếp tiếp xúc (đặc biệt là sử dụng thịt gia súc mắc bệnh chưa qua nấu chín) sẽ có thể lây sang người ở mức độ nhẹ.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.