Rùng mình chất lượng rau xanh

Rùng mình chất lượng rau xanh
Rau xanh là loại thực phẩm thiết yếu không thể thiếu trong mỗi bữa ăn, thế nhưng tình trạng sản xuất rau xanh hiện nay đang ở mức báo động. Nếu người tiêu dùng tận mắt nhìn thấy rau được trồng, bón phân như thế nào, chắc chắn họ sẽ rùng mình.

Chúng tôi tìm đến phường Bình Trị Đông A (Q.Bình Tân, TP.HCM). Từ đường Mã Lò, chúng tôi rẽ vào Hương lộ 2, khu phố 6, nơi tập trung trồng rau muống nước khá nhiều.

Các thửa rau muống nằm lọt thỏm giữa một bên là con mương đen kịt và các nhà dân, cơ sở tiểu thủ công nghiệp xung quanh.

Nguồn nước từ con mương cạnh các thửa ruộng trồng rau ô nhiễm nghiêm trọng. Nước đen kịt, đặc sánh với đủ loại rác thải trôi lềnh bềnh, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Theo những người dân ở đây, nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng như vậy là do các cơ sở sản xuất giấy, sắt thép, nước rửa chén, thậm chí cả... hố ga của các gia đình nằm ngay ven mương cũng được thải ra đây. Mỗi khi trời mưa, nước từ con mương này không thoát kịp, bị tắc, tràn vào cả khu vực sản xuất rau.

Người trồng rau còn phải mang găng tay, găng chân bảo hộ để tránh bị ngứa ngáy, tróc lở... Một người trồng rau ở khu phố 6 cho biết: "Nước bẩn từ con mương thường xuyên tràn vào, rau lúc cắt bó lại để ngay tại chỗ trên ruộng nên thường xuyên bị ngâm trong nước bẩn. Vì thế khi ăn phải biết sát trùng nhiều lần".

Từ quốc lộ 1A tiếp tục vào khu phố 7, con đường vào đây lầy lội, loang lổ các vũng nước bốc mùi hôi thối, những ruộng rau gần đó nhìn rất tươi tốt, xanh ngắt nhưng lại nằm dưới khu phế thải từ việc tái chế các loại bao bì. Nhìn cọng rau muống thật xanh, ít ai biết nó được trồng, thu hoạch trong môi trường ô nhiễm như thế nào.

Một người dân ở khu phố 8, phường Bình Trị Đông A cho biết nguồn nước trong các thửa ruộng trồng rau bị ô nhiễm nặng chủ yếu do các cơ sở này thải ra. Tại một cơ sở sản xuất rau ở phường Tam Bình, Q.Thủ Đức (chủ yếu trồng rau cải các loại), một nông dân ở đây cho biết:

"Đang mùa mưa nhiều nên sâu cuốn lá và các bệnh nấm phát triển mạnh. Chúng tôi thường sử dụng thuốc Ba-đăng và các loại thuốc trị nấm để phun. Vì sâu nhiều nên phải phun nhiều lần mới hết".

Nhưng thời gian cách ly (từ lúc phun đến lúc thu hoạch, bán rau) thì rất ngắn, chỉ khoảng 7 - 8 ngày. Với thời gian ngắn ngủi ấy, lượng thuốc phun còn bám trên lá chưa thể sạch. Người nông dân này thật thà nói: "Ăn rau, những người "bụng tốt" chắc… không sao" (?).

Biết nhưng không làm gì được

Trong lần kiểm tra gần nhất vào cuối tháng 7, đầu tháng 8.2007, Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức đã kiểm nghiệm gần 300 mẫu rau các loại, phát hiện 6 mẫu có dư lượng chất bảo vệ thực vật trên mức cho phép.

Tình trạng này càng đáng lo ngại khi ngay cả với rau do các doanh nghiệp sản xuất cũng có 69/981 mẫu được kiểm nghiệm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...

Kết quả điều tra gần đây nhất của Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM cho thấy rất nhiều diện tích trồng rau muống nước trên địa bàn TP.HCM sử dụng nguồn nước kênh rạch ô nhiễm; còn 30% nông dân sử dụng dầu nhớt để phòng trừ rầy mềm ở giai đoạn 2 - 3 ngày sau thu hoạch trên rau muống nước...

Ông Nguyễn Văn Thiệu - Phó chánh thanh tra Cục Bảo vệ thực vật cho biết: "Từ tháng 5 đến nay, chúng tôi liên tiếp lấy mẫu rau tại TP.HCM để xét nghiệm, số mẫu không có dư lượng luôn chiếm một tỷ lệ thấp, còn lại đa số mẫu đều có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, dù vẫn còn ở mức cho phép".

Theo kết quả điều tra của Cục Bảo vệ thực vật, đa số người trồng rau hiện nay ở TP.HCM chưa qua lớp tập huấn, không có thiết bị bảo hộ để bảo đảm an toàn vệ sinh.

Ông Thiệu tâm sự: "Nguồn rau cung cấp cho người tiêu dùng mỗi ngày vẫn chưa được kiểm soát một cách tuyệt đối, bởi các điều kiện về máy móc, thiết bị và cả nhân lực có trình độ cũng thiếu thốn. Với các thiết bị hiện nay, để có được kết quả phân tích chính xác thì phải mất 3-4 giờ, trong thời gian đó thì lượng rau được lấy mẫu đã tiêu thụ hết rồi.

Điều tôi lo lắng là thời gian qua chúng tôi chỉ kiểm tra được dư lượng thuốc trừ sâu trên rau, nhưng với tình hình nhiễm kim loại nặng do chất thải từ các khu công nghiệp chúng tôi vẫn chưa phân tích được, trong khi đây là mối đe dọa an toàn thực phẩm nguy hiểm hiện nay".

"Rau an toàn" chết yểu

Theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2010 các thành phố lớn cả nước sẽ phải sử dụng 100% rau an toàn, tuy nhiên với thực trạng hiện nay thì kế hoạch trên xem ra rất khó khả thi.

Kết quả kiểm tra tại các cửa hàng rau an toàn, siêu thị, cơ sở chế biến cũng đáng lo ngại khi có 65/905 mẫu được kiểm tra có dư lượng chất độc hại vượt mức cho phép.

Điều đáng nói là hiện các địa phương chủ yếu vẫn còn sử dụng phương pháp test nhanh, chỉ phát hiện 2 nhóm carbamate và lân hữu cơ, còn nhiều nhóm độc hại khác gốc thủy ngân, clo... không phát hiện được.

Mới đây, một trong những mô hình sản xuất rau an toàn tiên tiến nhất tại Việt Nam do Trung tâm Sao Việt (Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang) triển khai đã phải chính thức chấm dứt hoạt động do thua lỗ. Ông Nguyễn Quý Hùng - Chủ nhiệm dự án trên - cho biết:

"Đây là một mô hình sản xuất an toàn khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, nhưng chúng tôi quyết định ngưng dự án trên bởi chi phí quá cao, không cạnh tranh được với các loại rau "không an toàn" và nhất là ý thức bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng chưa được nâng cao.

Chúng tôi sẵn sàng chuyển giao mô hình này cho các công ty khác có nhu cầu nhưng cũng chưa ai dám nhận vì lợi nhuận thấp, rủi ro cao, trách nhiệm lại nặng nề".

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.