Hãi hùng chuyện… giấy ăn

Hãi hùng chuyện… giấy ăn
"Giấy không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi. Nó chỉ chuyển từ giấy phế liệu, thậm chí rác thải thành… giấy ăn và vô vàn những sản phẩm... hiện đại khác".
Hãi hùng chuyện… giấy ăn ảnh 1
"Nguyên liệu rác" tập trung tại làng giấy Phong Khê

Tại các cơ sở sản xuất giấy vệ sinh bây giờ, người ta hay đùa nhau như thế. Đó là cách phản ánh hiện thực nhất quy trình làm giấy hết sức bẩn thỉu, hỗn độn của hàng loạt các xưởng sản xuất mặt hàng này hiện nay.

"Vòng đời"... rác - giấy

Giấy ăn là tên gọi khác của thứ “giấy vệ sinh” thường được dùng trong những quán phở, quán cơm bụi… Mang tiếng là “giấy vệ sinh” thế nhưng bất cứ ai khi đã vào tận nơi làm ra thứ giấy này đều phải dựng tóc gáy, kinh hoàng với thứ giấy mình vẫn đang dùng hằng ngày.

Có thông tin rằng, dân làng Chích Sài, làng chuyên sản xuất giấy ăn thủ công (chủ yếu dành cho những quán cơm bụi, quán phở...) ở quận Tây Hồ, Hà Nội, chẳng bao giờ... dám dùng sản phẩm mà mình làm ra. Hành trình "đột nhập" để kiểm tra thực hư của thông tin ấy, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến vô số cảnh... kinh hoàng.

Trích Sài chỉ là một điểm lẻ để đóng gói, phân phối giấy ăn cho một số phố ở Hà Nội, còn "đại bản doanh" của thứ giấy rẻ tiền đó nằm mãi ở Bắc Ninh. Và, ai đã từng một lần đặt chân sang nơi ấy, được tận thấy cảnh nhà nhà ồ ạt sản xuất thứ mà mọi người vẫn gọi là giấy vệ sinh, giấy ăn, thì ngay lập tức đưa ra quyết định: Từ nay xin giã biệt...

Trên khắp các nẻo đường, từ mọi ngóc ngách trong thành phố, các nhà WC công cộng, rác bệnh viện, chất thải của các khu công nghiệp... giấy hay những phế phẩm có nguồn gốc từ giấy được cánh đồng nát thu gom về dưới đủ mọi hình thức từ bán, mua.

Loại thứ hai được gom về bởi cánh đồng nát "chuột chũi", tức là những người tối tối long rong trên những chiếc xe đạp cà tàng sục sạo khắp các vỉa hè, ven cống của thành phố ngõ hầu tìm kiếm những mớ giấy rác của mọi gia đình vứt ra chờ xe môi trường đến xúc đi.

Đội quân này thực sự hùng hậu khi "tác chiến" ở những bãi rác khổng lồ hiện hữu ở ngoại thành khắp những đô thị lớn. Những mớ giấy lộn thập cẩm ấy được các thương lái gom về và cứ "nguyên đai nguyên kiện" đổ về nơi tái chế. Theo chân họ, chúng tôi đã lần tìm về "khu công nghiệp giấy lộn" có thể nói lớn nhất miền Bắc: Xã Phong Khê, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Tái chế giấy lộn nên dân Phong Khê giàu. Ai cũng tự hào rằng, nhờ  đó mà đời sống của mỗi gia đình được nâng lên trông thấy. Theo trưởng thôn Châm Khê, Lê Văn Hoàn thì sau hơn chục năm "sống trên rác" đến bây giờ dân ở khắp các thôn trong xã đã biết mùi thế nào là "... chết vùi trong rác".

Làng nghề - làng ô nhiễm

Môi trường trong xã đã và đang bị ô nhiễm rất nặng. Con sông Ngũ Huyện Khê giờ đã ngừng chảy bởi gồng gánh trên mình vô số những rác thải. Những hôm trời nồm, theo Trưởng thôn Lê Văn Hoàn, không khí trong xã đặc quánh những mùi khó chịu.

Mùi ấy là tập hợp của hoá chất và vô vàn những chất liệu phế thải hổ lốn mà người ta tha về từ khắp mọi miền đất nước. Tức ngực, không thở được! Cống rãnh trong thôn thì chỗ nào cũng tắc nghẽn, nước thải sệt sệt một màu đen đặc.

Bệnh tật ngoài da, bệnh đường hô hấp, tiêu hoá...  Những bệnh ấy chẳng kiêng kị bất cứ ai. Nam, phụ, ấu, lão đều mắc cả. Nguy hiểm hơn, vài năm gần đây, mầm mống căn bệnh ưng thư đã xuất hiện. Theo Trưởng thôn Hoàn, tất cả những trường hợp chết trẻ trong thôn đều là do chứng bệnh ung thư quái ác.

Thôn Châm Khê có 193 ha ruộng nước. Thế nhưng, bởi được tưới bằng 100% nước thải nên năng suất chuồi chột lắm. Theo trưởng thôn Hoàn, gạo quê anh ăn cũng có mùi hăng hắc, ngai ngái khác lạ. Hiện tượng này, tưởng đã kinh hoàng, nhưng lên thôn Dương Ổ, thì lại chẳng thấm vào đâu.

Theo ông Nguyễn Văn Huệ, trưởng thôn Dương Ổ thì cả thôn giờ chỉ còn gần 6 ha ruộng lúa nước, nhưng  qua mấy năm làm giấy, số ruộng này đã hoàn toàn bỏ hoang. Nguyên nhân, ông Huệ cho biết, tất cả là do chất thải của các xưởng sản xuất giấy công nghiệp trong thôn.

Với trên 130 cơ sở sản xuất giấy, trong đó có những xưởng lớn, một ngày cho ra lò vài tấn giấy thành phẩm tuyệt nhiên không có bất cứ hệ thống xử lý nước thải nào thì sự ô nhiễm là không hề tránh khỏi.

Tái chế giấy từ giấy phế liệu, theo ông Huệ, bắt buộc phải sử dụng hoá chất (cơ bản là nước ja-vel, flo) thế nhưng, từ trước đến nay, toàn bộ những chất hoá học ấy đều được các cơ sở tống thẳng ra đồng theo quy luật "nước chảy chỗ trũng".

Lúa cắm còn chết huống chi cá tôm và các loại thuỷ cầm. Bất cứ cây, con gì mà dính đến nước ở đây, theo ông Huệ là không thể nào sống nổi. Về sản phẩm giấy vệ sinh, theo ông Huệ đây là mặt hàng chiếm tới 50% sản lượng giấy thành phẩm của thôn. Chúng bao gồm giấy ăn bán cân, giấy ăn cao cấp, giấy toa - lét và cả băng vệ sinh của phụ nữ.

Không ít những cơ sở, vì lợi nhuận, đã sẵn sàng sản xuất hàng loạt sản phẩm theo những mẫu mã, thương hiệu đang nổi tiếng trên thị trường. Hỏi về sự an toàn khi sử dụng những sản phẩm trên, ai cũng khăng khăng đồ nhà mình là... "chất lượng như vàng trên toàn thế giới" và đặc biệt vô cùng vệ sinh.

Thế nhưng, hỏi lấy gì làm thước đo để khẳng định điều đó thì tất cả đều... chịu!

Theo CAND

MỚI - NÓNG