Rối nhiễu tâm trí “tấn công” tuổi teen

Rối nhiễu tâm trí “tấn công” tuổi teen
TP - Chứng bệnh rối nhiễu tâm trí (RNTT) đang có chiều hướng gia tăng tại Việt Nam. Tình trạng học sinh bỏ học, tự tử tập thể, ngất tập thể, lo sợ vô cớ, rối loạn cảm xúc... là biểu hiện của chứng bệnh này.
Rối nhiễu tâm trí “tấn công” tuổi teen ảnh 1
Tiến sĩ Lã Thị Bưởi đang tư vấn cho một bệnh nhân bị rối nhiễu tâm lý

TS Trần Tuấn- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, cho biết nếu không được phát hiện sớm, rối nhiễu kéo dài sẽ dẫn đến trầm cảm có thể dẫn đến tự tử do mất khát vọng sống.

Mất khát vọng sống - hậu quả của rối nhiễu tâm trí

Phòng khám Tuna – phòng khám sàng lọc RNTT (Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng), nằm trong ngõ 259, phố Vọng (Hà Nội) từ lâu đã trở thành địa chỉ thân thuộc của nhiều gia đình có con bị RNTT. 

Cử nhân tâm lý Lã Linh Nga, người hàng ngày tiếp xúc với các bệnh nhân cho biết, để điều trị khỏi bệnh này là một quá trình kiên trì và tỉ mỉ. Mỗi bệnh nhân có các rối nhiễu khác nhau như rối loạn hành vi, ám ảnh, sợ hãi, hiếu động quá mức, mất ngủ, hay gặp ác mộng, khó khăn trong học tập, chán ăn,...

Phòng khám từng tiếp nhận một trường hợp đặc biệt. Đó là bạn L.H.P (16 tuổi, học sinh lớp 10 ở Hải Phòng), học giỏi nên các thầy cô giáo bộ môn đều muốn có P. trong đội tuyển đi thi học sinh giỏi thành phố. Bản thân P. cũng có mong ước đó, nên P. lao vào học.

Việc học căng thẳng, dần dần P. thường có cảm giác cáu bẳn vô cớ, thường đưa ra những đòi hỏi vô lý với bố mẹ. Sức học của P. đuối dần. Các thầy cô nhận ra P. không còn khả năng đi thi đội tuyển nữa và rơi vào trạng thái chán nản, mệt mỏi.

Gia đình lo lắng và đưa P. tới phòng khám Tuna. Kết quả là P. bị RNTT do sức ép học tập quá lớn, do sự kỳ vọng của mọi người dành cho em quá nhiều và P. nghĩ mình làm được như mong mỏi của mọi người dẫn đến bệnh nặng thêm.

Ngay cả khi tiếp xúc với các bác sĩ tâm lý, P. cũng không giữ được thái độ bình tĩnh mà luôn cáu gắt, đòi về. Mất một thời gian, các nhà tâm lý và tâm thần học mới tiếp xúc được với P. Cô bé tâm sự thấy chán nản, nguyên nhân là do tự đòi hỏi bản thân quá nhiều trong học tập dẫn tới căng thẳng tâm lý.

Mới đây, phòng khám đã điều trị cho bệnh nhân H.M.Tr. đang học lớp 10 (Hà Nội). Tr. được sinh ra trong  gia đình khá giả. Mẹ Tr. là phụ nữ có quyền chức nên luôn bận rộn, còn bố em lại là người nghiêm khắc có phần lạnh lùng.

Bố mẹ đi làm cả ngày, từ nhỏ Tr. chỉ có người giúp việc và hàng núi đồ chơi làm bạn, ít khi tiếp xúc với xung quanh. Khoảng 3 năm gần đây, Tr. bắt đầu biết sử dụng máy vi tính và thường xuyên trò chuyện với mẹ qua máy tính dưới hình thức chat.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, RNTT đứng thứ 5 trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật cho con người.

Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng cho biết, có 20% trẻ em lớp 2 và 3 bị RNTT và cứ 5 bà mẹ đang nuôi con nhỏ 1 tuổi có 1 bà mẹ bị RNTT.

Theo TS Tuấn, mức độ phổ biến của RNTT đang vượt xa các vấn đề y tế khác và rất cần xã hội và ngành y tế quan tâm.

Hàng năm trời như vậy, hai mẹ con trò chuyện với nhau qua internet để rồi khi về nhà, ngồi đối diện với nhau lại thấy khó nói chuyện. Vậy là, mỗi người lại vào phòng riêng của mình và tâm sự với nhau qua chat.

Cách đây 1 năm, Tr. quen một bạn gái cùng trường và rất có cảm tình với cô bạn này, nhưng mỗi khi có cơ hội đối diện với cô bạn, Tr. lại căng thẳng, bối rối.

Ngược lại, cô bạn gái lại rất hồn nhiên và mạnh dạn. Điều này khiến Tr. thấy tự ti và chán nản mỗi khi nghĩ tới bạn gái, Tr. lại mệt mỏi, mất ngủ và lo âu.

Đỉnh điểm là khi cô bạn từ chối tình cảm của cậu, Tr. càng buồn rầu và học tập sút kém, xa rời mọi người. Có lần vì quá lo âu, sợ hãi. Tr. đã uống thuốc ngủ quá liều để tự tử nhưng gia đình phát hiện kịp thời.

Sau 4 lần tư vấn và trị liệu, Tr. đã giãi bày hết lo âu, chán nản của mình. Đồng thời, các thành viên gia đình cũng được khuyên thay đổi cách nhận thức và ứng xử với Tr., điều mà Tr. thấy cần nhất. Sau một thời gian, Tr. đã lấy lại được tinh thần và dần trở lại cuộc sống bình thường.

Phát hiện sớm biểu hiện của bệnh

TS Lã Thị Bưởi – Trưởng phòng khám Tuna cho biết, để phát hiện trẻ có RNTT hay không, người ta dùng bộ công cụ sàng lọc sức khỏe tâm trí. Đây thực chất là các câu hỏi để các bậc cha mẹ và thầy cô giáo đánh giá hành vi ứng xử, trạng thái tình cảm và đời sống tinh thần của trẻ.

Ở mức độ nhẹ bệnh có biểu hiện rất chung như nhức đầu, mệt mỏi không có nguyên nhân rõ ràng, chán ăn, lo lắng quá mức, khả năng tập trung trong học tập kém đi, trí nhớ giảm...

TS Bưởi cho rằng, thường ở giai đoạn này, bệnh không được phát hiện hoặc bị chẩn đoán nhầm sang một bệnh khác như cúm, mất ngủ, viêm họng, đau bụng, rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhịp tim... Phần lớn bệnh nhân bị RNTT tự phục hồi được, một tỷ lệ nhất định bệnh diễn biến nặng lên.

TS Tuấn cho biết, khi bệnh nặng lên các triệu chứng trên xuất hiện với mức độ rõ rệt, thường xuyên hơn, ảnh hưởng lớn đến học tập và sinh hoạt hàng ngày. Có những trường hợp bệnh nhân học kém đi, không tập trung, chán học và bỏ học. Nếu không được phát hiện kịp thời có thể rơi vào trạng thái trầm cảm, hoảng hốt lo sợ không rõ nguyên nhân, xa lánh bạn bè, nảy sinh ý định bỏ nhà đi, tự tử...

Khi thấy con cái có biểu hiện như đã nói ở trên, cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời. 

MỚI - NÓNG