Phòng bệnh sau lụt như thế nào?

Phòng bệnh sau lụt như thế nào?
TP - Người dân không nên sử dụng nước bị nhiễm bẩn trong sinh hoạt như tắm, giặt. Nếu không có nước giếng đã khử trùng thì phải đánh phèn hoặc lọc cát cho trong nước để tắm giặt, không mặc quần áo ẩm ướt...
Phòng bệnh sau lụt như thế nào? ảnh 1
Bệnh viện Đống Đa ngập sâu nhưng nước thải y tế không tràn ra ngoài

Bác sĩ Nguyễn Thành – Trưởng khoa Khám bệnh (Viện Da liễu T.Ư) cho biết như vậy.

Bác sĩ Thành nhấn mạnh người dân cần hạn chế lội vào chỗ nước bẩn tù đọng. Nếu bắt buộc phải lội vào nước bẩn thì sau đó phải rửa ngay bằng nước sạch và lau khô, nhất là các kẽ ngón chân, tay. Nếu có thuốc đỏ hay thuốc sát trùng phòng “nước ăn chân” thì bôi ngay.

TS Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) khuyến cáo không để trẻ em bơi lội, tắm gội hoặc chơi đùa trong nước ngập vì nước rất bẩn, không chỉ gây bệnh ngoài da mà còn có thể gây bệnh tiêu chảy do trẻ nuốt phải nước bẩn.

Cần tra thuốc nhỏ mắt (Cloramphenicol 0,4%) cho tất cả những người có nguy cơ tiếp xúc với nước bẩn, không dùng chung khăn mặt, chậu rửa với người đang bị đau mắt đỏ. Khăn rửa mặt phơi ra ánh nắng mặt trời.

Không nên ăn rau sống, nếu ăn thì phải khử trùng bằng nước có pha chất khử trùng. Phun hoá chất diệt côn trùng ở những nơi có nguy cơ cao hoặc khu vực có ổ dịch sốt rét, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ.

Ông Nguyễn Huy Nga cho rằng, nếu chính quyền, ngành y tế, người dân cùng vào cuộc, nước rút đến đâu vệ sinh môi trường đến đó thì việc ngăn chặn dịch bệnh bùng phát là hoàn toàn có thể.

Nước thải y tế không thoát ra ngoài

Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, những ngày qua các bệnh viện vẫn đảm bảo công tác thu gom, đóng gói, phân loại và xử lý rác thải y tế theo đúng quy định. Nước thải y tế độc hại, trước khi xả ra môi trường đều phải qua xử lý ban đầu.

Đối với bệnh viện ngập nặng như bệnh viện Đống Đa, rác thải rắn độc hại vẫn được phân loại vào túi theo quy định và thu gom ba lần/tuần, đốt tại nhà máy ở Xuân Phương (Cầu Diễn).

Theo báo cáo của Trung tâm y tế Long Biên về bãi rác thải tập trung cũng được giám sát chặt chẽ và thường xuyên được phun thuốc khử khuẩn, làm sạch môi trường.

Tại Bệnh viện Đống Đa, mặc dù nước ngập nhưng các xe chuyên chở chất thải y tế vẫn đều đặn vào chở rác. Theo ghi nhận của phóng viên, nước thải y tế của các bệnh viện đều có hệ thống xử lý riêng trước khi thải ra cống thoát. Những viện không có hệ thống xử lý nước thải độc hại sẽ được xử lý hóa chất trước khi thải ra cống.

Ông Tuấn khẳng định không có chuyện nước thải y tế của bệnh viện lọt ra ngoài gây ô nhiễm môi trường.

TS Nguyễn Viết Lượng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Viện Bỏng quốc gia), cho biết để tránh xảy ra dịch bệnh nên bệnh nhân không được tự do ra vào viện cũng như không được mang thức ăn vào bệnh viện. Bệnh viện cũng đã hướng dẫn bệnh nhân cũng như người nhà của bệnh nhân ăn chín, uống sôi vệ sinh sạch sẽ tránh dịch bệnh phát.

Tại viện Bỏng quốc gia khu điều trị không bị ngập, chỉ đường đi vào viện ngập nên rác thải y tế không gây ô nhiễm môi trường, hàng ngày xe chuyên dụng vẫn vào chuyển rác đi. Đặc biệt, hệ thống nước thải đã qua xử lý nên không xảy ra chuyện nước thải y tế hòa lẫn nước ngoài môi trường như nhiều người lo ngại.

Tại Bệnh viện Nhi T.Ư khu nhà chứa rác thải được đặt phía sau nhà điều trị một đoạn nhưng cũng không bị ngập lụt, không bị ứng đọng rác thải y tế.

TS Nguyễn Thanh Liêm – Giám đốc Bệnh viện cho biết xe chuyên dụng vẫn đều đặn vào lấy rác thải hàng ngày cho dù trời mưa lụt. Với nước thải y tế đều được đưa vào hệ thống xử lý riêng rồi mới thải ra hệ thống thoát nước chung của Thủ đô.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cảnh báo, nguy cơ nguồn nước bị ô nhiễm là rất lớn bởi hiện còn nhiều điểm trong thành phố Hà Nội vẫn bị ngập.

MỚI - NÓNG