Không lo thiếu kinh phí khám chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi

Không lo thiếu kinh phí khám chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi
Thời gian qua, nhiều ý kiến xung quanh việc thực hiện Nghị định của Chính phủ về khám chữa bệnh (KCB) miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi. Băn khoăn của nhiều bệnh viện (BV), cơ sở y tế công lập là vấn đề kinh phí và gánh nặng hành chính.
Không lo thiếu kinh phí khám chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi ảnh 1
Trẻ em dưới 6 tuổi được khám, chữa bệnh miễn phí

Tiền Phong đã trao đổi với bà Trương Thị Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng  của Quốc hội - cơ quan giám sát thực thi Nghị định, và ông Nguyễn Đức Nhật, chuyên viên Vụ Hành chính Sự nghiệp, Bộ Tài chính - đơn vị chịu trách nhiệm thẩm định, phân bổ ngân sách.

Thiếu kinh phí là do không báo cáo

Bà Trương Thị Mai: Tôi hiểu băn khoăn, lo lắng của các BV là chính đáng. KCB miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được quy định tại Luật Bảo vệ, Chăm sóc, Giáo dục Trẻ em ban hành năm 1996. Tuy nhiên, suốt 10 năm qua chúng ta không có cơ chế, chế tài thực hiện. Vì vậy không đem lại những kết quả cao.

Đứng trước một nghị định mới ký chưa ráo mực, các đơn vị băn khoăn đến quyền lợi của mình không có gì lạ. Nhưng do chưa tiếp cận thấu đáo với Nghị định,  nhiều cơ sở y tế chưa hiểu đúng chủ trương của Nhà nước. Thực ra, bản chất vấn đề không có gì thay đổi, chỉ khác ở hình thức.

Trước đây, bố mẹ các em thanh toán tiền viện phí thì nay Nhà nước làm thay phần việc đó. Khoản 6, điều 18, của Nghị định ghi rõ: Các cơ sở y tế công lập có trách nhiệm tổ chức khám bệnh, chữa bệnh không thu tiền đối với trẻ em dưới 6 tuổi, thực hiện thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo giá viện phí hiện hành.

Như vậy, BV vẫn có nguồn lương trả cho y bác sĩ trích từ nguồn viện phí. Thêm vào đó, những gia đình có điều kiện chữa trị cho con em mình bằng công nghệ cao sẽ có nghĩa vụ thanh toán cho BV khoản chênh lệch phí. BV không bị đụng chạm gì đến quyền lợi, không phải chịu thiệt thòi.

Có ý kiến cho rằng BV sẽ mất đi những cán bộ y tế giỏi do nguồn thu viện phí giảm sút, kéo theo thu nhập của cán bộ công nhân viên giảm sút là hoàn toàn chưa hiểu gì về Nghị định.

Ông Nguyễn Đức Nhật: Lo ngại không gánh được nguồn kinh phí là không có cơ sở. Ngân sách KCB do Nhà nước cấp căn cứ vào dự toán ngân sách KCB của các địa phương.

Trong quá trình thực hiện, các bộ, cơ quan, đơn vị ở trung ương có trách nhiệm điều chỉnh kinh phí giữa đơn vị thừa và thiếu. Nếu điều chỉnh mà vẫn thiếu, địa phương sẽ được cấp kinh phí bổ sung từ nguồn ngân sách dự phòng. Như vậy, trách nhiệm của các BV, cơ sở y tế công lập là phải báo cáo về tình hình ngân sách để có những điều chỉnh kịp thời.

Đơn vị nào xảy ra tình trạng thiếu kinh phí là do không báo cáo. Thuận lợi của các bệnh viện công lập hiện nay là họ có sẵn một khoản kinh phí do Nhà nước cấp chứ không phải ứng trước rồi mới quyết toán.

Thiếu bao nhiêu sẽ bù cho đủ

PV: Vậy còn gánh nặng hành chính?

Bà Trương Thị Mai: Tôi không hiểu sẽ phát sinh những gánh nặng hành chính gì với các cơ sở y tế. Vì công việc hoàn toàn không có gì khác trước. Các BV vẫn làm hoá đơn chứng từ thanh toán viện phí nhưng thay vì bố mẹ các em trả tiền cho những hóa đơn đó, Nhà nước trả tiền, cụ thể là từ nguồn ngân sách cấp sẵn cho các BV. Cái này còn tiện lợi hơn khi KCB bằng bảo hiểm y tế. Những phần việc khác có các đơn vị khác lo.

Bố mẹ các em có trách nhiệm khai báo với chính quyền phường xã về trường hợp của con em mình. Xã có trách nhiệm cấp thẻ KCB cho trẻ. Sở y tế trình với hội đồng nhân dân dự toán ngân sách, từ đó trình lên Bộ Tài chính xem xét, thẩm định và phân bổ.

Tôi nghĩ tốt hơn hết, các bệnh viện cứ yên tâm thực hiện Nghị định đi đã. Nhà nước dành hẳn 600 tỷ đồng cho công tác khám chữa bệnh cho các em, đã rót sẵn một khoản cho các bệnh viện. Thiếu bao nhiêu, Nhà nước sẽ bù từ nguồn ngân sách dự phòng.

Trong quá trình vận hành, vấn đề gì cần thiết phải điều chỉnh, Chính phủ sẽ điều chỉnh.

PV: Các bệnh viện đang kêu là chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định?

Ông Nguyễn Đức Nhật: Bộ Tài chính vừa soạn thảo xong thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định và trình Chính phủ phê duyệt hôm 30/3. Vẫn còn rất nhiều khoản cần phải thống nhất giữa Bộ Tài chính, Bộ Y tế và các bộ, ban, ngành khác có liên quan, trước khi Nghị định của Chính phủ thực sự đi vào đời sống.

Nhưng phải hạch toán theo một khoản riêng

PV: Việc thực hiện Nghị định liệu sẽ gặp khó khăn gì?

Bà Trương Thị Mai: Mối quan tâm lớn nhất là chất lượng khám chữa bệnh không đảm bảo do nguồn kinh phí có hạn. Tất nhiên, Chính phủ chỉ có khả năng chi trả trong một giới hạn nào đó. Nhưng như thế không có nghĩa các em không được chăm sóc, KCB trong điều kiện tốt nhất.

Những gia đình có điều kiện, có yêu cầu sử dụng công nghệ cao trong điều trị sẽ phải trả tiền. Nhưng những gia đình khó khăn có con mắc bệnh hiểm nghèo, cần sử dụng công nghệ hiện đại, đắt tiền hơn cũng sẽ được Quỹ Bảo trợ Trẻ em cấp kinh phí thông qua vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Cái này trong Nghị định cũng đã nêu rõ.

Một khó khăn đáng chú ý nghiêng về các BV lớn là sự quá tải. Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế cần phải nghiên cứu, tính toán, điều chỉnh sao cho các tuyến có sự thuyên chuyển, bổ sung hợp lý. Nếu các BV địa phương xử lý được cơ bản, các BV lớn sẽ có điều kiện tập trung tốt hơn vào các ca bệnh nặng.

Ông Nguyễn Đức Nhật: Khó khăn chỉ là việc làm sao quản lý chặt, không để xảy ra, thất thoát, lãng phí. Để làm được điều đó cần có sự phối hợp của các cơ quan chức năng nhằm thanh tra, kiểm soát chặt chẽ việc thu chi, quyết toán của các cơ sở y tế.

Cụ thể, chứng từ chi tiêu cho việc KCB miễn phí cho trẻ em phải được hạch toán theo một loại khoản riêng, đặc biệt ở tuyến y tế cấp huyện, xã.

PV: Xin cảm ơn!

MỚI - NÓNG