Làng tiêu chảy

Làng tiêu chảy
TP - Một thôn nhỏ như Giang Làng (xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây) với chỉ trên 200 hộ mà có gần 60 người bị tiêu chảy cấp. Đến nay, sau hai tuần, dịch vẫn âm ỉ.
Làng tiêu chảy ảnh 1
Từ khi có dịch, làng cấm họp chợ.
Ảnh: Dân trí

Gần hai tuần qua, cả thôn Giang Làng, thậm chí cả các làng xung quanh vẫn chưa hết chao đảo vì dịch bệnh tiêu chảy. Nhiều gia đình phải đóng cửa, bỏ bê công việc đồng áng để “cùng nhập viện” với người thân.

Gia đình anh Nguyễn Văn Biểu, cả hộ có 6 nhân khẩu mà có tới 3 người bị tiêu chảy. Số gia đình có hai người nhập viện trong thôn cũng không ít.

Một tuần sau khi dịch bùng phát từ một bữa cỗ khiến 20 người bị “Tào tháo đuổi”, số người nhập viện tăng lên 30 người. Hôm sau thêm bốn ca... Hôm sau nữa, 7/11, thêm hai ca. Tính đến nay, số mắc lên đến 56, mặc dù chỉ còn khoảng 20 người đang điều trị và theo dõi tại nhà. Diễn biến của bệnh vẫn chưa thể tiên đoán được.

Ông Nguyễn Mạnh Khôi, trưởng xóm 1 của thôn cho biết, ngày 29/10, gia đình anh Nguyễn Văn Ngoán, xóm Đông, làm cỗ cất nóc nhà và mời bà con đến ăn uống.

Tối cùng ngày, nhiều bà con trong thôn phải bồng bế nhau tới bệnh viện. Có người cố ở nhà tưởng tự tiêu chảy mấy lần là con vi khuẩn bị tháo hết ra ngoài, thành thử hôm đầu chỉ vài người đến bệnh viện. Ba hôm sau, số không chịu nổi ở nhà lên đến 20. Có người nặng đến mức phải lên BV Nhiệt đới&Truyền nhiễm Quốc gia.

Đáng ngại là trong 56 bệnh nhân tiêu chảy, người già và trẻ em khá nhiều. Các trường hợp bệnh nhân là trẻ em lại không phải là khách mời của đám cỗ. Chúng ăn cỗ do cha mẹ, ông bà lấy phần về. “Cho trẻ miếng giò, cái bánh là thói quen của quê tôi”  - Ông Khôi giải thích.

Truy tìm địa chỉ cửa hàng và cơ sở sản xuất giò và mắm tôm đã được sử dụng trong đám, anh Ngoán lắc đầu vì không để ý. Đám cỗ kết thúc, gia đình anh thu dọn toàn bộ rác cũng như vỏ chai mắm tôm dùng để nấu và chấm thịt chó. Vì thế cũng không thể xác định rõ nguồn gốc mắm tôm và cơ sở sản xuất giò là ở đâu.

Làng tiêu điều

Làng tiêu chảy ảnh 2
Mấy hôm nay, vôi bột rắc khắp nơi trong làng

Liệu có phải giò chả, mắm tôm là thủ phạm hay không, y tế thôn và xã vẫn chưa thể xác định. Một trong những nguyên nhân, theo bà Phạm Thị Mai, y tá thôn, là do vệ sinh trong làng kém.

Cả thôn Giang Làng dường như quá quen với mùi phân trâu, phân bò bốc lên nồng nặc. Mặc dù thôn thành lập tiểu ban phòng dịch kết hợp với ban phòng dịch xã để vệ sinh đường làng ngõ xóm, rắc vôi bột tới tận nhà dân, tuyên truyền kêu gọi, nhưng xem ra chưa chuyển biến.

Ông Đê, trưởng thôn, còn cho biết, đa phần dân trong thôn đi làm thuê, mướn cho các cửa hàng ăn ngoài Hà Nội. Những người ở lại cũng tìm mọi cách tranh thủ thời gian nông nhàn.

Thu nhập hàng tháng của một lao động trong thôn chỉ vài trăm nghìn/tháng, trong khi số cặp vợ chồng có 3 đến 5 con lại rất nhiều. Giang Làng thuộc diện nghèo nhất so với các làng xung quanh.

Cách đây vài tháng, một số gia đình trong thôn chuyển sang làm nghề lượm nilon. Đài truyền thanh nhiều lần cảnh báo nguy cơ của loại rác thải này nhưng việc giặt giũ nilon vẫn diễn ra ở khắp các ao làng, thậm chí ngay tại nhà.

Giang Làng còn là nơi tiêu thụ các loại thực phẩm như chó chết, trâu chết, thịt lợn ôi của hầu hết các làng khác. Bất kể nhà ai có lợn chết hay mớ thịt chưa bán hết từ hôm trước muốn bán gỡ gạc lấy chút tiền đều nghĩ ngay tới chợ Giang Làng.

Thấp thỏm chờ ngày mai

Bất chấp nỗ lực của thôn, xã và Ban Vệ sinh dịch tễ của huyện, dịch vẫn cứ chực tái phát. Trở lại Giang Làng cuối tuần vừa rồi, tôi thấy vôi trắng phủ khắp làng, từ đống rơm, gốc cây, chợ lẫn cống rãnh.

Suốt 5 ngày qua, được sự phối hợp của huyện, xã, thôn Giang Làng tiến hành dọn vệ sinh, phun thuốc, rắc vôi. Hôm 7/11 thôn còn ra chỉ thị cấm họp chợ. Dân phải sang các làng xung quanh để mua thức ăn.

Gia đình nhà anh Lưu Văn Thảnh, có người nhà mất 49 ngày, muốn mời làng xóm tới làm giúp mà không dám. “Mà có làm cỗ chắc cũng không ai dám đến” - Cô Mai nói.

Tôi chưa bước chân ra khỏi ô tô, nhiều xe ôm chạy ra bu quanh để chèo kéo mời chở. Nghe tôi nhắc nơi đến có cái tên Giang Làng, họ giãn ra và khuyên tôi nên mua khẩu trang.

Không chỉ Giang Làng, còn bao nhiêu thôn nghèo nữa đang phải đối mặt với nạn dịch lâu lắm mới xảy ra và xảy ra nặng như thế này? Một khi miếng cơm manh áo còn chưa đủ, phòng và chống dịch vẫn phải trông chờ vào sự tự giác của bà con là chính.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.