Máy lọc không khí tỏa ozone: Coi chừng nguy hiểm

Máy lọc không khí tỏa ozone: Coi chừng nguy hiểm
TP - Gần đây, người dân dùng nhiều thiết bị tạo khí ozone để khử trùng ở nhà hoặc nơi làm việc. Tuy nhiên, các nhà khoa học của Viện Sức khỏe Môi trường cảnh báo: quá nhiều ozone có thể làm phổi tổn thương, gây đau ngực, ho, thở gấp và rát cổ họng.
Máy lọc không khí tỏa ozone: Coi chừng nguy hiểm ảnh 1
Kiểu quạt LIN có gắn bộ phận tạo khí ozone

Tại các thành phố lớn ở nước ta bắt đầu xuất hiện nhiều loại sản phẩm quạt gió và điều hòa có gắn bộ phận tạo khí ozone.

Theo lời quảng cáo của các nhà sản xuất, sau khi xử lý, ozone không những làm tăng dưỡng khí (oxy) mà còn có tác dụng sát khuẩn, khử độc. Phổ biến nhất là sản phẩm của Cty CP Công nghệ sạch (LINO JSC).

Theo KS Nguyễn Văn Bản, Giám đốc LINO JSC, thiết bị làm sạch, khử độc từ ozone và ion âm của LINO J.S.C, có tên gọi là Lin, đoạt giải thưởng VIFOTEC năm 2001. Phòng 15 m2 lắp điều hòa muốn có thêm bộ phận khử độc từ ozone, phải bỏ ra không dưới 1,5 triệu đồng.

Thiếu an toàn

Có điều khác còn đáng lo ngại hơn giá, đó là tính an toàn của thiết bị. Theo TS Nguyễn Văn Khải - Giám đốc Trung tâm Tư vấn dung dịch hoạt hóa điện hóa & đèn tiết kiệm điện năng, một trong những bất cập lớn nhất của các máy tạo ozone trên thị trường hiện nay là không ghi rõ lượng ozone sinh ra bao nhiêu, có đảm bảo an toàn hay không và thời hạn hoạt động bao lâu.

“Ozone trong không khí với nồng độ quá 0,1ppm theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ gây hại cho sức khỏe – TS Khải nói – Ozone thừa có thể ô xy hóa hơi nước và không khí để tạo thành HNO3. Phân tử có tính acid này ăn mòn bản cực thiết bị tạo ozone và các đồ kim loại khác trong nhà, làm giảm nhanh tuổi thọ thiết bị. Ozone cũng có thể phản ứng với không khí để tạo ra SO2- cũng rất có hại cho sức khỏe và đồ gia dụng”.

Nhiều hãng kinh doanh điều hòa ngoại ở Việt Nam chưa lắp thêm thiết bị tạo ozone vì giá quá cao.

“Chúng tôi chỉ lắp theo yêu cầu của khách - Ông Lê Bảo Linh, Phòng Phát triển Thương hiệu, Cty LG Electronics, nói - Hiện chúng tôi chỉ dùng hệ thống làm sạch không khí bằng plasma, hệ thống bổ sung, làm giàu oxygen”.

Điều hòa Panasonic cũng vậy. Họ chỉ lắp thêm cái gọi là hệ thống màng lọc đặc biệt giúp tăng hàm lượng oxygen trong phòng thêm 21%. 

TS Khải cảnh báo, ngay cả khi nồng độ khí ozone tạo ra đạt yêu cầu, việc thường xuyên đóng cửa khi chạy máy tạo khí ozone cũng có thể làm nồng độ ozone trong phòng tăng lên.

Một nghiên cứu mới đây ở nước ngoài cho thấy, thậm chí nồng độ ozone nằm trong giới hạn cho phép, môi trường trong phòng cũng sinh độc nếu gia chủ sử dụng kết hợp một số chất tẩy rửa có thành phần bay hơi.

Theo PGS Sergey Nizkorodov (ĐH California ở Irvine (UCI, Mỹ), đồng tác giả nghiên cứu đăng trên tạp chí Khoa học & Công nghệ Môi trường hôm 21/2/2007, nếu dùng chất tẩy rửa có mùi chanh, không khí trong phòng có thể bị nhiễm bẩn thêm một khi khí ozone được tạo ra.

Theo đó, các chất hữu cơ dễ bay hơi không bão hòa như limonene – có trong chất tẩy rửa để tạo mùi chanh – phản ứng với ozone để tạo ra các hạt bụi cực nhỏ mới. Các hạt bụi cực nhỏ này bị cho là kẻ thù của hệ hô hấp.

Nhóm nghiên cứu tại UCI đặt máy lọc không khí tỏa ra ozone ở giữa một phòng làm việc ít đồ đạc cùng một chiếc quạt to để trộn không khí tốt hơn. Một máy lọc ion thải 2 milligram ozone/giờ và một máy lọc ozonolysis tạo ra 100 milligram ozone/giờ. Khi limonene tỏa ra, nồng độ hạt bụi vi mô tăng nhanh ở cả hai trường hợp. Một số trường hợp, lượng bụi ô nhiễm tăng gấp 100 lần.

Theo GS-TS Phạm Huy Dũng – Viện trưởng Viện Sức khỏe Môi trường, nồng độ bụi lơ lửng trong không khí cao có thể gây hen và bệnh tim mạch, thậm chí liên quan tới ung thư phổi và gây tử vong với tỷ lệ cao.

MỚI - NÓNG