Tăng lực cho VĐV: Lại “thần dược” hải sâm

Tăng lực cho VĐV: Lại “thần dược” hải sâm
Ngành thể dục thể thao vừa quyết định tiếp tục mua “thần dược” hải sâm và rắn biển cho các vận động viên chuẩn bị đi dự SEA Games 23 diễn ra tại Philippines vào cuối năm nay
Tăng lực cho VĐV: Lại “thần dược” hải sâm ảnh 1
Trịnh Thị Mùi (bên trái), một trong những VĐV đã được dùng viên nang Hải Sâm tại SEA Games 22. Ảnh: Phạm Yên

Người đứng đầu nhóm nghiên cứu đề tài về viên nang hải sâm và rắn biển cho biết ngành thể dục thể thao vừa quyết định tiếp tục mua “thần dược” hải sâm và rắn biển cho các vận động viên chuẩn bị bị đi dự thế vận hội thể dục thể thao Đông Nam Á diễn ra tại Philippines vào cuối năm nay.

“Chúng tôi cung cấp cho họ khoảng 100.000 viên nang”, GS.TSKH Nguyễn Tài Lương, Phòng Hóa sinh Protein, Viện Công nghệ Sinh học, nói. Vẫn theo nhà khoa học kỳ cựu đồng thời là đại biểu Quốc hội, ủy viên ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, giá mỗi viên nang “thần dược” lần này khoảng 4.000 đồng.

Trong lúc ngành thể thao đang chờ kinh phí từ ngân sách Nhà nước để mua các loại thuốc bổ dưỡng, tăng lực chuẩn bị cho đoàn thể thao Việt Nam có thể đạt thành tích cao nhất tại SEA Games 23, việc chi một khoản 400 triệu đồng để mua sản phẩm độc đáo kia được dư luận cho là bước ghi nhận tiếp theo về hiệu quả của hải sâm và rắn biển.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, nhiều người vẫn chưa tin giá trị bổ dưỡng và nhất là “kích dương” của sản phẩm hải sâm và rắn biển vì cho rằng hải sâm và rắn biển là ở dưới nước, nếu có đại bổ cũng chỉ có thể thiên về bổ huyết tức bổ âm chứ làm sao đại bổ được cả nguyên khí tức bổ dương được”.

Đối lại, Thạc sỹ Nguyễn Huy Văn, Trưởng phòng Nghiên cứu&Phát triển, Cty cổ phần Dược phẩm Traphaco, nói: “Con cá ngựa mà lương y nào cũng thừa nhận có tác dụng khắc phục tình trạng yếu sinh lý đàn ông hay còn gọi là bổ dương chẳng phải cũng sống dưới nước sao”.

“Chúng tôi tin tưởng kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học”, Th.S Văn nói tiếp, “Là doanh nghiệp chịu cạnh tranh khốc liệt trên thương trường, chúng tôi không thể nhận sản xuất đại trà một loại sản phẩm mà thực sự không có tác dụng”.

Vấn đề mà Traphaco quan tâm hiện nay là tiến tới hợp tác chặt chẽ hơn với các nhà khoa học và cả các địa phương có nguồn tài nguyên quý giá này để đảm bảo một kế hoạch sản xuất bền vững. Chỉ riêng ở bờ biển tỉnh cực Nam Trung Bộ Khánh Hòa, một cuộc nghiên cứu sơ bộ mới đây cũng cho thấy nguồn hải sâm rất phong phú.

Các thợ lặn vừa tìm thấy trên 10 loài hải sâm ở vùng biển vịnh Nha Trang có kích cỡ từ 0,5 - 0,7kg. Những loại hải sâm này có nhiều sắc màu khác nhau như xanh, trắng, hồng, đen. Hứng chí, có ngày, thợ lặn trong vịnh khai thác được vài trăm kg hải sâm. Những người thu mua tổ chức xử lý tại chỗ bằng cách bỏ ruột rồi cho ướp lạnh đem vào TP Hồ Chí Minh.

Nhận thấy giá trị bổ dưỡng mới được phát hiện của hải sâm, tình trạng tận thu hải sâm diễn ra khá mạnh không chỉ ở Khánh Hoà mà cả ở Phú Yên, Thanh Hóa, v.v... Việc khai thác hải sâm không theo kế hoạch và không có giám sát như thế, nhiều người lo ngại nguồn hải sản quý hiếm đó sẽ không còn.

Các vận động viên dùng hai chế phẩm Amorvita hải sâm và Rabiton rắn biển có lượng hồng cầu tăng lên giúp tăng khả năng biến dưỡng hiếu khí và yếm khí tức tăng sức bền. Chế phẩm còn giúp giảm 12-25% cholesterol toàn phần trong máu bảo vệ tim mạch cho vận động viên, giảm acid lactic, thủ phạm gây mỏi cơ, chuột rút.

Đặc biệt hai chế phẩm còn cung cấp cho cơ thể nguồn hormone steroid tự nhiên giúp nhanh chóng hồi phục hàm lượng testosteron suy giảm trong luyện tập, thi đấu. Chế phẩm không chỉ giúp các vận động viên nâng cao chỉ số thể lực mà còn nâng cao các chỉ số tâm lý, xử lý tốt tình huống, không mắc lỗi tín hiệu điện tử.

Trở lại sản phẩm viên nang hải sâm và rắn biển, trở ngại lớn nhất của doanh nghiệp Traphaco trong việc mở rộng thị trường bây giờ chính là thói quen sính ngoại của người tiêu dùng.

Được biết Viện Khoa học Thể dục Thể thao có tờ trình xin 6,9 tỷ đồng mua các loại thuốc bổ nhằm tăng cường sức mạnh cho đoàn thể thao Việt Nam. Vậy tại sao không chi thêm tiền để mua thêm “thần dược” nội là câu hỏi khó trả lời dẫu biết nguồn kinh phí kia vẫn chưa được cấp.

Viên nang hải sâm và rắn biển vốn là sản phẩm được sử dụng từ SEA Games 20 và trở thành thuốc bổ quen thuộc cho các vận động viên. “Hai loại thuốc này rẻ và dễ mua nhưng chưa đủ”,  PGS.TS. Lê Quý Phượng, Viện phó Viện Khoa học TDTT kiêm Giám đốc Trung tâm Y học TDTT, lý giải, “Cần phải mua thêm nhiều loại thuốc khác”.

Loại thuốc bổ dưỡng khác có thể kể đến như Diên Vĩ của Trung Quốc mà nhiều người tin là có phần “nhái” bản quyền của viên nang hải sâm. Viện Khoa học TDTT còn có kế hoạch mua một số thuốc cao tụ đường (một loại thuốc có tác dụng bổ sung nhanh chóng năng lượng cho cơ thể) của Thụy Điển với kinh phí khoảng một tỷ đồng.  

MỚI - NÓNG