Tạm ngừng sử dụng văcxin Priorix trên cả nước

Tạm ngừng sử dụng văcxin Priorix trên cả nước
Trước sự việc cháu Nguyễn Thiên Bảo 13 tháng tuổi ở TPHCM tử vong do sốc thuốc sau khi tiêm vắc-xin Priorix, ngày 11/5, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu tạm dừng việc tiêm văcxin này.

Thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Hiện có một số trường hợp trẻ từ 13-16 tháng tuổi vào Bệnh viện Nhi đồng 1 do có các biểu hiện sốt cao, sưng tấy tại chỗ tiêm và nghi nhiễm khuẩn huyết sau tiêm vắc-xin Priorix phòng sởi, quai bị, rubella tại quận 5, TPHCM.

Đây là loại vắc-xin do hãng GlaxoSmithKline sản xuất lô số A69CA409A, sản xuất tháng 8/2005 có hạn sử dụng đến hết tháng 7/2007. Để đảm bảo an toàn tiêm phòng vắc-xin cho nhân dân, Cục Y tế dự phòng Việt Nam đã đề nghị Sở y tế các tỉnh thành phố khẩn trương chỉ đạo: Tạm ngừng ngay việc tiêm vắc-xin Priorix phòng sởi, quai bị, rubella do hãng GlaxoSmithKline sản xuất cho tới khi Bộ Y tế thông báo tiếp tục sử dụng loại vắc-xin này;

tăng cường việc khám kiểm tra tiêm phòng vắc-xin, nguồn gốc, chủng loại vắc-xin tiêm dịch vụ trên địa bàn, chất lượng vắc-xin, dây chuyền lạnh, hạn sử dụng, kỹ thuật tiêm phòng; tăng cường chỉ đạo các biện pháp sử dụng vắc-xin an toàn và các bước an toàn thực hiện trong tiêm phòng các loại vắc-xin trên địa bàn. Chuẩn bị các điều kiện để sơ cấp cứu ban đầu, chống sốc phản vệ và điều trị bệnh nhân kịp thời.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở có tiêm chủng cũng phải hết sức cẩn trọng trong tất cả các khâu liên quan đến tiêm phòng văc- xin như vận chuyển, bảo quản, quy trình tiêm chủng, phòng chống sốc và choáng. Theo các chuyên gia y tế, hiện chưa thể đưa ra một phán đoán nào về nguyên nhân gây sốc, hôn mê và tử vong cho những trẻ đã tiêm Triorix.

Loại văcxin này đã được sử dụng khá lâu ở Việt Nam với số lượng rất lớn, nhưng chưa bao giờ xảy ra tai biến. Tại Việt Nam, cũng chưa có trường hợp tương tự xảy ra với tất cả các loại văcxin. Do vậy nhiều chuyê gia cho rằng, việc tìm nguyên nhân gây ra các vụ tai biến trên sẽ rất phức tạp, cần sự nhập cuộc của các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực, từ những cán bộ y tế cơ sở trực tiếp tiêm, các bác sĩ lâm sàng có kinh nghiệm trong chẩn đoán tai biến liên quan đến tiêm chủng trẻ em, chuyên gia kiểm định văcxin đến cán bộ giám định pháp y (nếu có tử vong).

Các mẫu văcxin, ống tiêm và kim tiêm đã được sử dụng cho nạn nhân hoặc trong cùng lô đều phải được kiểm định. Để bảo đảm an toàn cho trẻ khi tiêm chủng, các chuyên gia về y tế đã đưa lời khuyến cáo: các bậc cha mẹ khi đưa con đi tiêm phải nói rõ tình trạng sức khỏe của con cho cán bộ y tế, khai đầy đủ tiền sử dị ứng và các văcxin vừa sử dụng nếu có; sau khi tiêm bất cứ thuốc gì, tốt nhất là không về nhà ngay mà phải có thời gian theo dõi phản ứng để có thể xử trí kịp thời; với cán bộ y tế, cần hỏi kỹ các thông tin về bệnh nhân, thực hiện đủ các khâu thử phản ứng, theo dõi phòng chống sốc sau tiêm đúng như quy định.

Được biết, đến 14 giờ chiều ngày 11/5, tại Khoa Hồi sức -Bệnh viện Nhi Đồng 1 vẫn còn 5 trẻ đang trong tình trạng thở máy do bị sốc thuốc sau khi tiêm vắc-xin Priorix ngừa quai bị-sởi-rubella.

TTXVN

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.