Nhiều trẻ lên cơn suyễn khi đến trường

Em P.T.T.M. được bác sĩ khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám bệnh. Ảnh: Thùy Dương (Tuổi Trẻ)
Em P.T.T.M. được bác sĩ khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám bệnh. Ảnh: Thùy Dương (Tuổi Trẻ)
Chỉ trong tháng 9-2010, khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM tiếp nhận 100 trẻ em trên 5 tuổi bị lên cơn suyễn nặng phải nhập viện, trong khi những tháng trước đó rất ít khi tiếp nhận bệnh nhân suyễn ở độ tuổi này.
Em P.T.T.M. được bác sĩ khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám bệnh. Ảnh: Thùy Dương (Tuổi Trẻ)
Em P.T.T.M. được bác sĩ khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám bệnh. Ảnh: Thùy Dương (Tuổi Trẻ).

Lý giải hiện tượng này, bác sĩ Trần Anh Tuấn, trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho rằng thời gian này trẻ trên 5 tuổi thường đã nhập học nên có nhiều yếu tố tác động để lên cơn suyễn.

Tập thể dục ráng sức

Em P.T.T.M. (15 tuổi, ngụ ở Vĩnh Long) bị lên cơn suyễn ở trường do tập thể dục quá sức. Nhà trường tức tốc báo cho gia đình và em được chuyển đến bệnh viện gần nhà để cắt cơn nhưng do bệnh chuyển nặng, các bác sĩ bảo có biến chứng nên em được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1. Em M. nhập viện trong tình trạng thở khò khè, có biến chứng suy hô hấp, tràn khí trung thất, tràn khí dưới da. Ba của M. cho biết lúc M. 4 tuổi đã bị lên cơn suyễn đầu tiên. Hơn một năm trước, em từng lên cơn suyễn trong lần tập thể dục quá sức ở trường.

Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, vào năm học mới có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra cơn suyễn ở trẻ. Đầu tiên phải kể đến sự thay đổi môi trường sinh hoạt. Ở nhà, cha mẹ thường có điều kiện chăm sóc trẻ kỹ hơn, còn khi đi học bán trú cả ngày thì việc chăm sóc không được như vậy. Nguyên nhân gây cơn suyễn còn có thể gặp trên đường trẻ đi học, như trẻ có thể hít phải khói bụi, hơi xăng dầu (đặc biệt trong lúc bị kẹt xe).

Ngoài ra, trẻ còn tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng như bụi bẩn, nấm mốc... Những tác nhân này thường gặp trong trường học không được vệ sinh máy lạnh hoặc chăn, gối, đệm định kỳ. Vài hoạt động ngoại khóa như tiếp xúc với cỏ, phấn hoa cũng có thể gây bệnh suyễn ở trẻ.

Một nguyên nhân nữa ít người biết đến chính là áp lực bài vở, gây stress ở trẻ cũng làm trẻ lên cơn suyễn. Đặc biệt, thời gian này bệnh hô hấp đang phát triển nên trẻ dễ bị lây bệnh từ những bạn cùng trường.

Không nên giấu nhà trường

Bác sĩ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh mỗi lần lên cơn suyễn là bệnh nhân phải đối diện với nguy cơ tử vong. Do vậy, nếu không biết cách phòng ngừa, cắt cơn sẽ rất nguy hiểm cho trẻ. Trong quá trình khám bệnh, một số phụ huynh thừa nhận với bác sĩ là đã giấu bệnh của con họ với nhà trường, vì lo lắng khi nhà trường biết sợ không nhận con họ vào học bán trú!

Còn trường hợp khác thì phụ huynh đến bệnh viện xin giấy chứng nhận trẻ mắc bệnh suyễn và nhờ bác sĩ ghi trẻ không đủ sức khỏe tập thể dục. Gặp những trường hợp này, các bác sĩ đều tư vấn cho các bậc phụ huynh hiểu chỉ cần uống thuốc phòng ngừa đầy đủ, trẻ mắc bệnh suyễn vẫn có thể tập thể dục. Tập thể dục hợp lý còn góp phần kiểm soát cơn suyễn tốt. Chưa kể không cho trẻ tập thể dục sẽ gây ảnh hưởng tới tâm lý, làm trẻ thấy mình khác biệt với bạn bè và mặc cảm, tự ti vì mình là người mắc bệnh.

Để phòng ngừa những cơn suyễn ở trường, theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, gia đình học sinh mắc bệnh này cần có sự hợp tác với nhà trường bằng cách thông báo cho thầy cô giáo tình trạng bệnh của con mình. Trước khi nhập học, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến khám tại các phòng khám suyễn để biết tình trạng bệnh và được quản lý phác đồ điều trị. Với những bệnh nhi mắc bệnh suyễn, khi đi học luôn phải mang theo thuốc cắt cơn.

Gia đình phải thông báo về bệnh của trẻ

Bác sĩ Trần Quỳnh Hương, trưởng khoa dịch vụ hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, nhấn mạnh bệnh suyễn có thể lên cơn bất cứ lúc nào, do vậy các bậc cha mẹ cần thông báo cho bất cứ ai liên quan đến trẻ biết bệnh của trẻ.

Trong bệnh suyễn có hai loại thuốc, một loại thuốc điều trị phòng ngừa phải uống lâu dài và một loại thuốc cắt cơn chỉ lên cơn suyễn mới xịt. Ngay đối với cô giáo, gia đình cũng phải hướng dẫn cô giáo biết cách xịt loại thuốc điều trị cắt cơn suyễn. Với trẻ lớn, bản thân trẻ cũng phải được hướng dẫn cách xịt thuốc để cắt cơn và cô giáo kiểm soát xem trẻ có xịt đúng hay không. Bệnh viện Nhi Đồng 2 từng gặp trường hợp trẻ mang thuốc cắt cơn đi học nhưng lại sử dụng thuốc xịt như đồ chơi. Các bạn trong lớp thấy lạ, muốn xem và học sinh này đã xịt thử cho nhiều bạn trong lớp.

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.