Số người mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm đã giảm mạnh

Số người mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm đã giảm mạnh
Đó là nhận định của TS. Nguyễn Quốc Triệu, Bộ Trưởng Bộ Y tế tại cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm chiều nay 9/11 tại Hà Nội.

Trong tổng số 1378 người mắc bệnh tiêu chảy cấp có 159 ca dương tính (chiếm 15%) thuộc các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An, Hưng Yên, Hải Dương.

Để hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, Bộ trưởng chỉ đạo, ngành y tế các địa phương và người dân cần nâng cao cảnh giác, khoanh vùng và dập tắt ổ dịch theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của ngành Y tế.

Bộ Y tế và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ phối hợp phát động chiến dịch an toàn vệ sinh thực phẩm trong toàn quốc. Lấy tiêu chí mỗi gia đình đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hoá phải có sức khoẻ, thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh xảy ra...

TS. Lý Ngọc Kính, Vụ trưởng Vụ điều trị (Bộ Y tế) cho biết: Ngày 9/11 có 90 bệnh nhân vào viện. Số bệnh nhân được ra viện 308, chuyển viện 15 bệnh nhân. Bệnh nhân nặng 139. Vụ Điều trị tiếp tục đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm tại các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Hoà Bình, Sơn La.

PGS.TS Nguyễn Đức Hiền, Viện trưởng Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cho hay: Viện đã tiếp nhận 400 bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp. 119 bệnh nhân rất phấn khởi đã được ra Viện, giải quyết được tình trạng quá tải, căng thẳng cho Viện.

Sở Y tế Hà Nội đã phát miễn phí 90.000 đôi găng tay cho các hộ kinh doanh thực phẩm; Kiên quyết đình chỉ những hộ kinh doang thực phẩm không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Sở đã kiểm tra 153 trường học, 20 trường đại học, cao đẳng về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhằm cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh bùng phát tại các tỉnh vùng lũ lụt, các tỉnh và ngành y tế chủ động xử lý vệ sinh môi trường, nước rút đến đâu vệ sinh môi trường đến đó. Phát thuốc uống dự phong và vận động nhân dân ăn thức ăn chín, uống nước đun sôi, ngủ màn phòng tránh muỗi đốt. Đối với những địa phương bị lũ lụt lâu ngày, ngành y tế và chính quyền địa phương phân phát thuốc viên cloramin B để khử khuẩn nguồn nước không bị nhiễm bẩn trong ăn uống và sinh hoạt.

MỚI - NÓNG